Tôi có hẹn với Nhà báo Lại Văn Sâm 2 tháng sau buổi nói chuyện trên tầng 5 toà nhà VTV. Anh Sâm là người bận rộn. Tất nhiên, khi đã có hẹn với đồng nghiệp, anh sẽ không từ chối, chỉ có điều, những cuộc gặp đó đôi khi diễn ra bất chợt, chớp nhoáng vì lịch công tác dày đặc của anh.
Anh hẹn tôi tới trường quay của Ai là Triệu phú, khi chương trình đang ghi hình một số đặc biệt. Quá tiện, vì mục đích của tôi khi đó là những câu hỏi xoay quanh chương trình rất được yêu mến trên sóng VTV này.
"Hẹn gặp lại quý vị trong chương trình này tuần sau", tiếng nhạc nền Ai là Triệu phú quen thuộc vang lên, Nhà báo Lại Văn Sâm lùi nhanh vào cánh gà còn khán giả bắt đầu gọi với theo: "Chú Sâm, chú Sâm, cho cháu chụp hình với…".
Phụ trách trường quay – BTV Lưu Minh Vũ nhắc nhở: "Em phải đuổi theo gọi anh Sâm đi, không có hẹn là anh ấy 'chạy' nhanh lắm...". Bằng tất cả sinh lực thanh niên, tôi bật cửa trường quay, lao ra, nhưng bóng dáng người đàn ông được yêu mến bậc nhất trên sóng VTV ấy đã mất hút. Hoang mang, bỗng một ý nghĩ hiện ra trong đầu: "Hay anh Sâm đã quên lịch hẹn với mình?". Nhấc máy gọi, đầu bên kia vẫn không trả lời. Tôi quyết định quay lại nơi ghi hình một lần nữa và thở phào. Hoá ra, anh Sâm vẫn ở đây. Và những khán giả kiên nhẫn còn ở lại trường quay cho tới khi ánh đèn sân khấu tắt hết, đã có cơ hội chụp ảnh với "chú Sâm" mà họ luôn quý mến.
Với ánh mắt tràn đầy năng lượng, nụ cười thân thiện và giọng nói "đặc sệt" như trên sóng, nhà báo Lại Vân Sâm nói: "Anh không quên hẹn đâu. Anh vừa đứng sau cánh gà, nghe khán giả gọi tên nhưng không ra được, vì hôm nay có cuộc gặp với em và Chương trình cũng họp rút kinh nghiệm nữa. Đành xin lỗi khán giả vậy".
Ngay giây phút ấy, tôi quên mất rằng điều mình từng thắc mắc nhất trước đó là việc liệu nhà báo Lại Văn Sâm có tiếp tục làm "chủ xị" Ai là Triệu phú nữa hay không. Nhìn cách anh tiếp xúc với mọi người, với khán giả, với đồng nghiệp, với "lính" của mình, tôi hiểu rằng, ở người đàn ông 60 tuổi ấy vẫn còn niềm yêu nghề mãnh liệt, còn tác phong chuyên nghiệp sau gần 3 thập kỷ làm việc tại VTV dưới nhiều cương vị từ phóng viên, biên tập viên, MC cho tới lãnh đạo. Và họa có điên mới nghĩ rằng người đàn ông này sẽ từ bỏ chương trình mà anh gắn bó tới 12 năm như Ai là triệu phú (khi đó Nhà báo Lại Văn Sâm chưa công bố thông tin tiếp tục dẫn Ai là triệu phú).
Và chúng tôi đã có một buổi nói chuyện ngắn xoay quanh chương trình này.
Anh là người đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình Ai là triệu phú (ALTP) từ đầu tới bây giờ, động lực nào giúp anh gắn bó với nó đến vậy?
Đầu tiên, phải khẳng định, Ai là triệu phú là chương trình mà tôi rất thích. Và tôi có cái tính là chỉ làm những gì mình thích thôi, chứ nếu không thích thì khó ai bắt tôi làm được lắm. Tôi từng nói với các đồng nghiệp rằng, một khi bước ra sân khấu mà tôi không còn cảm thấy hồi hộp nữa, tôi sẽ không dẫn chương trình đó nữa.
Cho tới giờ, tôi dẫn ALTP không bằng kịch bản, bằng chỉ đạo của đạo diễn trường quay nữa mà bằng ánh sáng, bằng cú máy, bằng tiếng khán giả… Tuy nhiên, mỗi khi âm nhạc vang lên, tôi vẫn luôn có cảm giác rùng mình vì hồi hộp, không biết hôm nay mình sẽ được gặp nhân vật nào. Qua Chương trình, chúng ta có thể tìm hiểu về những thói quen, những nét văn hoá khác nhau, qua từng người chơi ở những vùng miền khác nhau. Qua đó, những nét văn hoá của hơn 50 dân tộc anh em Việt Nam, cũng được thể hiện rất rõ.
Xin bật mí thêm, việc chương trình này được VTV mua bản quyền và đưa về Việt Nam cũng là nguyện vọng của tôi. Tôi chính là người đề xuất đưa ALTP về Việt Nam.
Tên gốc của chương trình ALTP là "Who want to be a Millionaire?" nghĩa là "Ai muốn trở thành triệu phú?" và một số phiên bản cũng sử dụng cái tên nguyên tác này. Khi đưa chương trình về Việt Nam, tôi thấy tên gọi như vậy nghe thách thức quá nên ê-kíp đã đổi tên thành "Ai là triệu phú". Trước mỗi chương trình, tôi đều dẫn dắt là chúng ta hãy cùng nhau đi tìm xem ai là triệu phú. Chương trình luôn đi tìm những người đủ kiến thức, đủ may mắn… để có thể trở thành triệu phú thực sự, vượt qua 15 câu hỏi của chương trình.
Tiêu chí đầu tiên của chương trình này, slogan mà tôi đã nói ngay từ chương trình đầu tiên và nó đã theo chúng tôi ngay từ những số đầu tiên là: Đến với ALTP, bạn có thể không trở thành triệu phú về mặt tiền bạc nhưng chắc chắn là cùng với thời gian, cùng với chương trình, bạn chắc chắn sẽ trở thành triệu phú của những kiến thức. Kiến thức là vô hạn và mỗi chương trình, chúng tôi đều đổi câu hỏi và điều đó sẽ giúp tăng lượng kiến thức. Tích tiểu thành đại và cho đến nay, Chương trình đã cung cấp được một lượng kiến thức không nhỏ tới khán giả.
Có lẽ, đó là những điều luôn mới và hấp dẫn tôi.
Hấp dẫn, mới mẻ với anh là một chuyện, nhưng đã bao giờ anh bị khán giả ALTP chê chương trình "cũ"?
Có thế thật! Nhưng ALTP là chương trình được mua bản quyền từ Anh. Chúng ta đều biết, Anh là dân tộc rất nguyên tắc trong mọi lĩnh vực và truyền hình cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, họ có những yêu cầu bắt buộc với người dẫn chương trình mà khi đưa về, có thể, khán giả Việt Nam sẽ thấy khó hiểu. Hẳn khán giả từng nghĩ rằng: Quái lạ cái ông Sâm này, vì sao mà chương trình nào ông ấy cũng giới thiệu luật trong khi người xem, người chơi biết hết rồi. Nhưng đó là những nguyên tắc bất di bất dịch của chương trình mà format gốc bắt người dẫn chương trình ở tất cả các phiên bản phải đáp ứng.
Anh có thể chia sẻ về những nguyên tắc bất di bất dịch này?
Đầu tiên, người dẫn chương trình phải có thái độ thân thiện, gần gũi với người chơi; phải dìu người chơi lên ghế nóng. Từng có khán giả hài hước nói với tôi rằng họ ghen tị vì tôi hay được khoác tay những người đẹp rồi đưa lên ghế, nhưng đó là yêu cầu từ phía chương trình. Hơn nữa, chiếc ghế của chúng tôi được đặt đúng vị trí đã có sự sắp đặt ánh sáng trường quay và nếu chiếc ghế bị xô dịch, điều đó sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của chương trình.
Ánh sáng của chương trình cũng được phía đối tác yêu cầu rất khắt khe, tới mức, nếu họ kiểm tra chương trình của chúng ta không đáp ứng được đúng về ánh sáng, họ cũng không đồng ý cho phép phát sóng. Chẳng hạn, ALTP có 3 mốc là mốc 5, 10, 15 thì các mốc này cũng được yêu cầu về mặt ánh sáng.
Từ câu 1 đến câu 5, ánh sáng phải thoải mái, chan hoà và người dẫn chương trình phải rất thân thiện để người chơi có thời gian làm quen khi bắt đầu ngồi lên ghế nóng. Bắt đầu từ câu 6 đến câu 10, ánh sáng phải có màu xanh đen (Dark Blue), khu vực khán giả tối dần. Còn từ câu 11 trở đi, trường quay chỉ còn 2 luồng ánh sáng tập trung vào khu vực người dẫn chương trình và người chơi.
Chính vì yêu cầu rất chuẩn chỉ về ánh sáng, chương trình cũng đòi hỏi rất cao từ người dẫn chương trình. Như tôi đã nói, ngoài yêu cầu về màn chào hỏi, từ câu 1 đến câu 5, người dẫn chương trình có thể cùng chơi với người chơi. Từ câu 6 đến câu 10, người dẫn chương trình có thể gợi ý cho người chơi khi họ sai hướng. Nhưng bắt đầu từ câu 10 đến câu 15, người dẫn chương trình tuyệt đối không được nói một câu nào, để người chơi tự suy nghĩ và trả lời.
Luật của chương trình hẳn ai cũng biết nhưng người dẫn chương trình vẫn phải có trách nhiệm. Trong hơn 600 chương trình, suốt 12 năm qua, tôi luôn phải nói điều ấy.
Thực ra, khi chương trình diễn ra được khoảng 5-6 năm, tôi từng hỏi phía đối tác liệu có được bỏ những thông tin đó đi không vì khán giả cũng biết hết rồi, để tôi có thời gian nói về những điều khác hơn. Tuy nhiên, phía đối tác không đồng ý.
Lúc đầu, điều đó cũng gây ra ít nhiều khó chịu nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, chưa có một chương trình nào và không có một chương trình nào, người chơi được hỗ trợ nhiều như ở ALTP!
Dẫn ALTP lâu như vậy, hẳn anh có nhiều kỷ niệm với Chương trình?
Tôi nhớ một kỷ niệm rất vui thế này. Có một người chơi từng đến với ALTP và nói với tôi rằng: Cháu đã chờ để được gặp chú Sâm và chơi chương trình này cả chục năm rồi, từ khi cháu là một đứa trẻ. Bởi lẽ, quy định của chương trình (trừ những số đặc biệt) là người chơi phải từ 18 tuổi trở lên. Tôi đã rất hạnh phúc khi biết rằng có người đã yêu mến và chờ đợi tới 10 năm để được chơi ALTP.
Nó chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng khiến tôi rất xúc động vì: Ồ, hoá ra mình cũng là động lực để một ai đó chờ đợi, phấn đấu để được tham gia thử sức cùng mình trong ALTP.
Anh rất đắm đuối với ALTP. Nếu một ngày phải chia tay chương trình, anh có cảm thấy tiếc nuối?
Tôi chính thức về hưu từ ngày 1/7 nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình ALTP tới hết năm 2017. Còn sau đó, nếu chương trình vẫn còn nhu cầu mời tôi dẫn chương trình này, chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục. Còn nói là tiếc nuối thì tôi không có gì để tiếc nuối.
Tôi luôn tâm niệm rằng, không có ai là không thể thay thế. Nếu tôi không tham gia ALTP nữa, có thể sẽ có một người khác dẫn. Có thể, người đó sẽ không có cái chất của tôi nhưng lại mang tới cho chương trình màu mới. Mà đôi khi, một sự thay đổi biết đâu lại cần thiết?
Dĩ nhiên, nếu nghỉ dẫn chương trình này, cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người thông qua chương trình sẽ ít đi. Nhưng một cánh cửa này đóng có thể là sự mở ra của một cánh cửa khác. Biết đâu, tôi sẽ lại được giao lưu với các vùng miền theo một cách khác ngoài ALTP.
Tôi đã tận hiến cho ALTP suốt 12 năm, không quá dài nhưng chắc chắn không phải là ngắn. ALTP đã là chương trình mà tôi chung thuỷ nhất. Tôi đã được gắn bó với chương trình, được giao lưu hết mình với khán giả suốt những năm qua rồi và tôi không cảm thấy có bất cứ điều gì tiếc nuối.
Còn với tư cách một khán giả, điều tiếc nuối duy nhất của tôi có lẽ là việc trong suốt những năm qua, tôi chưa được một lần chúc mừng người có thể vượt qua 15 câu hỏi của ALTP. Có 4 người đã vượt qua mốc 14 câu hỏi và đều quyết định dừng lại. Đáng tiếc là sau khi họ dừng chơi, tôi đều hỏi rằng nếu chơi tiếp họ sẽ chọn phương án nào và cả bốn người đều đưa ra những đáp án đúng. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có người làm được điều này.
Anh hài lòng với chặng đường đã đi cùng ALTP đến vậy, hẳn anh sẽ có những điều muốn gửi gắm cho đội ngũ sản xuất chương trình giả dụ một ngày anh không còn dẫn nữa?
Nhà báo Lại Văn Sâm họp rút kinh nghiệm với ê-kíp sản xuất chương trình
ALTP mà một trong những chương trình có tính chuyên nghiệp về nội dung rất cao của VTV và tôi chỉ hy vọng rằng các đồng nghiệp của tôi sản xuất chương trình này hãy giữ vững nguyên tắc nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp rất cao như những gì đã thể hiện trong suốt 12 năm qua. Hãy tiếp tục nỗ lực để ALTP Việt Nam vẫn là một phiên bản chuyên nghiệp nhất trong số nhiều phiên bản của chương trình này trên toàn thế giới.
12 năm dẫn ALTP, anh có nghĩ giờ mình đã là triệu phú?
Bây giờ ra đường, người ta vẫn hay gọi tôi là "ông Triệu phú" (cười). Tôi nghĩ người ta gọi thế quả đúng thật. Nếu nói về mặt nghĩa đen, mỗi chương trình tôi vẫn được trả thù lao lên đến tiền triệu và sau ngần đấy năm dẫn chương trình thì chắc hẳn tôi cũng có thể thành "triệu phú".
Còn nếu về mặt nghĩa bóng, tôi cũng là triệu phú luôn. Triệu phú về mặt kiến thức. Kiến thức từ chính trong những câu hỏi xuất hiện trong chương trình. Kiến thức về văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam từ chính những người chơi ở khắp các vùng miền.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nhà báo Lại Văn Sâm: Tôi tự hào vì VTV có những chương trình chất lượng như Ai là triệu phú và Đường lên đỉnh Olympia.
Với Đường lên đỉnh Olympia (ĐLĐO), tới bây giờ, tôi là một khán giả trung thành nhất. Tôi thích chương trình này và theo dõi nó như một khán giả. Tôi thực sự cảm thấy khâm phục các bạn học sinh tham gia Chương trình. Đó là một chương trình khó vô cùng. Ở ALTP, mọi thứ nhẹ nhàng hơn, đúng chất game show hơn còn Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi giữa các học sinh giỏi – và ở đó thì không có sự trợ giúp. Hành trang mà thí sinh ĐLĐO được mang theo vào chương trình chỉ là những kiến thức mà thôi.
Tôi không muốn đặt lên bàn cân hai chương trình này vì mỗi chương trình đều có cái hay riêng và bản thân tôi yêu mến cả hai chương trình với tư cách khán giả. Tôi chỉ tự hào vì VTV thực sự đã có những chương trình chất lượng như ALTP và ĐLĐO.