Các tổ chức nhà vệ sinh
Chúng ta có Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization - WTO), một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu do một người Singapore sáng lập năm 2001. Mục tiêu của tổ chức này là cải thiện nhà vệ sinh và điều kiện vệ sinh trên toàn thế giới. Từ một tổ chức chỉ có 15 thành viên giờ đã có 151 thành viên ở 53 quốc gia. Tất cả các thành viên đều hướng tới loại bỏ những điều cấm kỵ liên quan tới nhà vệ sinh và mang tới những giải pháp vệ sinh bền vững trên toàn thế giới.
Ngày Nhà vệ sinh Thế giới được chính thức tuyên bố vào năm 2013. Ảnh: Wikipedia
WTO là nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhà vệ sinh Thế giới, là tác giả của nhiều sáng kiến. Ví dụ như sự kiện Urgent Run nhằm kêu gọi hành động chấm dứt khủng hoảng vệ sinh và kết nối các cộng đồng thế giới nhằm nâng cao ý thức về vấn đề nhà vệ sinh. Hay như Sáng kiến Nhà vệ sinh Trường học Cầu vồng ở nông thôn Trung Quốc…
Ngày 19/11 hàng năm là Ngày Nhà vệ sinh Thế giới, một ngày kỷ niệm quốc tế chính thức của Liên hợp quốc nhằm khuyến khích hành động giải quyết khủng hoảng vệ sinh toàn cầu. Ngày Nhà vệ sinh Thế giới cũng do WTO thành lập năm 2001. 12 năm sau, Đại Hội đồng tuyên bố đây là một ngày chính thức của Liên hợp quốc.
Không chỉ có hiệp hội nhà vệ sinh toàn cầu, nhiều nước cũng có hiệp hội nhà vệ sinh, như Đức, Mỹ, Anh, Phần Lan, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bhutan, Malaysia, Indonesia, Singapore… Hàn Quốc còn có một công viên chủ đề nhà vệ sinh rất thu hút khách ở thành phố Suwon, trong đó có hẳn một bảo tàng nhà vệ sinh.
Một trẻ em đi vệ sinh ngay giữa dòng nước thải bẩn thỉu ở Nigeria. Ảnh: Wikipedia
Liệt kê như vậy để thấy tầm quan trọng của nhà vệ sinh – thứ vốn được coi là công trình phụ ở Việt Nam nhưng lại có vai trò không hề phụ.
Với nhiều nước phát triển, nhà vệ sinh không phải là mối bận tâm lớn của người dân, vì họ đương nhiên được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại ở bất kỳ chỗ nào, dù là nhà riêng hay nơi công cộng.
Thế nhưng, điều tưởng như đương nhiên ở nhiều nước đó lại là điều xa xỉ đối với hàng tỷ người ở phần còn lại của thế giới. Thực tế, chỉ có 27% dân số thế giới có nhà vệ sinh tại nhà mà chất thải được xả thẳng vào đường ống nước thải sau đó tới nhà máy xử lý. Ở các khu vực đang phát triển, cơ sở hạ tầng vệ sinh không có vì thế chất thải nhà vệ sinh không được xử lý an toàn và lại quay trở lại tiếp xúc với con người qua đường nước.
Cứ 10 người thì lại có 3 người không có nhà vệ sinh để dùng. Hậu quả là họ phải trả giá đắt khi nhiễm bệnh tật, mất phẩm giá vì phải dùng nhà vệ sinh bẩn. Các bệnh tật liên quan tới nhà vệ sinh gồm tiêu chảy, tả, thương hàn... Những căn bệnh này giết chết gần 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm. Người lớn cũng không an toàn.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ước tính 9% gánh nặng bệnh tật toàn thế giới bắt nguồn từ nước uống nhiễm bẩn và vấn đề vệ sinh kém.
Sáng kiến nhà vệ sinh không dùng nước
Nhà vệ sinh là vấn đề mà tổ chức Bill&Melinda Gates Foundation của vợ chồng tỷ phú Bill Gates luôn đau đáu. Mới đây, người sáng lập tập đoàn Microsoft và nhà thiện nguyện nổi bật nhất thế giới, thông báo: Mạng lưới quốc tế gồm các nhà công nghệ, chuyên gia vệ sinh và nhân viên phát triển do quỹ Bill&Melinda Gates Foundation tài trợ cuối cùng đã giải quyết được cuộc khủng hoảng chất thải thế giới.
Ông Bill Gates phát biểu tại sự kiện Triển lãm Nhà vệ sinh Đổi mới. Ảnh: AP
Quỹ này đã quyết định nghiên cứu vấn đề nhà vệ sinh từ năm 2011, tiếp cận các công ty công nghệ trong nhiều lĩnh vực, cung cấp tài chính để họ phát triển một cỗ máy diệt vi khuẩn độc lập.
Tại Triển lãm Nhà vệ sinh Đổi mới ở Bắc Kinh, Trung Quốc vừa diễn ra, ông Bill Gates đã lên sân khấu cùng một dụng cụ trực quan gây ấn tượng: một bình đựng phân. Ông nói: "Triển lãm này lần đầu tiên trưng bày những công nghệ, sản phẩm vệ sinh mới và sẵn sàng để mang ra kinh doanh". Tổ chức của ông Bill Gates đã đầu tư vào 20 công nghệ nhà vệ sinh và có thể mang ra sử dụng rộng rãi.
Trong đó, nổi bật là bồn cầu không dùng nước. Nhà vệ sinh này bắt đầu bằng quy trình đốt cháy nhiên liệu rắn để tách chất thải rắn khỏi chất thải lỏng, chất thải rắn sau đó được làm khô bằng quy trình cơ học và sau đó được đốt cháy. Hơi nóng được tạo ra sẽ đun sôi nước, tạo năng lượng hơi nước để vận hành toàn bộ hệ thống. Quy trình cuối cùng là xử lý chất thải sẽ diễn ra song song với quy trình đốt cháy và tạo hơi nước. Chất thải dạng lỏng được lọc và cô đặc dùng để sản xuất nước có thể uống được.
Nhà vệ sinh không dùng nước tại triển lãm ở Bắc Kinh. Ảnh: NPR
Hệ thống bồn cầu tự cung tự cấp này không cần đến năng lượng bên ngoài. Lượng điện thừa có thể được sử dụng trong cộng đồng. Ước tính những cỗ máy đầu tiên như vậy sẽ có thể lọc nước đủ cho 200.000 đến 500.000 người.
Trong 7 năm qua, quỹ Bill&Melinda Gates Foundation đã chi 200 triệu USD để đổi mới nhà vệ sinh. Tại Bắc Kinh, ông Bill Gates tuyên bố sẽ chi thêm 200 triệu USD nữa.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức phía trước. Nhiều mẫu nhà vệ sinh do Bill&Melinda Gates Foundation tài trợ tại triển lãm có giá tới 10.000 USD. Một vấn đề nữa là liệu các cộng đồng mà quỹ này hướng tới có muốn lắp đặt những thiết bị này hay không.
Trong bối cảnh hàng tỷ người không được sử dụng nhà vệ sinh sạch, chính những con người thiện nguyện với mong muốn đóng góp cho thế giới như tỷ phú Bill Gates hay những tổ chức, hiệp hội nhà vệ sinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao ý thức, thúc đẩy đầu tư của các chính phủ vào xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ cho người dân.