Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 20/09/2016

Dấu răng - một trong những dấu vết được xem là tin cậy để kết án đang được đặt lên bàn cân.

Nếu chăm xem phim trinh thám, bạn sẽ hiểu rằng để phá một vụ án và kết tội được một người, cần phải có bằng chứng cụ thể với đủ cơ sở khoa học. Những bằng chứng này có thể từ lập luận không thể chối cãi, hoặc từ những dấu vết quá rõ ràng như kết quả xét nghiệm ADN, dấu vân tay, tóc, hay thậm chí là... dấu răng.

Tuy nhiên mới đây, Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ của Tổng thống Mỹ (PCAST) trong Nhà Trắng đã đưa ra kết luận việc dựa vào dấu răng để kết tội một người là không đủ tiêu chuẩn khoa học.

Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi - Ảnh 1.

Chỉ dựa vào dấu răng là không đủ

Đó là kết luận được nêu trong bản báo cáo "tiền chính thức" của PCAST, dự tính sẽ công bố vào cuối tháng 9/2016.

Báo cáo của hội đồng thậm chí còn đặt dấu hỏi về các phương pháp phân tích bằng chứng khác, bao gồm dấu giày, xét nghiệm tóc, và thậm chí là cả dấu vân tay.

Không đủ cơ sở để luận tội chỉ dựa vào dấu răng

Từ trước đến nay, cơ sở để đưa dấu răng trở thành bằng chứng dựa trên 2 yếu tố. Đầu tiên, dấu răng của con người là độc nhất - giống như ADN. Và thứ 2, da người là một vật trung gian đủ để lưu lại dấu răng. Vấn đề ở đây là: cả 2 yếu tố trên hóa ra chưa khi nào được chứng thực. 

Nhưng dẫu vậy, việc phân tích dấu răng để kết án tội phạm đã được áp dụng từ thập niên 1950 tại Mỹ, khi một nha sĩ kết luận dấu răng lưu trên miếng pho-mai tại hiện trường vụ cướp trùng khớp với một nghi phạm. Ông ta đã bị kết án ngay sau đó.

Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi - Ảnh 2.

Tuy nhiên theo như báo cáo của PCAST, các bằng chứng khoa học cho thấy kỹ thuật hiện nay thậm chí không đủ để xác định chính xác vết thương có đúng là do răng gây ra không, hoặc không xác định được nguồn gốc của dấu răng đó với độ chính xác cho phép.

PCAST cho biết, tính đến nay đã có ít nhất 25 trường hợp kết án sai có liên quan đến dấu răng, cùng rất nhiều vụ chưa được xét xử (số liệu từ Innocence Project). Hay như trong tháng 6/2016, ông Bill Richards tại California đã được giải oan sau 23 năm đứng sau song sắt vì sát hại vợ của mình. Ông bị kết án do sai sót của một nha sĩ pháp y khi cho rằng dấu răng trên tay vợ ông trùng khớp với bộ hàm khá đặc trưng của Bill.

Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi - Ảnh 3.

Bất chấp tất cả, rất nhiều nha sĩ giải phẫu giữ nguyên quan điểm của họ về dấu răng. Họ đưa ra chỉ trích tiến sĩ Mary Bush và chồng cô, Peter Bush - những người thực hiện nghiên cứu chứng minh rằng những phương pháp xét nghiệm pháp y như hiện nay là thiếu cơ sở khoa học. PCAST thì ngược lại, đồng tình rằng những bằng chứng về dấu răng không có cơ sở nào đứng sau đó.

Câu hỏi về những bằng chứng khác, kể cả dấu vân tay

Báo cáo của PCAST thậm chí còn đặt câu hỏi về những dấu vết vốn được xem là bằng chứng kết tội khác, như dấu giày, hướng nổ súng, dấu vật liệu, và thậm chí cả một bằng chứng tương đối vững chắc khác: dấu vân tay.

Như với trường hợp của dấu tay, thực sự thì dấu tay của mỗi người quả đúng là đủ tính độc nhất để làm bằng chứng. Nhưng vấn đề nằm ở phương pháp và kỹ thuật xác định đang cho sai số khá lớn.

Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi - Ảnh 4.

Phương án đáng tin cậy như dấu vân tay cũng chưa chắc đã đúng

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science với 169 dấu tay, các chuyên gia đã kết luận sai 7,5% trường hợp dấu vân tay từ cùng một người (trong khi đó là 2 người khác nhau), và 0,1% trường hợp ngược lại. Sau đó 7 tháng, một số chuyên gia được kiểm tra lại, họ chỉ kết luận được đúng 90% những gì họ đã từng thực hiện lần trước.

Câu hỏi ở đây thực sự là chúng ta vẫn chưa biết được tính "độc nhất" của những dấu vết này. Không như ADN, chúng ta không thể đơn giản "phán" chân của người này là bàn chân duy nhất có thể gây ra dấu vết tương tự tại hiện trường. Nhưng trên thực tế, người ta có thể nguỵ tạo ra các dấu vết, và nhiều trường hợp bị kết án sai chính vì điều này.

Có hay không sự thay đổi về chính sách

Nhà Trắng sẽ đưa ra kết luận vào cuối tháng 9/2016, nhưng sự thực là đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể nắm được điều này có dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách hay không.

Bởi vì hệ quả của nó vẫn đem lại nhiều tranh cãi. Các chuyên gia pháp y tin, nếu loại bỏ đi bằng chứng buộc tội bằng dấu răng có thể gây cản trở đối với nhiều trường hợp phạm tội. Nhưng PCAST tin rằng cần phải sớm loại bỏ chính sách cho rằng "chỉ dấu răng là đủ để buộc tội một người".

Nhà Trắng cho rằng bằng chứng phá án cực kỳ phổ biến trong các phim trinh thám là... đồ bỏ đi - Ảnh 5.

Ngoài ra, theo PCAST, kể cả khi mối lo của các bác sĩ pháp y là hiện thực, thì giải pháp đúng trong trường hợp này phải là phát triển những phương pháp đúng đắn hơn, thay vì dựa trên một kỹ thuật không đáng tin cậy.

Nguồn: Washington post