Bị chồng đánh không kể lý do
Buổi theo chân cán bộ tổ chức HAGAR Quốc tế tại Việt Nam và hội phụ nữ huyện tham dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Sức sống mới” và “Nam giới trách nhiệm” dành cho các cặp vợ chồng bạo lực/ bị bạo lực gia đình tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An khiến tôi không khỏi thương cảm.
Hơn 20 cặp vợ chồng là những người nông dân ở một vùng quê đều đã và đang là người gây bạo lực, bị bạo lực trong suốt thời gian dài.
Khi người điều hành nhóm cho các cặp đôi tô, vẽ những bức tranh về ngôi nhà mơ ước và yêu cầu từng gia đình thuyết trình, đã có rất nhiều những ánh mắt như ngầm nhắc “ông nhớ lời ông nói nhé”, những cái lè lưỡi vụng trộm của những bà vợ khi nghe người đàn ông “trụ cột” nói rất hay về giá trị của mái ấm, về sự sẻ chia, về tình yêu thương, san sẻ trong gia đình.
Bàn tay này đã từng liên tục đánh vợ không chút xót xa
Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn chỉ trào ra sau đó khi những người đàn ông được tách ra không ngồi bên những người vợ. Ẩn ức bao năm, những trận đòn lại hiện hữu trên những khuôn mặt nặng trĩu nỗi buồn.
Hoa (sinh năm 2000) ngân ngấn nước mắt kể quen biết chồng qua mạng. Chồng đi làm gần nhà bà ngoại rồi nên duyên vợ chồng.
“Ngày cưới em không được mặc áo cô dâu. Anh bảo chỉ mặc đồ bình thường thôi. Anh có hứa sau đi chụp ảnh cưới nhưng từ đó đến nay cũng không”, người phụ nữ trẻ này tấm tức chia sẻ trong nước mắt.
Hai người vợ trước không chịu được những trận đòn nên bỏ đi, Hoa mới lớn, có bầu trước mới về chung sống nhưng cũng hứng đủ những trận đòn suốt 4 năm nay.
Hoa nghẹn giọng kể lại: “Em bận con nhỏ, chồng về thấy em chưa kịp thu lúa, thế là đánh. Cơm không vừa miệng cũng đánh. Nói em không cãi cũng đánh… Thậm chí có lần em đang nằm với con nhỏ ở trên giường chồng về không nói không rằng túm tóc lôi em ném xuống đất rồi thản nhiên nằm trên giường”.
Lau những giọt nước mắt mặn chát, cô bảo sợ nhất là chồng đánh nhưng "không cho em được khóc", "không cho em kêu cứu từ bất kỳ ai. Anh bảo, đánh vì nói không sửa nên phải dạy, khi nào tỉnh ra mới thôi".
Khi tôi hỏi “Có bao giờ em nghĩ đến việc thoát khỏi những trận đòn của chồng không?” thì cô gái im lặng, mặt cúi gằm nhẫn nhịn, chịu đựng, ngón tay di di xuống sàn nhà.
Chịu đựng bạo hành, chỉ mong chồng chết
Có “thâm niên” bị chồng đánh trong quãng thời gian gấp 5 lần Hoa, chị Hồ Thị Thúy (53 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết ngay từ ngày bước chân về làm dâu, chị đã bị chồng đánh đập, đến nay đã hơn 20 năm.
Người phụ nữ (áo tím than) bị chồng đánh từ thời thanh xuân đến khi lên chức bà vẫn chịu đựng |
“Ông khi nào cũng gây áp lực lên vợ. Không bao giờ cho vợ con sự bình yên trong gia đình. Trước là tôi, gần đây thì dồn sang cả các con”, chị Thúy cho hay. |
Nguyên nhân người đàn bà này hứng chịu những trận đòn từ chồng là do không có con trai, dù chị đã sinh đến 8 con nhưng vẫn toàn là gái.
“Nhà con đông, hai vợ chồng làm ruộng, lo đủ ăn đã khó chưa nói việc học hành. Cả 8 con đều ham học nên tôi cố cho các con học đến cùng. Xung quanh hàng xóm giàu có, nhà mình nghèo nhất làng nên ông ấy cũng hay so sánh”, chị Thúy chia sẻ.
Nhà nghèo, không có con trai nên chồng chị Thúy suốt ngày uống rượu, một ngày tỉnh ba ngày say, cứ rượu vào là đánh vợ, chửi con.
“Làm đồng nào đều nuôi con hết, đứa nào cũng học được. Thế nên chồng lại càng bức xúc, câu hỏi thường trực là: Mày bỏ tiền đi đâu hết mà không thấy đồng nào? Làm mà không có đồng nào đi làm làm chi? Nói xong ông đập vợ cho sướng tay rồi bỏ đi uống rượu. Kể ra tủi thân lắm...”, chị Thúy nghẹn ngào.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả khi chồng đã bỏ đi uống rượu rồi, đến đêm về là lại tiếp tục chửi vợ con suốt đêm. Được biết cách đây 10 năm, người đàn ông ấy từng phải đi bệnh viện điều trị loạn thần do rượu.
“Bác sĩ kê thuốc uống nhưng hết thuốc không kịp mua là quậy khắp nơi. Về nhà ông ấy vừa chửi vừa đập, ngày trước chỉ đánh vợ nhưng gần đây đánh luôn cả con. Các con khoẻ mạnh còn chạy được. Thương nhất con bé 15 tuổi đang bị ung thư vòm họng. Nó yếu thế ông ấy cũng không tha”, người đàn bà khắc khổ vừa nói vừa chìa bàn tay sưng húp vì đỡ đòn cho con hơn tuần trước.
Hiện ba cô con gái lớn đã lập gia đình, các con cũng không có điều kiện giúp đỡ nên người phụ nữ này vẫn phải gồng gánh nuôi 5 con khác và thêm một cháu ngoại. Đồng thời chị chịu đựng một ông chồng nghiện rượu ung thư gan vẫn tiếp tục bạo hành vợ và chăm sóc một cô con gái ung thư vòm họng giai đoạn cuối.
“Nhà hai người ung thư, tiền thuốc thang cũng nhiều nhưng ông ấy vẫn không giảm thói đánh vợ. Nói ra bảo ác nhưng trong suy nghĩ tôi từng ước sáng mai thức dậy thấy chồng chết rồi. Tôi từng nói với ông ấy, sao ông không chết đi cho vợ con đỡ khổ, người tốt thì chết sớm, như ông sống lâu để làm gì?”, chị Thúy cay đắng nói.
Mặc dù ấm ức là thế nhưng trong suốt câu chuyện chị T. không mảy may nhắc đến tình huống phản kháng, thậm chí chưa từng nghĩ tới việc ly hôn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.