Một nhà bình luận và phê bình phim người Mỹ, Stuart Galbraith IV cho biết, ông đã mua một căn nhà ở Nhật Bản vào năm 2016 với giá chỉ bằng một chiếc xe ô tô.
Ngôi nhà của Galbraith chỉ là một trong số 8 triệu akiya (nhà bỏ hoang) ở Nhật Bản, chủ yếu ở vùng nông thôn. Lý do là bởi chủ nhân của akiya đã qua đời hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống.
Một nguyên nhân chính dẫn đến số lượng nhà bỏ hoang tăng cao là sự suy giảm dân số Nhật Bản. Năm 2021 Nhật Bản chứng kiến số ca sinh thấp nhất từ trước tới nay. Trước tình hình trên, Thủ tướng Fumio Kishida nhận định rằng “rất khó để duy trì các chức năng xã hội của đất nước”.
Ngoài ra, ở một số thị trấn và làng mạc, khi những cư dân trẻ tuổi ở vùng nông thôn rời quê để tìm việc làm ở thành phố, người ta thậm chí còn cho không những ngôi nhà bỏ hoang.
Tình trạng dư thừa nhà giá rẻ ở Nhật Bản trái ngược rõ rệt so với Canada. Tại Canada, mức giá nhà ở trung bình là 612.204 đô (14 tỷ VNĐ) vào tháng 2 năm nay và thậm chí còn cần xây dựng thêm 3,5 triệu đơn vị nhà ở từ nay cho tới năm 2030.
Galbraith chia sẻ: “Ở Nhật Bản, bạn có thể mua và cải tạo một ngôi nhà có kiến trúc đẹp và cổ xưa với mức chi phí thấp so với mặt bằng chung của thế giới”. Không chỉ riêng Galbraith mà ngày càng nhiều người nước ngoài có chung quan điểm với ông khi họ đổ xô đến Nhật để mua nhà.
20 năm trước, Galbraith và người vợ gốc Nhật Bản đã quyết định chuyển đến Kyoto sinh sống, do không thể chịu được mức độ ô nhiễm không khí tại Los Angeles (Mỹ). Khi đó, ông thành lập một doanh nghiệp Airbnb và nảy ra sáng kiến mở rộng dịch vụ của mình, đó là một ngôi nhà cổ điển truyền thống với phong cách trang trại (tiếng Nhật là minka). Sau khi tìm kiếm trên mạng, ông đã lựa chọn được một vị trí đắc địa. Theo đó, ngôi nhà nằm ở vùng núi và cách trung tâm Kyoto một giờ lái xe và cách cửa hàng tạp hoá gần nhất 30 phút lái xe.
Mặc dù có vẻ ngoài cũ kỹ, bên trong bừa bộn, sàn nhà đổ nát phủ đầy phân chuột, mảnh kính vỡ và giấy vụn, nhưng ngôi nhà đã “hớp hồn” Galbraith từ cái nhìn đầu tiên.
Với mức chi phí sửa chữa chỉ tương đương một chiếc ô tô, ông đã thuê một công ty địa phương đến trùng tu ngôi nhà. May mắn thay, ông được giảm giá bởi người chủ của công ty mong muốn tận dụng ngôi nhà của Galbraith nhằm nghiên cứu phương pháp làm mộc cổ truyền.
Nhiều người nước ngoài sẵn sàng bỏ công sức để trùng tu lại ngôi nhà
Thế nhưng sau đó, ông nhận về nhiều ánh nhìn ái ngại của người dân địa phương. Nguyên nhân là vì người Nhật có quan niệm tránh xa những ngôi nhà đã qua sử dụng, họ coi ngôi nhà minka là lạnh lẽo, tối tăm và bẩn thỉu.
Galbraith kể lại: “Họ tưởng rằng chúng tôi sẽ rất khổ sở khi sống trong ngôi nhà đó”. Tuy nhiên, trái với lầm tưởng của người dân, du khách đến đây rất ngạc nhiên vì sự ấm cúng và thoải mái của ngôi nhà.
Với mong muốn chia sẻ niềm đam mê của mình, ông đã thành lập hội nhóm trên Facebook. Ban đầu, hoạt động của ông không nhận được sự hưởng ứng đông đảo khi chỉ có 9 người tham gia nhóm. Mọi chuyện thay đổi vào năm 2021, hàng nghìn người đã biết đến và tham gia vào nhóm của ông. Đỉnh điểm là tháng 4/2022, một sự kiện về minka do Galbraith tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, khiến niềm đam mê này càng lan rộng hơn. Sự kiện có sự góp mặt của các diễn giả, thương nhân buôn bán đồ cổ truyền, nhiều đơn vị du lịch và gần 400 người tham dự đến từ những nơi xa xôi.
Akiya ở Nhật Bản có tiềm năng và giá trị to lớn trong mắt những người nước ngoài. Parker J. Allen và Matt Ketchum là 2 người Mỹ điều hành một công ty tư vấn bất động sản. Họ đã giúp đỡ rất nhiều khách hàng trên toàn cầu tìm được ngôi nhà mơ ước ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, công việc của họ không chỉ mang tính chất kinh doanh đơn thuần mà có mục đích sâu xa, bởi hai người đều có kỷ niệm và tình cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Nhật Bản. Được biết, Allen đã có dịp đến thăm tỉnh Iwate khi còn trẻ. Còn Ketchum thì từng sống ở thị trấn Miyako, nhưng anh buộc phải sơ tán vì trận động đất năm 2011 đã càn quét và phá huỷ nơi đây.
Giờ đây, mong muốn của hai người là làm hồi sinh vùng nông thôn ở Nhật Bản. Allen chia sẻ: “Liệu người nước ngoài có thể giải quyết được vấn đề nhà bỏ hoang ở Nhật không? Có thể có hoặc có thể không. Nhưng tôi hy vọng điều này sẽ tạo nên hiệu ứng tâm lý đám đông”.
Robert D. Eldridge, một nhà khoa học chính trị công tác tại Nhật Bản nhận định có nhiều trường hợp người nước ngoài giúp làm sống lại những nét văn hoá xưa của Nhật Bản, ví dụ như sự phục hưng của tranh khắc gỗ vào thế kỷ 20.