Trong 2 ngày siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền, rất nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh và phương tiện bị thiệt hại nặng nề. Vậy trong trường hợp này, vấn đề bồi thường sẽ được xử lý như thế nào?
Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, việc xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm hay không phải tùy thuộc vào hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể.
" Nếu trong hợp đồng bảo hiểm ghi nhận thiệt hại do thiên tai, bão lũ thuộc trường hợp bảo hiểm, không bị loại trừ thì các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản do bão Yagi gây ra hoàn toàn có thể yêu cầu đơn bị bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế do bão Yagi gây ra ", ông Hồi nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc bồi thường này là quan hệ dân sự nên sẽ đề cao việc tự thỏa thuận giữa các bên khi ký kết hợp đồng. Khi có sự cố xảy ra làm hư hỏng, thiệt hại tài sản (lỗi vô ý) thì vấn đề được ưu tiên đầu tiên và được khuyến khích đó là sự tự thỏa thuận giữa các bên đương sự để giải quyết hậu quả của sự việc.
Trong trường hợp các bên không thể tự thương lượng, thoả thuận để giải quyết với nhau thì có thể đưa sự việc ra pháp luật để được giải quyết theo quy định.
Dẫn chứng cụ thể với trường hợp ô tô bị hư hại bởi cây đổ do bão, luật sư Cường cho biết, theo Điều 604 - Bộ luật Dân sự năm 2015: "Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".
Tuy nhiên, đối với trường hợp bất khả kháng theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp thiệt hại gây ra là do trường hợp bất khả kháng thì sẽ loại trừ trách nhiệm của các bên, thiệt hại bên nào thì bên đó tự chịu.
Trong trường hợp chủ phương tiện có mua bảo hiểm thân vỏ đối với phương tiện này thì việc bồi thường thiệt hại, sửa chữa còn căn cứ vào quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Đối với tình huống này nếu cây đổ gây thiệt hại đến phương tiện có liên quan đến bên trông giữ phương tiện và liên quan đến bảo hiểm thân vỏ thì phải giải quyết đồng thời trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên để xác định trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định pháp luật.
Nếu trường hợp được xác định là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ phương tiện có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại. Còn trường hợp không được xác định là bất khả kháng thì bên trông giữ phương tiện phải bồi thường cho bên gửi phương tiện và bên trông giữ phương tiện cũng có quyền yêu cầu bên quản lý cây xanh bồi hoàn lại số tiền thiệt hại.
Chị Lê Anh, nhân viên bảo hiểm lâu năm tại Hà Nội, nêu quan điểm: Nếu chủ nhà hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ ô tô có ký hợp đồng mua bảo hiểm thì sẽ căn cứ vào hợp đồng để xem xét có bồi thường hay không và mức bồi thường là bao nhiêu: " Bên mua bảo hiểm bị thiệt hại vật chất do thiên tai, bão lũ cần xem xét có thuộc nội dung được bảo hiểm trong hợp đồng đã ký kết với đơn bị cung cấp bảo hiểm hay không ".
Nếu có điều khoản bồi thường thiệt hại do thiên tai thì khách hàng có quyền yêu cầu đơn vị bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản bị hư hại.
Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với khách hàng và các bên có liên quan thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đó.