Nhân dịp sale khủng mua hàng online, cảnh giác với 3 tình huống ức đến phát khóc "dính" cả khách hàng lẫn khổ chủ

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 12:20 12/11/2018
Chia sẻ

Đừng vì những con số phóng đại mà mờ mắt dính bẫy mua hàng online dịp cuối năm nhé.

Kể từ hôm qua - 11/11 - hàng loạt các trang mua sắm online dưới hình thức thương mại điện tử ở nước ta đồng loạt "nổ súng", mở đầu ngay sale cực mạnh, báo hiệu một mua săn hàng cuối năm đã đến với Black Friday cũng đang cận kề. Người người nhà nhà đều hóng hớt chuyền nhau những quả bom hạ giá khủng, nhanh tay click chuột chọn ngày hàng về xài cho một mùa đông ấm lòng dù cho 11/11 có là ngày "FA thế giới" đi chăng nữa.

Nhân dịp sale khủng mua hàng online, cảnh giác với 3 tình huống ức đến phát khóc dính cả khách hàng lẫn khổ chủ - Ảnh 1.

Nhiều trang thương mại điện tử quảng cáo mạnh mẽ dịp mua sắm hạ giá cuối năm.

Tuy nhiên, thế giới mua hàng online cũng không vì thế mà hoàn toàn bình yên và đẹp đẽ như vẻ bề ngoài tràn ngập những đơn hàng sale nổ mắt như vậy. Hỏi ra mới biết, những sóng gió từ lâu vẫn đang tồn tại, chỉ chực chờ quật ngã tâm hồn yếu đuối của cả người bán lẫn người mua khi lâm vào những tình huống dở khóc dở cười, chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi.

1. Sản phẩm không như ý, muốn trả về phải... mất thêm tiền

Theo điều khoản của một số trang thương mại điện tử, sản phẩm mua về hoàn toàn có thể liên hệ trả lại shop nếu như phát hiện chất lượng kém, hàng giả hàng nhái, không đúng như cam kết giới thiệu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khách hàng hoàn toàn vô hại nếu như có sự cố xảy ra. Cụ thể, nếu như có ý định gửi trả lại hàng, người mua phải tự chịu phí vận chuyển ngược trở lại cho shop.

Nhân dịp sale khủng mua hàng online, cảnh giác với 3 tình huống ức đến phát khóc dính cả khách hàng lẫn khổ chủ - Ảnh 2.

Mua đèn kẹp bàn nhưng... thiếu tấm kẹp thì tính sao?

Shop ở gần thì không sao, nhưng shop ở xa kết hợp thêm kích cỡ và cân nặng kiện hàng lớn chắc chắn sẽ khiến bất kỳ ai phải điên đầu, vì giá vận chuyển có thể còn... cao hơn cả giá gốc sản phẩm. Vì thế, nhiều người thường chọn phương án tạm chấp nhận, coi như một bài học đau đớn cho kinh nghiệm mua hàng online của mình.

2. Tự ý hủy đơn hàng đột ngột

Trường hợp này xuất hiện 2 chiều, có thể bắt nguồn chủ quan từ cả người mua và người bán, và tình huống nào cũng "thốn" như nhau cả.

Ở phía người mua hàng, đôi khi họ sẽ có lý do rất hi hữu và khó đoán để hủy đơn hàng đã chọn, đặc biệt là theo hình thức COD (Cash on delivery - nhận hàng rồi trả tiền sau). Tuy nhiên, đôi khi xuất hiện những lỗi hệ thống không kịp cập nhật, dẫn đến việc dữ liệu người mua đã bấm hủy nhưng phía người bán thì đã kịp nhận và chuyển hàng đi rồi. Cuối cùng, công lao của các bác shipper đổ bể, còn người mua người bán có khi lại được thêm một dịp phân bua nói lý với nhau, không ai chịu ai về cách hành xử của người kia.

Nhân dịp sale khủng mua hàng online, cảnh giác với 3 tình huống ức đến phát khóc dính cả khách hàng lẫn khổ chủ - Ảnh 3.

Ít người ưa chuộng hình thức thanh toán trước, mà chỉ tin tưởng COD để có thể tự kiểm tra hàng trước khi nhận.

Về phía người bán, việc chủ động tự ý hủy đơn hàng của người mua lại thường mang một mục đích khác. Khả năng xảy ra cao nhất là họ đặt ra một mức giá cực thấp, thu hút rất nhiều người đặt mua ban đầu để tăng lượng tương tác và gợi ý đề xuất cho shop. Sau đó, họ sẽ điều chỉnh giá cao hơn và hủy toàn bộ những đơn hàng theo diện giá thấp hồi trước. Hành động này gây ức chế rất nhiều cho người mua vì không thể lên tiếng tố cáo đánh giá shop do hàng chưa nhận, và quá trình hoàn tiền cũng không phải ngày một ngày hai là xong.

3. Đối thủ kinh doanh chơi xấu

Nạn nhân chính trong tình huống này sẽ là các chủ shop trên trang mua sắm online. Chính hình thức mua hàng COD nhận trước trả tiền sau chính là cách để nhiều người lợi dụng, hạ bậc đối thủ cạnh tranh với mình.

Cụ thể, các đối thủ núp bóng khách hàng khác sẽ đặt và chờ ship hàng như thường, nhưng khi nhận sẽ viện đủ lý do như hàng không đúng cam kết, hình thức khác... để không chịu mua và trả tiền. Từ đó, shop bị hại vẫn phải chịu phí vận chuyển trung gian, lại còn rủi ro hàng hóa hư hỏng do di chuyển nhiều cũng là nỗi lo đau đầu thường xuyên của người bán. Trong khi đó, hình thức thanh toán trước - nhận hàng sau thì lại không được nhiều người ưa chuộng, vì thế càng khiến tình trạng này dễ bị lạm dụng hơn để chơi xấu lẫn nhau.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày