Trương Hoài Bảo, một gen Z chính hiệu hiện là nhân viên thuộc đội ngũ trẻ của công ty hàng đầu tại Việt Nam - Vinamilk - vừa trở về từ một chuyến đi đến cực Nam của Tổ quốc. Khác với những chuyến đi du lịch, team building thông thường, Hoài Bảo cùng hơn 60 đồng nghiệp đã tham gia vào chuyến đi để tái sinh 25ha rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau do Vinamilk thực hiện.
Anh chàng tâm sự: "Trước khi đi, mình đã chuẩn bị những "outfit" cực chất để quay những thước phim đẹp, up story khoe với bạn bè. Dù đã được ban tổ chức chuẩn bị tinh thần trước, nhưng trực tiếp lội xuống bùn, buộc từng cọc hàng rào, mới thực sự thấy "thấm". Trồng 1 cái cây, tái sinh 1 cánh rừng quả không phải chuyện đơn giản. Dù không có những cảnh quay lung linh như tưởng tượng, mặt mũi cũng lấm lem bùn đất hết, nhưng với mình và các đồng nghiệp, đây lại là một hành trình trải nghiệm thú vị, tuyệt vời nhất mà mình từng có cùng với thiên nhiên"
Trương Hoài Bảo – Phòng Nhân Sự, Vinamilk
Trong cuộc trò chuyện trên sóng phát thanh, vị giám đốc đang vận hành tập đoàn tìm kiếm và cung ứng nguồn nhân lực đa quốc gia nhắc đến việc mối quan tâm của người lao động trẻ hiện nay đã thay đổi. Nếu trước đây, họ dành phần lớn sự quan tâm đến thu nhập; thì hiện tại người lao động lại đang mong muốn những phúc lợi khác, như: cơ hội học tập, phát triển. Mong muốn này mạnh mẽ đến mức đã trở thành một yêu cầu tối thiểu của người lao động trước khi quyết định mình sẽ gắn bó với nơi làm việc nào.
Điều này có thể nhìn thấy ở Vinamilk. Bên cạnh các yếu tố nổi bật trước giờ luôn hấp dẫn các bạn như công ty lớn, thương hiệu uy tín, môi trường tạo điều kiện phát triển chuyên môn tối đa; tại đây, các bạn còn được trải nghiệm, được đóng góp và chia sẻ những giá trị cho cộng đồng và cuộc sống.
Bạn Lê Quang Huy, nhân viên đang trực tiếp làm việc ở mảng hoạt động cộng đồng thì chia sẻ: "Khi nói chuyện với bạn bè, mình thấy quan điểm của các bạn trẻ về môi trường làm việc đã rất khác. Chính bản thân mình cũng vậy. Giờ đây không chỉ "flex" với nhau về việc công ty lớn như thế nào, tittle ra sao, thu nhập khủng… mà chúng mình còn nói về việc nơi mình làm việc có những giá trị văn hóa, giá trị cho cộng đồng như thế nào. Đó mới thực sự là động lực để mình càng mong muốn đóng góp các giá trị cho công ty".
Chia sẻ của Hoài Bảo hay Quang Huy đại diện cho nhiều bạn trẻ đang làm việc tại Vinamilk. Nơi làm việc trong mơ của người trẻ là nơi mà ở đó, họ được tự do học hỏi, tự do trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân, được thoả sức khai phá tiềm năng, phát triển những kỹ năng của mình ngày một tốt hơn, cũng được lắng nghe, được phản hồi, được ghi nhận, được coi trọng… Văn hóa chú trọng đến phát triển bền vững cũng là yếu tố khiến họ cảm thấy gắn bó và tự hào hơn.
Tay vừa cột sợi kẽm cố định hàng rào, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính của Vinamilk vừa cười và nói: "3 đến 5 năm nữa thôi, bãi bồi trống này sẽ là những hàng cây mắm, cây đước cao lớn, màu xanh bao phủ như mảng rừng mà chúng ta đang thấy ở xa xa kia."
Hướng về mảng rừng đã được tái sinh, nhìn thấy trong ánh mắt của một thành viên Ban điều hành công ty sự tin tưởng vào định hướng về phát triển bền vững mà Vinamilk đang theo đuổi. Đó không phải là những tuyên bố, lời nói đao to búa lớn, mà là niềm tin vào tương lai, vào sự "bảo đảm" cho thế hệ mai sau mà chúng ta đang góp sức từ hôm nay.
Trong đoàn Vinamilk đi tái sinh rừng hôm đó, không chỉ có các nhân viên trẻ, mà còn nhiều anh, chị đến từ Ban Điều hành, Ban Giám đốc, Cấp quản lý của Vinamilk. Vì tại Vinamilk, "Phát triển bền vững luôn có sự tiên phong, đi đầu truyền cảm hứng từ chính cấp lãnh đạo của công ty và bằng các hành động thực tế, chứ không chỉ là sự hô hào hay áp đặt từ cấp trên xuống", bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Nhân sự Hành chính và Đối ngoại Vinamilk tâm huyết nói.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính, tại COP26, cùng 146 quốc gia, Việt Nam đã ký cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (Net Zero). Theo đó, phát thải ròng bằng "0" có nghĩa là lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định. Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính này đòi hỏi tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam chung tay.
"Đây là một hoạt động của Vinamilk trong lộ trình giảm carbon tới năm 2050, góp một phần nhỏ vào việc chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và thế giới. Tuy đã lớn tuổi rồi nhưng tôi vẫn đủ sức để chiến đấu cùng anh em trẻ và truyền cảm hứng cho mọi người. Trải nghiệm tuyệt vời như thế này thì đi đâu cùng Vinamilk tôi cũng xung phong đi hết!", Ông Lê Hoàng Minh cho biết.
Có lẽ nhờ tinh thần "truyền lửa" này nên khi nghe đến dự án "Cánh rừng Net Zero Vinamilk", với chuyến đi tái sinh rừng ngập mặn, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, các bạn trẻ Vinamilk đã hăm hở, háo hức lên đường.
Bất chấp những cơn mưa rào của rừng ngập mặn làm cho việc dựng hàng rào thêm khó khăn, 60 thành viên Vinamilk cùng hơn 20 tình nguyện viên của Gaia và cán bộ Vườn Quốc gia Cà Mau đã cùng nhau làm được hơn 800m hàng rào đầu tiên trong hơn 2.345m hàng rào khoanh nuôi của toàn dự án. Có lẽ chỉ khi đến tận nơi, tận tay làm, mọi người mới hiểu sâu sắc hơn về những việc làm hướng đến phát triển vững, những việc sẽ không thể nóng vội một sớm một chiều, mà phải 2-3 thậm chí là 5 năm sau mới nhìn thấy được kết quả bước đầu.
Ngồi trên thuyền đi giữa những hàng đước, hàng mắm, anh Nguyễn Văn Sự - Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau kể với chúng tôi về câu chuyện của "Cánh rừng biết đi" và "Nơi đất nở ra". Gắn bó với rừng Cà Mau đã nhiều năm, hơn ai hết, anh hiểu và dành tình yêu lớn cho cánh rừng đặc biệt này.
"Mỗi năm, rừng ngập mặn Cà Mau có thể bồi đắp, lấn ra biển thêm gần 100 mét. Không chỉ giữ đất, đây còn là ngôi nhà cho hàng nghìn loài sinh vật như chim chóc, thủy - hải sản, thực vật phong phú cư ngụ, phát triển… Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tự hào là khu RAMSA thứ 5 của Việt Nam, góp phần mở rộng lãnh thổ đất nước và có tầm quan trọng quốc tế. "
Theo các nhà khoa học, để cắt giảm nhanh chóng lượng chất ô nhiễm trong khí quyển, chúng ta cần các hệ sinh thái có khả năng hấp thụ và lưu giữ lượng lớn CO2. Trong đó, rừng ngập mặn được xem là "bể hấp thụ carbon" hiệu quả gấp 4 lần rừng nhiệt đới do dễ dàng hút carbon dioxide từ không khí để lưu trữ trong rễ và cành đến hơn 5 nghìn năm.
Dự án này sẽ được Vinamilk cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai trong 6 năm. Đây là khoảng thời gian phù hợp để một cánh rừng ngập mặn có thể tái sinh và tự sinh trưởng mạnh khỏe sau đó, mà ít cần đến sự can thiệp của con người. Bên cạnh việc dựng các hàng rào, bảo vệ khu khoanh nuôi, dự án sẽ có các hoạt động như tập huấn, truyền thông, tuyên truyền đối với người dân xung quanh. Mục tiêu là giúp cộng đồng dân cư xung quanh trở thành những người trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ rừng, hỗ trợ các đơn vị chức năng chăm sóc cánh rừng phát triển.
Chuyến đi đầu tiên của 60 nhân viên Vinamilk vừa qua diễn ra vào đúng dịp sinh nhật của công ty, thế nên được nhiều bạn nói vui rằng, Vinamilk đón sinh nhật 47 tuổi, thì cánh rừng Net Zero Vinamilk Đất Mũi Cà Mau cũng chính thức đón tuổi đầu tiên của mình. Tiếp theo đây, trong 6 năm tới, các chuyến đi sẽ được tổ chức đều đặn hàng năm cho nhân viên Vinamilk cả nước có thể đến với Cà Mau để tiếp tục "dự án xanh" ý nghĩa này.
"Chuyến đi còn chưa kết thúc, chúng tôi đã nghe mọi người hỏi rằng năm sau có được đi thăm rừng Cà Mau tiếp không, khi nào sẽ được quay lại thăm cánh rừng này... Với những thành viên Ban tổ chức chúng tôi, chừng đó đã là một sự thành công và niềm khích lệ rất lớn khi mọi người cảm nhận được niềm vui, sự hứng khởi trong những hoạt động vì cộng đồng", Anh Nguyễn Trung Tín, một thành viên Ban tổ chức chia sẻ.
Bạn Vũ Thị Hiền, nhân viên khối Marketing hào hứng: "Mình chưa được trải nghiệm cảm giác này bao giờ. Trước khi đi, mình cũng hình dung đây là một hoạt động mang đến nhiều giá trị cho xã hội và cộng đồng. Nhưng phải khi đến tận nơi, mình mới thật sự hiểu hết ý nghĩa của hành trình này. Mình tin rằng không có gì là nhỏ bé cả. Chỉ cần chúng ta hành động, thay đổi lớn sẽ đến. Giống như những hạt mắm dù nhỏ bé nhưng mai này sẽ cao lớn thành cánh rừng chắn sóng và giữ đất"
Vũ Thị Thu Hiền - Khối Marketing, Vinamilk
Là người 5 năm trước đã từng đến Cà Mau trong dự án "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam", bà Bùi Thị Hương, xúc động chia sẻ: "Quay trở lại sau 5 năm, tôi thật sự rất xúc động. Còn nhớ 5 năm trước, quanh đây không có một bóng cây. Bây giờ, sau lưng tôi đã là cả một rừng cây cao lớn, khỏe mạnh.
Được triển khai từ năm 2012, chương trình "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam" do Vinamilk và Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp triển khai. Đến năm 2020, chương trình đã hoàn thành sứ mệnh của mình với 1.121.000 cây xanh đã được trồng tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng.