Dưới góc nhìn phong thủy, một ngôi nhà không sạch sẽ thì sẽ ảnh hưởng đến tiền tài vận may của gia chủ. Thực tế, đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhà cửa bừa bộn dễ khiến lòng người rối bời, dễ cáu gắt, về lâu dài còn hại sức khỏe. Vậy nên, bạn nhất định không được lười biếng trong việc dọn dẹp.
Đặc biệt, nếu có 6 thói xấu dưới đây thì cần loại bỏ ngay vì chúng chính là nguyên nhân dẫn đến việc lộn xộn của ngôi nhà.
1. Thói xấu thứ nhất: Khó lòng vứt bỏ đồ thừa
Với nhiều người, vì muốn sống tiết kiệm nên dù một món đồ đã để lâu không dùng thì vẫn giữ lại với suy nghĩ “biết đâu sau này cần đến”. Nhưng thực tế, những món đồ đó thường không bao giờ được dùng nữa. Chẳng hạn như quần áo không mặc, dây sạc cũ, ốp điện thoại thay ra, chậu cây đã héo, những bộ nồi niêu cũ kỹ...
Đồ vật một khi không dùng đến thì coi như đã “hết giá trị”. Để ở nhà chỉ tốn không gian lưu trữ và làm tăng việc nhà.
Nhiều người thắc mắc: “Tôi đã dọn khá nhiều rồi, sao nhà vẫn bừa bộn?” Câu trả lời là bạn dọn chưa đủ triệt để. Nếu cứ giữ tâm lý “biết đâu cần”, đồ đạc không cần thiết sẽ lại chất đầy nhà, khiến không gian không bao giờ gọn gàng được.
Dọn dẹp thật sự là biết buông bỏ, không để lại bất kỳ “dấu vết” nào của những thứ không còn giá trị nữa.
2. Thói xấu thứ hai: Tích trữ vô tội vạ
Nhiều người có thói quen trữ đồ trong nhà đơn giản vì cảm giác an toàn, khi cần là có. Thêm vào đó, các chương trình khuyến mãi cũng khiến các gia đình mua sắm vượt nhu cầu để được ưu đãi, giá hời.
Chẳng hạn, mua một lúc cả chục tuýp kem đánh răng hay xách cả thùng nước giặt về nhà. Thậm chí còn tích trữ cả khăn giấy, dù không tốn quá nhiều tiền nhưng lại chiếm rất nhiều không gian lưu trữ.
Thực tế, việc tích trữ quá đà là không cần thiết. Nhiều món đồ còn có hạn sử dụng, nếu không dùng hết kịp sẽ gây lãng phí vì không thể dùng được. Vì vậy, hãy mua vừa đủ dùng để không làm nhà cửa chật chội mà lại tiết kiệm hơn.
3. Thói xấu thứ ba: Tái chế "vô nghĩa"
Việc tái sử dụng đồ cũ một cách hợp lý có thể giúp tiết kiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn biến ngôi nhà thành một "trạm thu gom rác thải".
Điển hình nhất là tái sử dụng chai nhựa. Thay vì dùng bình dầu ăn chính hãng, nhiều người lại thích đổ dầu vào chai nhựa cũ với suy nghĩ "bảo vệ môi trường". Tuy nhiên, hầu hết chai nhựa đều làm từ nhựa PET1, nếu dùng lâu hoặc gặp nhiệt độ cao sẽ giải phóng chất gây ung thư, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ngay cả nhựa PP5 – loại an toàn hơn – cũng không hoàn toàn vô hại vì chai nhựa đều có hạn sử dụng. Dùng đi dùng lại quá lâu, nhựa sẽ bị lão hóa, gây rủi ro tương tự.
Vì thế, tái chế đồ cũ cần có chừng mực. Hãy tái sử dụng một cách sáng tạo, biến đồ cũ thành vật dụng có ích thay vì biến "rác thải này" thành một "rác thải khác".
4. Thói xấu thứ tư: Mua sắm bốc đồng
Ngày nay, các sản phẩm gia dụng vô cùng đa dạng. Nhiều người chỉ cần thấy những món đồ được review "hot hit" là lập tức mua về, bất chấp việc mình có thực sự cần hay không.
Lấy ví dụ về các thiết bị nhà bếp nhỏ gọn, mỗi sản phẩm đều có điểm nổi bật riêng, thậm chí có món còn sở hữu chức năng độc nhất vô nhị. Nhưng khi mua về lại thường bị bỏ xó, khiến không gian trong bếp ngày càng chật chội, cuối cùng lại rơi vào tình trạng “giữ thì không dùng, bỏ thì tiếc”.
Hay như việc mua những chiếc cốc chỉ vì “đẹp”. Dù ban đầu chúng có thể mang lại niềm vui nhưng khi sự mới mẻ qua đi, căn nhà lại đầy ắp những chiếc cốc không đồng bộ, chiếm diện tích mà chẳng mấy khi dùng đến.
Một cuộc sống tốt không nằm ở việc sở hữu quá nhiều mà ở sự tinh tế trong lựa chọn. Hãy chỉ mua những món thực sự cần thiết để vừa đảm bảo chất lượng sống, vừa giữ cho ngôi nhà luôn gọn gàng.
5. Thói xấu thứ năm: Thiếu cách sắp xếp hợp lý
Nhà cửa bừa bộn không hẳn vì thiếu không gian lưu trữ mà chủ yếu do thiếu cách sắp xếp khoa học.
Ví dụ, nếu bạn chỉ đơn giản quăng quần áo vào tủ mà không gấp hoặc treo gọn gàng thì tủ có to đến đâu cũng sẽ nhanh chóng lộn xộn. Hay như với tủ đồ lặt vặt, dù bạn dành rất nhiều thời gian dọn dẹp nhưng nếu không loại bỏ những món đồ không còn sử dụng thì vẫn cứ bừa bộn như cũ.
Vì vậy, ngay từ khi thiết kế nội thất, hãy cân nhắc đến cách bố trí tủ kệ sao cho hợp lý, giảm tối đa gánh nặng sắp xếp về sau.
Chẳng hạn, tủ bếp nên có nhiều ngăn kéo; tủ quần áo nên ưu tiên khu vực treo đồ; tủ đựng đồ lặt vặt nên thiết kế ngăn linh hoạt. Nên áp dụng "quy tắc 80/20" khi làm tủ kệ: 80% là ngăn kín để lưu trữ, chỉ 20% để trưng bày. Những chi tiết nhỏ này sẽ giúp không gian nhà ở luôn gọn gàng và dễ quản lý hơn.
6. Thói xấu thứ sáu: "Bạ đâu vứt đó"
Cuối cùng, thói quen "bạ đâu vứt đó" cũng là một vấn đề phổ biến. Mọi người thường về nhà và vứt quần áo bừa bãi, tiện ở đâu thì để đó, không bao giờ đưa đồ trở về đúng chỗ.
Thực tế, thói quen xấu này rất khó sửa đổi và chỉ một mình thay đổi thì chưa đủ, cả gia đình cần chung tay cùng thực hiện. Nếu không, nhà cửa vẫn sẽ dễ dàng lộn xộn.
Để cải thiện tình trạng này, chúng ta nên bắt đầu từ những hành động nhỏ. Hãy tạo khu vực để giày dép, móc treo quần áo, túi xách ngay từ cửa ra vào. Đồng thời, thiết kế khu vực lưu trữ khoa học, dễ tìm và dễ thấy. Khi những thói quen nhỏ này trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, nhà cửa sẽ dần trở nên ngăn nắp và gọn gàng hơn, mang lại không gian sống thoải mái và sạch sẽ.
Nguồn: Toutiao