Mới đây, một HR (Human Resources) - người làm tại bộ phận nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng đã chia sẻ kiểu hồ sơ xin việc sẽ bị loại bỏ ngay ở vòng đầu dù học vấn có cao tới đâu. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm, anh ấy cho rằng ứng viên gắn bó với công ty trên 10 năm thường không được đánh giá cao.
Tại sao lại như vậy? Đây là điều nhiều người không khỏi thắc mắc? Không phải nhân sự càng gắn bó lâu dài càng chứng tỏ họ là người có năng lực, có trách nhiệm với công việc, với văn hóa công ty hay sao? HR này cho rằng không hẳn đã như vậy.
Anh ta chia sẻ: "Nếu bạn đã làm việc trong một công ty hơn 10 năm, trừ khi công ty đó đã trải qua các giai đoạn khác nhau mới giúp bạn trưởng thành cùng công ty. Bởi qua nhiều biến cố, thách thức, công ty mới thực sự có những yêu cầu khác nhau đối với bạn.
Nhưng nếu bạn làm việc trong một công ty với tính chất tương đối ổn định, hoặc đã ở một công ty kém phát triển trong hơn 10 năm sẽ khiến bạn nghi ngờ thực lực của chính mình. Lúc này, bạn không ngừng đặt câu hỏi liệu bản thân có đủ khả năng để thay đổi công việc? Càng nghĩ, bạn sẽ càng lo lắng, chùn bước".
Rất khó để vượt qua được vùng an toàn trong một công ty như vậy. Thậm chí, có người đã làm việc ở công ty nước ngoài hơn 10 năm - có kiến thức, kinh nghiệm, chế độ đãi ngộ tốt nhưng nếu thay đổi môi trường mới vẫn có thể thất bại.
Có rất nhiều lý do khiến một người thay đổi vị trí làm việc, môi trường làm việc. Có thể do họ không hài lòng với công việc hiện tại, họ cảm thấy nó không hướng họ đến sự nghiệp họ mong đợi hay đơn giản là "không có tương lai". Nhiều người khác lại chuyển việc vì không thích công việc hiện tại hoặc môi trường văn hóa công sở nơi đó.
Trong nhiều trường hợp khác, họ chuyển việc vì cảm thấy công việc quá nhàm chán và muốn chinh phục những mục tiêu mới, thử cảm giác mới lạ. Không phải ai cũng thích một vị trí trong vài năm, họ hy vọng sẽ có những thay đổi, khác biệt thú vị khi sang vị trí mới.
Và cũng có những người chuyển đổi công việc do muốn học hỏi những kiến thức, kỹ năng mới để mang lại lợi ích lâu dài.
Dưới đây là một số lợi ích mà khi chuyển đổi công việc, môi trường, vị trí làm việc mang lại.
1. Có được nhiều kinh nghiệm và góc nhìn mới mẻ: Điều đầu tiên bạn nhận được là sẽ thấy nội bộ của công ty, văn hóa, môi trường làm việc khác nhau. Mỗi doanh nghiệp sẽ có bộ quy tắc ứng xử riêng. Nếu bạn mang theo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, sau đó áp dụng với công việc mới sẽ có nhiều ý tưởng tích cực, sáng tạo và được đánh giá cao.
2. Phát triển một mạng lưới kết nối rộng, đa dạng: Khi thay đổi công việc, bạn sẽ càng có thêm nhiều mối quan hệ xã hội, từ đó mở ra nhiều tiềm năng phát triển, đó có thể khách hàng, đối tác, chuyên gia,… Điều này được coi là loại "tài sản" không chỉ của riêng bạn mà còn của doanh nghiệp bạn sắp làm trong tương lai.
3. Có nhiều cơ hội hơn để tìm công việc phù hợp: Chuyển sang một công việc mới đồng nghĩa với việc bạn có thêm cơ hội tìm kiếm công việc trong mơ của mình hoặc đó là bước đệm để đạt được mục tiêu. Và đặc biệt, có thể vị trí mới sẽ mang đến cho bạn nguồn thu nhập tốt hơn rất nhiều.