Huỳnh Lập kể chuyện duyên dáng
Với Nhà Gia Tiên, Huỳnh Lập đã có sự tinh chỉnh đáng kể để có thể thoát khỏi cái mác "làm web drama chiếu rạp". Nhà Gia Tiên thu hút bởi những khung hình tuyệt đẹp về làng quê Nam Bộ, với nhiều phân đoạn được quay "one-take" nổi bật. Cảnh làm bánh xèo, hay gia đình tất bật chuẩn bị đám giỗ, hoặc khi hai anh em Gia Minh (Huỳnh Lập) - Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi) có những màn "mèo vờn chuột" hài hước đều có phong cách quay khác nhau, mang đến góc nhìn vừa dí dỏm, vừa gần gũi và thân thuộc với khán giả.
Thêm vào đó, Huỳnh Lập đã để hình ảnh lên tiếng nhiều hơn trước, dù rằng vẫn giữ vai trò một người dẫn chuyện của phim. Nhà Gia Tiên xuất hiện như một "cuốn cẩm nang" cho GenZ để học hỏi, ghi chép những tập tục cúng kiếng, thờ phụng gia tiên trong nhà, thể hiện đậm đà bản sắc và tinh thần văn hóa Việt Nam. Phần bố trí, sản xuất bối cảnh của phim cũng là "điểm cộng" lớn, nhất là với kiến trúc nhà miền Tây dân dã, nhưng vẫn có trong đó những chi tiết thân quen trên bàn thờ ông bà dù là nhỏ nhất.
Câu chuyện trong Nhà Gia Tiên đưa khán giả bước vào hành trình của tiếng cười, nước mắt và cả sự hồi hộp. Bởi lẽ, phim không chỉ xoáy sâu vào những xung đột của gia đình họ Huỳnh, mà còn là "kỳ án" về cái chết bí ẩn của Gia Minh, khiến anh trở thành hồn ma vất vưởng ở tuổi còn khá trẻ. Huỳnh Lập lần này thể hiện một Gia Minh với phong cách nhẹ nhàng hơn, tạo cảm giác dễ mến, đôi khi dễ ghét và khá tròn trịa trên màn ảnh.
Phương Mỹ Chi là điểm sáng chú ý
Ngoài Huỳnh Lập, một điểm sáng của Nhà Gia Tiên chính là sự lựa chọn Phương Mỹ Chi - cái tên chưa hề có kinh nghiệm đóng điện ảnh vào vai nữ chính. Mỹ Tiên được xây dựng là một người con, người cháu rời xa gia đình để sống ở thành phố xô bồ, mang trong mình nhiều uất ức và khúc mắc từ bi kịch quá khứ. Mỹ Tiên trở về với hy vọng có thể tận dụng câu chuyện trong nhà để khôi phục sự nghiệp, nhưng cuộc đụng độ với hồn ma anh trai đã khiến cô dần dần thay đổi theo cách tốt hơn.
Cảm xúc mà Phương Mỹ Chi mang đến thông qua vai Mỹ Tiên mang đến nhiều ấn tượng, từ thờ ơ, chán ghét đến yêu thương, tha thứ. Để rồi đến sau cùng, chính Mỹ Tiên là người tự tháo gỡ nút thắt nội tâm của mình chứ không nhờ bất kỳ thế lực tâm linh nào.
Bên cạnh Phương Mỹ Chi, những diễn viên như Hạnh Thúy, Puka, Huỳnh Đông, Kiều Linh… cũng mang lại sự đặc sắc nhân vật của mình. Ngoài ra, nhân vật người ông của diễn viên gạo cội Đào Anh Tuấn rất đáng nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt khi có màn thể hiện đa dạng, bất ngờ.
Dọa ma nhưng vẫn mang thông điệp sâu cay
Nhà Gia Tiên thể hiện sự độc đáo của Huỳnh Lập trong cách làm phim và mang những nét quen thuộc. Phim khởi đầu với sự trong trẻo, sau đó đưa người xem trải qua nhiều pha dọa ma sáng tạo. Tiếp tục, khán giả bước vào "bàn tiệc" diễn xuất, những giây phút hồi hộp như phá án cùng anh em Gia Minh - Mỹ Tiên, để rồi đoạn kết cao trào là sự pha trộn của tất cả yếu tố kể trên.
Bộ phim không chỉ vinh danh những giá trị truyền thống của Việt Nam, mà còn đề cập đến một số quan niệm đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Các vấn nạn "trọng nam khinh nữ", phân biệt giới tính, thói gia trưởng… được thể hiện thẳng thắn thông qua gia đình họ Huỳnh, khi chúng đã đẩy Mỹ Tiên đến với khổ đau, những vết sẹo tuổi thơ khó lành. Cảnh Huỳnh Lập thể hiện những lời đàm tiếu, dị nghị có tính sát thương qua những người được che kín mặt bằng nón lá cho thấy góc nhìn độc đáo của nam nghệ sĩ về vấn đề.
Tựu trung lại, Nhà Gia Tiên là một dự án tô đậm nét văn hóa tâm linh, thờ cúng của người Việt. Nhưng sâu xa hơn, đó còn là câu chuyện tình thân, tình yêu thương đúng nghĩa giữa người với người, mang đến những cảm xúc bùng nổ cho người xem đến tận giây phút cuối cùng.
Nhà Gia Tiên sẽ có suất chiếu sớm vào các ngày 19 & 20/02, sau đó chính thức khởi chiếu ngày 21/02/2025 tại các cụm rạp trên toàn quốc.