Nhà giáo Montessori Lê Mai Hương đã từng gây tranh cãi khi đưa ra lời khuyên: "Nếu công việc quá bận không thể cho con đi ngủ từ 7h tối thì bố mẹ có thể... đổi việc", tiếp tục đưa ra lời khuyên với cha mẹ đừng vội nhắc con sửa khi thấy đi dép trái, mặc áo ngược, cài khuy lệch. Thay vào đó, cha mẹ nên bảo vệ kết quả lao động của con.
Chúng tôi xin đăng nội dung chia sẻ của chị:
"Con mặc áo ngược rồi này".
"Không sao đâu em. Đừng nhắc".
Các bố mẹ thường rất ngạc nhiên khi tôi nói vậy. Maria Montessori nói "You must help the child to act for himself, will for himself, think for himself, this is the art of those who aspire to serve the spirit - Nghệ thuật của những người mong muốn nuôi dưỡng tinh thần một em bé là giúp em bé tự hành động, tự điều khiển ý chí của mình, tự suy nghĩ".
Vậy nên khi bạn đến thăm trường Back to Basics Education, sẽ có em bé đầu tóc bù xù vì các bạn nhỏ tự buộc cho nhau, em bé đi dép trái, có em bé mặc áo ngược, có em bé cài cúc áo cái thấp cái cao, có em bé buộc giầy mỗi chiếc một kiểu, có em bé đi tất cọc cạch, áo đằng trước ra đằng sau, có em bé mặc quần vừa chưa lộn phải, vừa đằng trước ra đằng sau làm cả nhà cứ bấm bụng cười nhưng các nhà giáo vẫn để nguyên như vậy.
Tại sao các nhà giáo ở đây không nhắc em bé sửa?
Vì em bé sẽ sửa điều em bé nhận thức được. Nếu em bé sửa vì mọi người xung quanh nhắc thì khi không được nhắc sẽ vẫn làm theo cách cũ. Bạn có thể nhận thấy rõ điều đó khi quan sát một người hút thuốc lá hay uống rượu vậy. Người nhà có bảo kiểu gì mà bản thân người hút thuốc/uống rượu không tự mình muốn bỏ thì họ sẽ vẫn tái nghiện mà thôi.
Gốc của vấn đề là ở nhận thức của em bé, em bé chưa nhận biết được trái phải, trong ngoài, sự bằng nhau của hai vạt áo... Đơn giản là vì em bé đó chưa kết thúc quá trình học, thực hành phân biệt những kiến thức đó.
Vậy nên, khi nhìn thấy con đi dép trái, mặc quần áo trái, cài khuy áo lệch... chúng ta cần làm những việc sau:
Em bé cần có một cái gương để em bé đứng trước gương mặc quần áo, chỉnh đốn trang phục trước gương.
Lặp lại bài học chân trái, chân phải. Giầy trái, giầy phải... Sau đó đứng dậy để yên cho con làm. Lặp lại cho đến ngày em bé nhận ra được trật tự đúng mới dừng lại.
Giảm tải các kích thích xung quanh chỉ để em bé làm một việc một lúc để quá trình học không bị ảnh hưởng.
Lùi lại, đừng làm hộ, đừng sửa, đừng nhắc, đừng điều khiển... để chính mình là rào cản của con, làm con mất tập trung khi học, để con tự học bài học của mình.
Bảo vệ sự tập trung của con. Khi con học/đang làm một việc, đừng để bất cứ ai hay cái gì làm ảnh hưởng đến sự tập trung của con.
Bảo vệ kết quả lao động của con. Điều này vô cùng quan trọng cho sự tự tin của một em bé. Kết quả của con đơn giản là thể hiện nhận thức và kỹ năng của con tại thời điểm đó. Ngày mai đã có thể khác đi rồi mà. Các em bé sau khi tự tay mình làm được một việc gì đó thường rất tự hào khoe "Con biết... rồi này".
Nhà giáo Montessori Lê Mai Hương.
Tuy nhiên, nếu phải đi đến một nơi quan trọng như đám cưới, đám ma... và sẽ xuất hiện trước rất nhiều người lạ, để bảo vệ em bé, bạn có thể gợi ý "Con quan sát lại đôi giầy của mình xem đã ổn chưa nhé"; "Con có muốn sửa điều gì không?"; "Chân con có đau không?"; "Con đứng trước gương quan sát xem trang phục của mình đã nhé"; "Ô, thế hóa ra hai cái vạt áo này không bằng nhau à, buồn cười thật đấy"…
Nếu em bé nhận ra mình làm sai trật tự và sửa thì sửa, nếu em bé không nhận ra thì lần sau trước khi em bé kịp đi giầy, người lớn có thể hướng dẫn lại bài học. Nếu em bé hoàn toàn vui vẻ trước thành công của mình, hãy tôn trọng kết quả lao động đó của trẻ.
Mọi điều cần xuất phát từ chính cái đầu mới là kết quả của em bé. Vậy nên đừng sửa kết quả của trẻ nhỏ mà hãy giúp em bé nhận ra được điều cần phải làm.
Dưới con mắt các nhà giáo chúng tôi, chỉ đơn giản là em bé đang trong quá trình học và sự thực là những chuyện như thế này làm cho cả lớp học đúng thực sự là một lớp học của trẻ con được cá nhân hóa giáo dục và luôn thú vị mỗi ngày. Trẻ con luôn làm những người lớn xung quanh rất ngạc nhiên và cười ngoác miệng là vậy đấy.
Mà biết đâu, sự cọc cạch, cái thấp cái cao, cái ngắn cái dài lại là xu hướng thời trang sau này thì sao cơ chứ. Đời, nói túm lại, là lúc nào cũng đẹp. Thật.
Vài nét về tác giả:
Chị Lê Mai Hương là nhà giáo Montessori. Chị có bằng cử nhân tiếng Anh, bằng kế toán ngân hàng và bằng Montessori 3-6 do AMI cấp cùng và rất nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và phát triển cá nhân cả ở Việt Nam và trên thế giới. Với vốn sống phong phú và đa dạng, chị luôn làm cho mọi điều xung quanh trẻ trở nên thú vị và lôi cuốn. Phương châm của chị Hương là: "Trẻ luôn luôn đúng".