Dự báo thời tiết giết vận động viên?
Theo hãng thông tấn nhà nước Trong Quốc ChinaNews phát hiện, Cục Khí tượng tỉnh Cam Túc có đề cập trong bản tin thời tiết quan trọng phát ngày 21/5 rằng: "Vào ngày 21-22/5, tỉnh Cam Túc có gió mạnh và giông, nhiệt độ giảm và có mưa", đồng thời lưu ý người dân: "Chú ý đề phòng mưa lớn, mưa đá, sét, gió giật mạnh".
Sáng ngày 23/5 - sau khi thảm họa xảy ra, ChinaNews liên hệ với Cục Khí tượng huyện Cảnh Thái để xác nhận việc cơ quan này là đơn vị phụ trách cung cấp thông tin thời tiết phục vụ cho giải chạy ultra trail ở địa phương. Theo đó, đơn vị này đã gửi thông tin cập nhật riêng biệt về điều kiện thời tiết ở địa điểm cuộc thi đến Ban tổ chức sự kiện. Theo đó, những thông tin được cập nhật bao gồm dự báo nhiệt độ thấp nhất và cao nhất, cấp độ gió... nhưng lại hoàn toàn không có thông tin về khối không khí lạnh xâm nhập.
Đây được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa tàn khốc nhất trong lịch sử của thể thao Trung Quốc . Khối không khí lạnh xâm nhập bất ngờ gây ra mưa đá và gió mạnh khi cuộc đua đã được bắt đầu và đi vào chặng đua khó khăn nhất, từ điểm tập kết CP2 đến CP3. Trước điều kiện thời tiết cực đoan, chặng đua này biến thành "chặng đua tử thần", cướp đi sinh mạng của 21 tuyển thủ, trong đó có những nhà vô địch của môn chạy đường dài Trung Quốc.
Vậy tại sao cả Cục khí tượng lẫn Ban tổ chức đều không có được thông tin về khối không khí lạnh xâm nhập "chết người" này?
Theo cục trưởng của Cục Khí tượng huyện Cảnh Thái - Luo Wentao, đoạn đường đua mà các tuyển thủ gặp nạn nằm trong khu vực của thắng cảnh Hoàng Hà Thạch Lâm. Đây là khu vực hầu như không có người dân sinh sống, nên đây là phạm vi dự báo thời tiết dài ngày. Những hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột khi khối không khí lạnh xâm nhập không nằm trong trạng thái theo dõi thời tiết, nên sẽ không được cập nhật.
Lỗ hổng chết người nằm ở đâu?
Theo nhận định của các chuyên gia, công tác dự báo thời tiết là một phần nguyên nhân gây ra thảm họa khi Ban tổ chức không có được thông tin chi tiết để đưa ra cảnh báo cho các vận động viên tham gia giải chạy, đồng thời chủ quan trong công tác kiểm tra trang thiết bị, khiến rất nhiều tuyển thủ chỉ mặc mỗi quần đùi và áo bib thi đấu, dẫn đến cơ thể mất nhiệt cực nhanh khi nhiệt độ giảm nhanh trên vùng núi cao.
Song nguyên nhân chính lại đến từ sự tắc trách đáng sợ của Ban tổ chức cuộc đi. Cụ thể là ở chặng đường khốc liệt nhất từ CP2 đến CP4, nơi đây hoàn toàn không có chỗ trú ẩn cho các vận động viên trong trường hợp "có biến".
Nguy hiểm nhất là chặng đường từ CP2 lên đến CP3, nơi đây toàn dốc đứng, với sự chênh lệch hơn 1.000 mét, tương ứng với quãng đường khoảng 8km. Vì xe cơ giới không thể lên được nơi này, nên CP3 dù được chọn là điểm tập kết, nhưng không hề có sự hỗ trợ từ các lực lượng hậu cần, càng không có lương thực, thuốc men, thậm chí là nước ấm cho các vận động viên.
Theo nhận định của những chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức ultra trail, đáng lý ra suốt quãng đường gần 8km này, Ban tổ chức phải bố trí rất nhiều lều bạt, cùng thanh năng lượng, nước và thiết bị sưởi.
Đa số trường hợp tử vong, trong đó có kỷ lục gia Siêu việt dã Trung Quốc, đồng thời là nhà vô địch tuyệt đối của giải đấu này - Lương Cảnh, đến từ việc rời CP2 để chạy đến CP3 là "con đường một chiều đến với tử thần", bởi đi tiếp cũng chết, mà quay đầu thì không thể.
Sở dĩ như vậy là bởi dù có cán đích được CP3, thì các vận động viên cũng vẫn phải tiếp tục trèo thêm gần 6km nữa để đến được CP4 - nơi có sự trợ giúp gần nhất. Với những trường hợp quay đầu trước khi đến được CP3, thì khả năng tử vong còn cao hơn, bởi nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của 21 vận động viên này.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của 21 vận động viên
Một trong những vấn đề xảy ra với cơ thể khi bị hạ thân nhiệt, đấy là tạo ra ảo giác. Đấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết thảm thương của 21 vận động viên Trung Quốc.
Ngay cả bản thân Lương Cảnh - người đã chinh phục hàng trăm cuộc thi lớn nhỏ, với thể lực cực kỳ sung mãn và kinh nghiệm thượng thừa, vẫn không tránh khỏi kết cục đau xót. Theo lời kể của Lâm Áo - vận động viên trực tiếp phát hiện và tham gia cứu hộ Lương Cảnh, vận động viên hàng đầu Trung Quốc này chết vì rét sau khi bị ngã trên đường đua.
Thời tiết cực đoan khiến hầu hết các vận động viên đều phải quay đầu trước khi đến được CP3. Đây là con đường dốc đứng, đi lên đã khó, đi xuống lại càng khó. Khi cơ thể bị hạ thân nhiệt sẽ phát sinh ảo giác. Các vận động viên nghĩ mình vẫn đi đúng đường, trong khi đó lại bước chệch đường, và rơi xuống vực.
Đường đua ở đây rất nhỏ, chỉ rộng khoảng 50cm, nên trong tình trạng mất sức, không tỉnh táo kèm theo ảo giác, thảm họa xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Với những vận động viên hàng đầu như Lương Cảnh, dẫu sức khỏe tốt nhưng không thể kiểm soát được ảo giác phát sinh từ hạ thấp thân nhiệt, cùng với quan niệm phải đi cho ấm người, nằm lại giữa giá rét sẽ chết nên từng bước, từng bước đi trên "con đường tử thần".
Trong thảm cảnh này, các lực lượng cứu hộ được triển khai cực nhanh, với số lượng lớn. Song công tác tìm kiếm lại cực kỳ khó khăn khi đa số những người hợp tử vong đều rơi chệch ra ngoài đường đua. Rất nhiều vận động viên đã được tìm thấy khi đang nằm hôn mê trên đường, cá biệt có người hôn mê gần 3 tiếng và sau đó được cứu sống. Song với những người ngã ra khỏi đường đua vì ảo giác, công tác tìm kiếm, cứu hộ trở nên cực kỳ khó khăn, dẫn đến số lượng tử vong nhiều kỷ lục.