Nhà nghiên cứu Harvard cho biết những người thông minh về cảm xúc thường có 12 đặc điểm, bạn có muốn tự soi mình?

Mộc Dương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 22:15 21/04/2021
Chia sẻ

Ngày nay, khi tuyển dụng, các công ty ngày càng nhìn nhận, đánh giá cao, cất nhắc và phát triển nhân viên của mình qua lăng kính trí tuệ cảm xúc.

Điều gì khiến một người trở nên tuyệt vời trong công việc? Chắc chắn đó phải là người có kiến ​​thức, thông minh và có tầm nhìn. Tuy nhiên điều thực sự khiến những nhà lãnh đạo thành công nhất trên thế giới khác biệt chính là trí tuệ cảm xúc - hay còn gọi là khả năng nhận biết và điều tiết cảm xúc (của chính họ và của người khác).

Ngày nay, khi tuyển dụng, các công ty ngày càng nhìn nhận, đánh giá cao, cất nhắc và phát triển nhân viên của mình qua lăng kính trí tuệ cảm xúc. Nghiên cứu nhiều năm cho thấy rằng càng có trí tuệ cảm xúc cao thì hiệu suất làm việc càng tốt.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người không nhận ra rằng khả năng kiểm soát trí tuệ cảm xúc không tự nhiên hình thành. Ví dụ, Tom coi mình là một người thông minh về cảm xúc. Anh là một người quản lý đáng mến, tốt bụng, tôn trọng, dễ gần và nhạy cảm với nhu cầu của người khác.

Tuy nhiên, anh thường tự hỏi, mình có đầy đủ tố chất của trí tuệ cảm xúc, vậy tại sao vẫn cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp?

Đây là một cái bẫy thường gặp: Tom đang định nghĩa trí tuệ cảm xúc quá hạn hẹp. Bằng cách tập trung vào sự hòa đồng và dễ mến của mình, anh có thể mất đi những đặc điểm trí tuệ cảm xúc cần thiết khác còn có thể thiếu - những đặc điểm khiến anh trở thành một nhà lãnh đạo đầy năng lực và hiệu quả hơn.

Sau 25 năm viết sách và nghiên cứu về chủ đề này, tôi nhận thấy rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm bốn lĩnh vực. Và lồng trong các lĩnh vực này là 12 năng lực cốt lõi.

Nhà nghiên cứu Harvard cho biết những người thông minh về cảm xúc thường có 12 đặc điểm, bạn có muốn tự soi mình? - Ảnh 1.

Đừng đánh đổi sự phát triển của mình bằng cách cho rằng trí tuệ cảm xúc là để trở nên dễ mến và chỉn chu. Bằng cách xem xét các năng lực bên dưới và đánh giá trung thực về điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn có thể xác định rõ hơn đâu là điểm cần phát triển.

1. Tự nhận thức

Tự nhận thức là khả năng điều chỉnh cảm xúc của chính bạn. Nó cho phép bạn biết bạn đang cảm thấy thế nào và tại sao, cũng như có ích hoặc gây tổn hại đến những gì bạn đang cố gắng làm thế nào.

Bạn có năng lực cốt lõi trong việc tự nhận thức bản thân không?

● Tự nhận thức về cảm xúc: Bạn hiểu rõ điểm mạnh và hạn chế của bản thân, làm việc bằng năng lực và biết khi nào cần dựa vào người khác. Bạn cũng rõ ràng về giá trị và ý thức về mục đích của mình, điều này cho phép bạn quyết đoán hơn khi thiết lập lộ trình hành động.

Phát triển kỹ năng:

Mỗi khoảnh khắc là một cơ hội để thực hành nhận thức về bản thân. Và chìa khóa là thừa nhận điểm yếu của bạn. Ví dụ: nếu bạn đang gặp khó khăn với vấn đề nào đó tại nơi làm việc, hãy trung thực về kỹ năng mình cần rèn luyện để thành công.

Hãy tỉnh táo với các tình huống và sự kiện trong cuộc sống. Trong lúc thất vọng, hãy xác định gốc rễ và nguyên nhân khiến bạn thất vọng. Hãy nghĩ về các dấu hiệu đi kèm với cảm giác của bạn trong thời điểm đó.

2. Tự quản lý

Quản lý bản thân là khả năng kiểm soát những cảm xúc bất ổn và cơn bốc đồng. Đây là một kỹ năng hữu ích đối với các nhà lãnh đạo, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng - bởi vì mọi người sẽ tìm đến họ để được trấn an. Và nếu nhà lãnh đạo của họ bình tĩnh, nhân viên cũng sẽ có thể làm điều tương tự.

Bạn có năng lực cốt lõi nào để quản lý bản thân?

● Kiểm soát cảm xúc cá nhân: Bạn bình tĩnh trước áp lực và nhanh chóng hồi phục sau nhiều xáo trộn. Bạn biết cách cân bằng cảm xúc của mình vì lợi ích của bản thân và những người khác, hoặc vì lợi ích của một nhiệm vụ, sứ mệnh hoặc tầm nhìn được giao phó.

● Khả năng thích nghi: Điều này thể hiện sự nhanh nhạy khi đối mặt với sự biến đổi và bấp bênh. Bạn có thể tìm ra những giải pháp mới để đối phó với những thách thức biến động và có thể cân bằng nhiều nhu cầu cùng một lúc.

● Hướng đến thành tích: Bạn cố gắng đáp ứng hoặc vượt qua xuất sắc tiêu chuẩn đặt ra. Bạn thực sự trân trọng phản hồi về hiệu suất của mình và không ngừng tìm cách làm tốt hơn.

● Cách nhìn tích cực: Bạn nhìn thấy sự tốt đẹp ở con người, các tình huống và sự kiện. Đây là một năng lực vô cùng quý báu vì nó có thể xây dựng khả năng phục hồi và tạo tiền đề cho sự đổi mới và các cơ hội.

Phát triển các kỹ năng:

Trong khi mọi thứ không được như ý muốn, đừng ủ rũ hoặc hoảng sợ. Hít thở sâu và xem xét cảm xúc của mình. Thay vì chỉ trích mọi người, hãy cho họ biết chuyện gì đã xảy ra và đưa ra giải pháp.

Hãy chấp nhận rằng sẽ luôn có những thay đổi và thử thách bất ngờ trong cuộc sống. Căn cứ vào những điều quan trọng nhất tại thời điểm đó, hãy cố gắng tìm hiểu về bối cảnh tình huống xảy ra để điều chỉnh chiến lược và các ưu tiên sao cho phù hợp.

3. Nhận thức xã hội

Nhận thức xã hội ám chỉ mức độ chính xác trong việc nhận biết và giải thích cảm xúc của người khác thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ. Các nhà lãnh đạo có nhận thức về xã hội có khả năng liên hệ với nhiều kiểu người khác nhau, biết lắng nghe chăm chú và giao tiếp một cách hiệu quả.

Bạn có năng lực cốt lõi nào về nhận thức xã hội?

● Đồng cảm: Bạn hoàn toàn để ý đến đối phương và dành thời gian để hiểu những gì họ đang nói và cảm giác của họ. Bạn luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác.

● Nhận thức về tổ chức: Bạn có thể dễ dàng biết được các luồng cảm xúc và nguồn động lực trong một nhóm hoặc tổ chức. Thậm chí, bạn có thể dự đoán một thành viên hoặc các nhà lãnh đạo của công ty sẽ phản ứng thế nào với các tình huống nhất định, cho phép bạn tiếp cận các tình huống một cách có chiến lược.

Phát triển các kỹ năng:

Đầu tiên và quan trọng nhất, nhận thức xã hội đòi hỏi kỹ năng lắng nghe tốt. Không ngắt lời người khác hoặc cố gắng chặn đứng lịch trình. Đặt câu hỏi và khuyến khích người khác làm tương tự.

Thách thức định kiến ​​bản thân và khám phá những điểm chung. Đặt mình vào vị trí của người khác. Khi làm điều này, chúng ta thường nhạy cảm hơn với những gì người đó đang trải qua và giảm khả năng trêu chọc, phán xét hoặc bắt nạt họ.

4. Quản lý các mối quan hệ

Quản lý các mối quan hệ là một bộ kỹ năng giữa các cá nhân cho phép một người hành động bằng cách thúc đẩy, truyền cảm hứng và hòa hợp với những người khác, đồng thời duy trì các mối quan hệ quan trọng.

Bạn có năng lực cốt lõi nào về quản lý mối quan hệ?

● Tầm ảnh hưởng: Bạn có tố chất của một nhà lãnh đạo, dễ dàng được người khác hỗ trợ, có khả năng gắn kết, huy động đội nhóm và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ cần thực thi.

● Huấn luyện và cố vấn: Bạn thúc đẩy quá trình học tập dài hạn bằng cách đưa ra các phản hồi và hỗ trợ. Bạn đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục và rõ ràng để mọi người có động lực cũng như hiểu rõ về kỳ vọng được đặt ra.

● Quản lý xung đột: Bạn có thể giải quyết các bất đồng giữa nhiều bên và có thể biến các cuộc tranh cãi thành những cuộc tranh luận mở để tìm ra các giải pháp đôi bên cùng có lợi.

● Làm việc nhóm: Bạn tương tác tốt với tư cách là một thành viên trong nhóm và có thể làm việc với những người khác. Bạn tích cực tham gia, chia sẻ trách nhiệm và kết quả cũng như đóng góp năng lực cho toàn nhóm.

● Khả năng lãnh đạo truyền cảm hứng: Bạn truyền cảm hứng và hướng mọi người đến tầm nhìn toàn diện. Bạn luôn hoàn thành công việc và phát huy những phẩm chất tốt nhất của cả nhóm trong suốt hành trình.

Phát triển các kỹ năng:

Nếu bạn là một người thường xuyên tiêu cực, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các mối quan hệ lâu dài. Thay vì tập trung vào "điều tồi tệ nhất có thể xảy ra", hãy cố gắng xem bản thân như một tác nhân dẫn đến sự thay đổi tích cực.

Đừng sợ đi ngược lại các tiêu chuẩn thông thường hoặc đương đầu với rủi ro. Những kiểu người này cuối cùng khiến những người họ làm việc cảm thấy được truyền cảm hứng, động lực và kết nối.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày