Ngày 9/1/2021 đánh dấu cột mốc khó quên trong sự nghiệp của Văn Quyết. Anh giành danh hiệu quốc nội thứ 10 cùng Hà Nội FC sau chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Viettel, sánh ngang thành tích với đàn anh Nguyễn Anh Đức và chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại. Sau mùa giải 2020, Văn Quyết có lần thứ hai giành danh hiệu "cầu thủ xuất sắc nhất V.League" và giờ là "Quả bóng vàng Việt Nam" đầu tiên trong sự nghiệp.
Chừng ấy các con số là đủ để vẽ nên tầm vóc của một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, con số đáng mơ ước ấy không chỉ được trải trên hoa hồng.
Như thầy trò Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn mới lấy được chân kinh, cuộc đời Văn Quyết cũng phải trải qua đủ 3 bi kịch trước khi vinh quang gõ cửa. Ba bi kịch mang tên lạc lõng, sinh nhầm thời và không được thừa nhận.
Chừng ấy các con số là đủ để vẽ nên tầm vóc của một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, con số đáng mơ ước ấy không chỉ được trải trên hoa hồng.
Nguyễn Văn Quyết là người đầu tiên nâng cúp AFF Cup 2018 ở đội tuyển Việt Nam nhưng không phải cái tên mang tầm ảnh hưởng lớn lao trong cả hành trình.
Nguyễn Văn Quyết là đội trưởng chính thức của đội tuyển Việt Nam nhưng ai cũng hiểu rằng Quế Ngọc Hải mới là đội trưởng đích thực ở giải đấu ấy.
Nguyễn Văn Quyết hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 lần ra sân, mỗi lần không quá 45 phút. Mỗi lần như thế, thứ anh nhận lại đều đắng ngắt. Đó là sự la ó, là chỉ trích từ khán giả cả ở trên sân lẫn mạng xã hội.
Một tháng trước, anh là đầu tàu giúp Hà Nội FC thống trị V.League một cách tuyệt đối, được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Giữa năm, anh cùng Olympic Việt Nam lọt vào bán kết ASIAD lần đầu tiên trong lịch sử. Vậy mà giờ đây, mọi thứ quay ngoắt 180 độ.
Văn Quyết không kiểm soát được chính mình, không hiểu nổi được sự sa sút của bản thân. Trên các trang báo, anh xuất hiện với danh xưng "người thừa" cùng những dấu hỏi cỡ đại. Khán giả gọi anh là "tù trưởng", khó chịu với màn trình diễn của anh càng khiến việc gượng dậy trở nên khó khăn.
Thể chất vẫn khoẻ mạnh nhưng tinh thần khó tránh khỏi rã rời. Những lời động viên cũng không thể khiến Văn Quyết bình tâm trở lại. Anh tự vấn bản thân: "Tôi là gì và đang làm gì ở đội tuyển Việt Nam?".
Câu hỏi ấy hiện lên cũng là lúc Văn Quyết mất tự tin với chính bản thân mình. Anh dần lạc lõng trong một tập thể vẫn đang ngày qua ngày bay cao trong hành trình chinh phục danh hiệu. Tuyển Việt nam càng bay cao bao nhiêu, cơ hội ra sân của Văn Quyết càng nhỏ bấy nhiêu. Không một HLV nào muốn thay đổi công thức chiến thắng. Không sử dụng Văn Quyết vì thế càng không phải là thắc mắc của nhiều người.
Lần đầu lên đội tuyển Việt Nam vào năm 2011, làm việc với 5 đời HLV trưởng, Văn Quyết đã trải qua đủ những đắng cay và chưa bao giờ được chạm tay vào một danh hiệu chính thức. AFF Cup 2018 trở thành giải đấu giải toả cơn khát. Cuối cùng, Quyết cũng được chạm tay vào chức vô địch thật sự, được là người đầu tiên nâng cao chiếc cúp nhưng sâu trong thâm tâm anh hiểu vị trí của mình lạc lõng trong hành trình đến ngôi vương của ĐTQG.
Lạc lõng nhưng không bi kịch hoá nỗi đau của bản thân. Văn Quyết vẫn lặng im ngay cả khi mang tiếng mâu thuẫn với HLV Park Hang-seo. Với những cái tôi lớn, sự bất đồng có thể trở thành vụ nổ ở trong phòng thay đồ đội bóng nhưng đó không phải là cách ứng xử của Văn Quyết. Giới chuyên môn nhận định chính sự im lặng ấy của Văn Quyết cũng chính là sự đóng góp trong chức vô địch AFF Cup 2018.
Với những cái tôi lớn, sự bất đồng có thể trở thành vụ nổ ở trong phòng thay đồ đội bóng nhưng đó không phải là cách ứng xử của Văn Quyết. Giới chuyên môn nhận định chính sự im lặng ấy của Văn Quyết cũng chính là sự đóng góp trong chức vô địch AFF Cup 2018.
Sinh nhầm thời dường như là câu nói dành riêng để mô tả về sự nghiệp của Văn Quyết.
15 tuổi mới bước chân vào môi trường tập luyện chuyên nghiệp, gia nhập đội trẻ Thể Công, một thương hiệu lừng lẫy. 4 năm sau, Thể Công biến mất là cú sốc của nền bóng đá.
Cú sốc ấy tạo nên ngã rẽ để Văn Quyết gia nhập Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) và trở thành tượng đài nơi đây. Thành công cùng Hà Nội FC giúp Văn Quyết trở thành người may mắn hơn nhiều anh em trong thế hệ nhưng không che được một giai đoạn đen tối của bóng đá Việt Nam từ năm 2011 đến 2016.
Sau AFF Cup 2010, HLV Henrique Calisto ra đi, bóng đá Việt Nam trở nên hỗn loạn. Cuộc khủng hoảng trọng tài, pha cướp sân khấu của bầu Kiên khiến V.League rung chuyển với sự ra đời của VPF. Hai vụ bán độ chấn động bị phanh phui khiến bóng đá Việt Nam mất mặt ở châu lục. Niềm tin đối với V.League ngày càng xuống thấp với tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng",…
Không khí u ám của nền bóng đá cũng bao trùm lên đội tuyển quốc gia. Ở tuyển Việt Nam, 5 đời HLV trưởng, 3 nội, 2 ngoại lần lượt đến rồi đi nhưng tựu trung không ai có một kết thúc êm ả. Tuyển Việt Nam có thời điểm bị đánh bật khỏi top 4 đội mạnh nhất Đông Nam Á. Thậm chí, thế hệ của Văn Quyết không dưới hai lần bị nghi ngờ bán độ và thiếu đoàn kết.
Ngay từ lúc bắt đầu, Văn Quyết và thế hệ của anh đã không gặp may mắn dù cho có không ít tài năng. Quế Ngọc Hải, Huy Toàn, Huy Hùng, Nguyên Mạnh, Hoàng Thịnh, Hồng Quân,… đều là thành viên thuộc thế hệ ấy. Họ từng đánh bại Olympic Iran 4-1 ở ASIAD 2014, hai lần vào bán kết AFF Cup nhưng vinh quang đều lảng tránh. Thế hệ của Văn Quyết lọt thỏm giữa hai "thế hệ vàng" của nền bóng đá. Họ như bị các tiền bối và hậu bối hút hết tinh hoa và cái duyên với các danh hiệu.
7 năm đầu tiên của Văn Quyết ở trên đội tuyển qua 5 đời HLV, chưa kịp tiếp thu triết lý của HLV này đã phải chuyển sang làm quen với HLV khác. Chưa hết, nội bộ đội tuyển thời điểm này vẫn còn là câu chuyện mang tính vùng, miền phe cánh mà "Bản danh sách đen" sau AFF Cup 2012 là một ví dụ. Trong hoàn cảnh ấy, thế hệ cầu thủ tài năng không phát huy đến đỉnh điểm năng lực và tư duy chơi bóng. Sức trẻ bị lãng phí, thanh xuân không được tận dụng, sự thích ứng với những điều mới mẻ cũng trở nên không còn tồn tại.
Với cá nhân Văn Quyết, chưa bao giờ là lựa chọn số 1 trên hàng công. Anh thậm chí còn phải chịu ảnh hưởng trước cái bóng của đàn anh Lê Công Vinh, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử tuyển Việt Nam.
Đến khi Công Vinh giải nghệ, Văn Quyết vẫn trở thành người thừa ở đội tuyển với cách xây dựng chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Trong hệ thống ấy, Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức mới là những cái tên sáng giá đứng vào các vị trí. Giá trị của họ ngoài tài năng còn là sức trẻ, thứ Văn Quyết đã để lại quá khứ.
Sinh ra trong một giai đoạn lỡ cỡ, góc nhìn của khán giả tới thế hệ của Văn Quyết vì thế cũng lệch lạc hơn. Đặt lên bàn cân, họ bị đánh giá thấp hơn so với thế hệ đàn anh Công Vinh cũng như thế hệ đàn em Công Phượng, Quang Hải dù cho trình độ giữa họ không quá chênh lệch nhau.
Thời thế dù có đổi thay thì số phận của Văn Quyết vẫn không khác biệt. Anh chưa bao giờ phát huy được tầm ảnh hưởng trên tuyển Việt Nam như ở Hà Nội FC. Văn Quyết chỉ may mắn hơn những người cùng thế hệ ở việc giành được một danh hiệu lớn cùng đội tuyển quốc gia.
Ngày 12/1/2021, Văn Quyết được xướng tên cho danh hiệu Quả bóng vàng nam Việt Nam. Sau bao nhiêu chờ mong đằng đẵng, cuối cùng ngày này cũng đến với Văn Quyết. Thế nhưng, ngay cả khi đã nhận được danh hiệu cá nhân cao quý với số điểm áp đảo, Văn Quyết vẫn không tránh khỏi những gièm pha và định kiến.
Bằng nhiều cách khác nhau, họ dìm thành công của Văn Quyết xuống đáy. Cũng là danh hiệu ấy, với người khác đó là sự nỗ lực, với Văn Quyết đấy là một cuộc mua bán giải. Những vị khán giả này phớt lờ đi một thực tế rằng người được chấm điểm Instat cao nhất V.League là Văn Quyết, cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm nhất là Văn Quyết, cầu thủ tấn công hiệu quả nhất cũng là Văn Quyết.
Họ cũng phớt lờ đi luôn việc Văn Quyết dẫn dắt Hà Nội FC đến chiếc Cúp quốc gia thứ hai liên tiếp, năm thứ 10 liên tiếp ở V.League không rời khỏi top 3 vị trí dẫn đầu. Họ cũng quên luôn rằng dịch Covid-19 hoành hành, các giải đấu quốc tế có ĐTQG Việt Nam phải tạm hoãn và khi ấy các giải đấu quốc nội mới là thước đo cho Quả bóng vàng Việt Nam 2020.
Nhiều người nhìn thấy sự bất công ấy với tiền đạo 29 tuổi nhưng với chính Văn Quyết, anh đã quá quen với việc "không được thừa nhận" ở nền bóng đá này. Anh cũng hiểu rằng việc thi đấu cho một CLB dưới quyền một ông bầu có nhiều anti-fan bậc nhất bóng đá Việt Nam thì những ánh mắt săm soi là điều khó tránh khỏi.
Văn Quyết cũng tự nhìn lại chính mình.
Ở tuổi băm, khi nhiều cầu thủ Việt Nam đi về sườn dốc bên kia sự nghiệp, Văn Quyết vẫn lặng lẽ tiến đến vinh quang. Danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam là sự ghi nhận cho những khao khát và tinh thần chiến đấu không nghỉ của Văn Quyết suốt nhiều năm qua. Một sự ghi nhận cho tài năng và cống hiến của anh dù cho đã trải qua không ít biến cố trong sự nghiệp quần đùi áo số.
Chính anh đã tạo nên môi trường cho sự định kiến ấy. Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến pha đẩy ngã trọng tài của Văn Quyết tại V.League 2016, pha thúc cùi chỏ vào Nghiêm Xuân Tú ở V.League 2017.
Nhưng, anh cũng là nạn nhân của trong rất nhiều thuyết âm mưu như biến việc không được thi đấu thành mâu thuẫn với HLV Park Hang-seo, biến pha va chạm bình thường thành pha bóng triệt hạ Văn Toàn ở buổi tập khiến đàn em phải nghỉ hết AFF Cup 2018.
Khi phần đông người hâm mộ Việt Nam nhìn vào những câu chuyện bên lề để đánh giá cầu thủ thì những giá trị chuyên môn mà cầu thủ đó đem lại trở nên lu mờ. Thế nhưng, Văn Quyết chưa một lần ca thán. Anh nói về triết lý của sự nghiệp: "Giá trị của bản thân tôi nằm ở trên sân bóng". Và cứ sau mỗi biến cố, Văn Quyết lấy lại sự bình tâm để tiếp tục chinh phục đỉnh cao.
Sau thất bại tại AFF Cup 2012, anh góp công lớn giúp Hà Nội FC vô địch V.League 2013. Lỡ hẹn Quả bóng vàng Việt Nam 2017, anh lấy về danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2018. Trải qua AFF Cup 2018 buồn, không được dự Asian Cup 2019, Văn Quyết cống hiến mùa giải tuyệt hay giúp Hà Nội FC giành cú ăn ba danh hiệu quốc nội và lọt vào đến bán kết AFC Cup.
Ở tuổi băm, khi nhiều cầu thủ Việt Nam đi về sườn dốc bên kia sự nghiệp, Văn Quyết vẫn lặng lẽ tiến đến vinh quang. Danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam là sự ghi nhận cho những khao khát và tinh thần chiến đấu không nghỉ của Văn Quyết suốt nhiều năm qua. Một sự ghi nhận cho tài năng và cống hiến của anh dù cho đã trải qua không ít biến cố trong sự nghiệp quần đùi áo số.
Văn Quyết có thể lỡ hẹn với giai đoạn cực thịnh của đội tuyển Việt Nam, có thể không hợp với triết lý và chiến thuật của HLV Park Hang-seo nhưng chưa bao giờ anh biến mình trở thành kẻ nổi loạn trong tập thể. Bóng đá là trò chơi chứa nhiều biến số. AFF Cup 2018 có thể vẫn tạo nên những xúc cảm lạc lõng đối với Văn Quyết nhưng chưa khi nào anh để cái tôi cao hơn tập thể.
Văn Quyết ngầm thừa nhận bản thân chưa phù hợp với chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Anh rời đội tuyển không một lời ca thán nhưng khi được hỏi anh vẫn nhấn mạnh khao khát được trở lại đội tuyển, được HLV trưởng ghi nhận và cống hiến những gì tốt nhất của bản thân.
Bóng đá là trò chơi chứa nhiều biến số. AFF Cup 2018 có thể vẫn tạo nên những xúc cảm lạc lõng đối với Văn Quyết nhưng chưa khi nào anh để cái tôi cao hơn tập thể.
Văn Quyết nghiệm ra chân lý của cuộc đời. Thứ gì không phải của mình thì giành giật mãi cũng vô dụng. Không có đội tuyển, anh vẫn còn Hà Nội FC để chiến đấu. Không có đội tuyển, anh vẫn cần làm gương cho cậu con trai Văn Quân. Đó mới là sống và tận hưởng đam mê, mới tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Sau những buổi tập, những trận đấu, Văn Quyết trở lại với những thú vui của bản thân khác biệt với phần lớn giới cầu thủ. Anh sẽ lại đi câu cá, chơi với con trai, đánh cờ tướng hay bật một bài nhạc bolero và thưởng thức một ấm trà.
Văn Quyết biết anh có những đặc điểm khiến người xung quanh khó chịu về mình như cái giọng lè nhè, cái giọng Hà Tây khó nghe từng khiến anh nhận đôi ba tấm thẻ đỏ từ trọng tài. Ban đầu, anh tự ti nhưng trưởng thành lên anh tự nhận "dăm cái nết ấy mới làm nên cầu thủ Văn Quyết".
Tròn 10 năm kể từ ngày giành được danh hiệu đầu tiên mang tên "cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm", Văn Quyết có được Quả bóng vàng Việt Nam. Sau 10 năm, Văn Quyết có một sự nghiệp đồ sộ, một cuộc sống viên mãn bên vợ và con trai. Cũng sau ngần ấy thời gian, anh đã biết biến những định kiến thành nguồn năng lượng vô hạn để viết tiếp câu chuyện về sự thành công.
Họ tên: Nguyễn Văn Quyết
Ngày sinh: 1/7/1991
Quê quán: Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội
Vị trí thi đấu: Tiền đạo
Năm 2005, Văn Quyết gia nhập lò đào tạo trẻ Thể Công. Năm 2010, anh được đôn lên đội 1 với tên gọi Viettel, sau đó CLB Hà Nội (nay là Sài Gòn FC) mua lại ở Giải hạng Nhất. Năm 2011, Văn Quyết chuyển sang thi đấu cho Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) ở V.League.
Năm 2008, Văn Quyết thi đấu cho đội 1 Thể Công. Năm 2010, anh chuyển sang thi đấu cho CLB Hà Nội ở Giải hạng Nhất. Năm 2011, Văn Quyết chuyển sang thi đấu cho Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) ở V.League.
Năm 2011, Văn Quyết lần đầu tiên được triệu tập lên ĐTQG và U23 Việt Nam. Anh ghi 1 hattrick trong trận đấu với U23 Brunei và lọt top 10 hattrick nhanh nhất lịch sử thế giới thời điểm ấy.
Tính đến năm 2020, Văn Quyết thi đấu 51 trận ghi 15 bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam.
Thành tích:
- Cấp CLB (Hà Nội FC):
Vô địch V.League 2013, 2016, 2018, 2019
Vô địch Cúp quốc gia 2019, 2020
Vô địch Siêu cúp quốc gia 2010, 2018, 2019, 2020
Lọt vào Bán kết AFC Cup 2019
- Cấp đội tuyển:
Hạng 4 Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018
Vô địch AFF Cup 2018
Vô địch Giải giao hữu AYA Bank Cup 2016 ở Myanmar
- Danh hiệu cá nhân:
Cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2018, 2020
Quả bóng bạc Việt Nam 2014, 2015
Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2010, 2011
Quả bóng vàng Việt Nam 2020