Trong hàng triệu năm, con người đã tiến hóa sao cho phù hợp với những thay đổi về môi trường - điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, ít người hiểu được rằng quá trình tiến hóa này cũng nhằm mục đích bổ trợ cho việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp: các chi trước linh hoạt hơn, dáng đứng dần thẳng, khả năng đi bằng hai chân và hệ thống tạo âm dần phát triển…
Vậy ngôn ngữ đã xuất hiện từ khi nào và như thế nào, để góp phần hoàn thiện cơ thể con người, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội? Thực ra, sự thật này chưa khi nào được sáng tỏ. Chỉ có các nhà khoa học đặt ra hàng loạt giả thuyết, thậm chí là những lý thuyết tưởng như rất... hoang đường.
1. Ngôn ngữ là do thần thánh ban cho chúng ta?
Trên thế giới, mỗi tôn giáo khác nhau lại tồn tại một vị thần sáng tạo ra ngôn ngữ khác nhau. Theo Kinh Thánh, đó là Thiên Chúa. Còn trong đạo Hindu, ngôn ngữ là sản phẩm của Nữ thần Tri thức Devi.
Để minh chứng cho các quan niệm này, một vài thí nghiệm đã được thực hiện dựa trên giả thuyết: "Nếu trẻ sơ sinh lớn lên mà không được tiếp xúc với ngôn ngữ, chúng sẽ nói được ngôn ngữ khởi thủy - ngôn ngữ của Chúa".
Triết gia người Hy Lạp - Herodotus từng viết về một thí nghiệm từ hơn 2500 năm trước do vị pharaoh Ai Cập Psamtik tiến hành. Để thực hiện thí nghiệm, ông tách biệt hai đứa trẻ mới sinh cùng với một đàn dê và một anh chăn cừu bị câm. Sau 2 năm, lũ trẻ đã nói ra được từ "bekos", nghĩa là "bánh mì" trong tiếng Phrygia.
Ông kết luận rằng, tiếng Phrygia chính là ngôn ngữ thần thánh ban cho. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ, "bekos" đơn thuần chỉ là tiếng kêu "beeee" của dê cộng với "kos" mà thôi.
Một thí nghiệm tương tự được thực hiện bởi vua James IV của Scotland vào khoảng năm 1500. Kết quả là bọn trẻ trong thí nghiệm này có thể nói được tiếng Hebrew - còn gọi là tiếng Do Thái, tiếng mà vị vua này cho là ngôn ngữ của "Vườn Địa Đàng".
Đã từng có thí nghiệm chứng minh tiếng Do Thái là ngôn ngữ trong Vườn địa đàng
Tuy nhiên, ngoài các thí nghiệm quá lâu đời nên chưa được kiểm chứng này ra, chưa có trường hợp nào mà trẻ sơ sinh bị tách biệt lại có thể sử dụng ngôn ngữ được cả.
2. Ngôn ngữ là biến thể của các âm thanh trong tự nhiên?
Các nhà khoa học đưa ra một giả thuyết khác, cho rằng con người khi xưa đã biến đổi các âm thanh trong tự nhiên thành từ ngữ. Ví dụ, họ đặt tên cho các con chim bằng chính âm thanh mà nó phát ra, như chim cuckoo chẳng hạn.
Việc hầu hết các ngôn ngữ hiện đại đều có các từ tượng thanh đã củng cố thêm cho giả thuyết này. Như trong tiếng Anh, có hàng loạt các từ diễn tả âm thanh như bang, boom, buzz, hiss,… Còn trong tiếng Việt, lại có những từ như róc rách, hu hu, phì phì, ầm ầm…
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng những từ như thế là rất ít so với những từ không có liên hệ gì với âm thanh hay diễn tả các ý nghĩa trừu tượng.
Ngôn ngữ cũng được cho là xuất phát từ các âm thanh của cảm xúc con người như đau, giận dữ hay hạnh phúc. Nhưng bạn thử nói các từ như "Ouch!", "Ah!", "Ooh!" hay "Wow!" xem, có phải bạn đã sử dụng không khí bên ngoài để phát âm không? Hàng ngày, chúng ta lại thở ra khí bên trong để trò chuyện với nhau.
Âm thanh, dù do động vật hay con người phát ra, có vẻ không phải là "ứng cử viên" sáng giá nhất cho vị trí "nguồn gốc của ngôn ngữ".
3. Được hình thành thông qua các tương tác xã hội?
Theo giả thuyết này, nhu cầu hình thành các tổ chức xã hội đã làm cho con người sáng tạo ra ngôn ngữ.
Cụ thể, người nguyên thủy thường phải sống thành từng đoàn để chống lại thú dữ và quan trọng nhất là để cùng nhau lao động tay chân, như khiêng thân cây hay xác voi ma mút về chẳng hạn.
Nhu cầu hợp tác đã giúp loài người sáng tạo ra ngôn ngữ
Để hoạt động có hiệu quả, họ tạo ra các âm thanh đơn giản như tiếng lẩm bẩm, tiếng o o, tiếng rên rỉ, tiếng gầm gừ… để giao tiếp với nhau và từ đó ngôn ngữ dần dần hình thành.
Tuy nhiên, cách các âm thanh trên được tạo ra và chuyển thành ngôn ngữ vẫn còn là một bí ẩn. Khỉ hay các động vật linh trưởng khác dù cũng tạo ra các âm thanh đơn giản để giao tiếp nhưng vẫn không thể biến chúng thành ngôn ngữ riêng được.
Chưa đủ, vì nhiều loài vật cũng có thể hợp tác, nhưng không có ngôn ngữ riêng
4. Từ quá trình sử dụng công cụ lao động
Gần như tương tự với giả thuyết trên, ngôn ngữ được cho là đã hình thành khi con người tiếp xúc với các công cụ lao động.
Ta đã biết não bộ bao gồm hai bán cầu và mỗi bán cầu đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, ở bán cầu trái của não, hai bộ phận vận hành khả năng nói và khả năng sử dụng đồ vật có vị trí rất gần nhau.
Quá trình đi lên từ đồ đá, đồ đồng... đã giúp loài người hình thành ngôn ngữ
Có thể là ban đầu, con người đã tạo ra các âm thanh để chỉ hay gọi tên các vật trong môi trường sống, bao gồm công cụ lao động. Dần dần, não bộ đã phát triển để giúp con người sử dụng công cụ lao động linh hoạt hơn, đồng thời cũng làm con người phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Nói cách khác, ngôn ngữ và công cụ lao động đã có một mối liên hệ mang tính tiến hóa. Tuy nhiên, ta vẫn chưa hiểu rõ được cách thức hình thành của mối liên hệ mơ hồ này.
5. Ngôn ngữ là gen di truyền có sẵn bên trong chúng ta
Các trường hợp trẻ em bị điếc có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu ở độ tuổi rất nhỏ đã làm cho các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: "Liệu con người sinh ra đã mang sẵn ngôn ngữ bên trong mình?".
Giả thuyết này cho rằng, ở một thời điểm nào đó trong quá trình xã hội hóa, đã có đột biến gene xảy ra, giúp con người có sẵn một vốn ngôn ngữ bên trong. Vốn ngôn ngữ này chỉ cần được kích hoạt đúng cách là có thể sử dụng.
Tuy nhiên, ta vẫn chưa biết được sự thay đổi này diễn ra từ lúc nào. Tại sao chỉ có con người có thể phát huy tối đa khả năng của loại gene này và liệu nó có mối liên hệ gì với các đặc điểm tiến hóa của con người hay không? Tất cả đang đợi các nhà khoa học làm sáng tỏ.
Nguồn: The Study of Language, George Yule