Người trẻ “xoay sở” với ước mơ mua nhà: Quản lý tài chính, tiết kiệm chưa đủ, đầu tư thông minh mới có thể bứt phá, mua 2-3 căn nhà trong tầm tay

Lưu Ly, Theo Trí Thức Trẻ 13:32 27/07/2022

“Chúng ta nghĩ xa hơn cho tương lai thì nên dùng số tiền tích luỹ của mình để đầu tư hoặc kinh doanh. Nếu cơ hội tốt mà mình biết nắm bắt thì không những bạn mua được 1 căn mà thậm chí còn mua được 2, 3 căn nữa”, Bích Kiều, 27 tuổi nói về cách cô đang làm để mua nhà riêng cho mình.

Với mức thu nhập chỉ hơn 10 triệu mỗi tháng, chàng trai 9x Lê Minh vẫn có cơ sở để tin tưởng rằng: “Không ngừng phát triển bản thân, đa dạng hoá các nguồn thu nhập, song song với tiết kiệm chi phí một cách hợp lý, mình tin chắc rằng ước mơ mua nhà trong tương lai sẽ không quá xa vời”

Sở hữu một căn nhà của riêng mình giữa lòng thành phố là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Thế nhưng, giá nhà liên tục tăng cùng với tỷ lệ lạm phát cao, để thực hiện được ước mơ của mình, các bạn trẻ không chỉ cần làm việc chăm chỉ mà còn cần xây dựng kế hoạch tài chính khoa học, đúng đắn.

Chỉ trong vòng 6 tháng, giá chung cư mới ở Hà Nội tăng phi mã. Với những căn chung cư mới, mỗi m2 có giá lên tới 60-70 triệu. Cùng với đó, giá của những căn chung cư cũ cũng tăng mạnh. Với khoảng 2 tỷ trong tay, rất khó để người dân mua được một căn nhà rộng khoảng 70 m2. Tình hình kinh tế này đặt áp lực lớn lên người lao động, đặc biệt là những người chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.

Nhưng điều đó không ngăn được mục tiêu mua nhà của những người trẻ năng động và không ngừng phấn đấu. Bằng kiến thức và sự nỗ lực của bản thân, họ lên kế hoạch chi tiết để từng bước tiến gần với ước mơ của mình.

Cắt giảm chi tiêu để đảm bảo kế hoạch mua nhà

Có được một ngôi nhà của riêng mình giữa lòng thủ đô là ước mơ của nhiều người trẻ như chị Lê Kim Dung. Ước mơ ấy ngày càng lớn hơn từ khi chị Dung lập gia đình. Cả hai vợ chồng đều tự lập, không nhận được sự trợ giúp kinh tế quá nhiều từ gia đình nên lập kế hoạch tài chính khoa học luôn được cả hai đặt lên hàng đầu.

Người trẻ “xoay sở” với ước mơ mua nhà: Quản lý tài chính, tiết kiệm chưa đủ, đầu tư thông minh mới có thể bứt phá, mua 2-3 căn nhà trong tầm tay - Ảnh 1.

Lê Kim Dung, sinh năm 1993, chuyên viên pháp chế tại ngân hàng

Hiện tại chị Dung đang làm nhân viên pháp chế tại một ngân hàng ở Hà Nội. Mức lương trên 20 triệu mỗi tháng, nhưng việc sở hữu một căn hộ riêng không phải là điều dễ dàng đối với chị Dung khi mà giá nhà ngày càng đắt đỏ.

“Lạm phát và giá nhà tăng khiến việc hiện thực việc mua nhà sẽ gặp khó khăn hơn. Với nguồn thu không tăng, tôi phải liên tục thay đổi kế hoạch tài chính sao cho phù hợp để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm. Đồng thời tôi cũng tìm hiểu những căn nhà với giá vừa tầm”, chị Dung nói.

Mỗi tháng, hai vợ chồng đều phải chi từ 30-50% thu nhập cho chi phí sinh hoạt, đã bao gồm cả tiền ăn, tiền điện nước và chi phí đi lại. Chị Dung cũng luôn ưu tiên dành khoảng 10% thu nhập để đầu tư cho bản thân vì chị hiểu rằng nâng cấp giá trị của bản thân mỗi ngày là tư duy thông minh để luôn đảm bảo cuộc sống. Sau khi trừ hết các khoản chi tiêu, gia đình chị Dung cố gắng để lại từ 30-40% thu nhập cho kế hoạch mua nhà. 

Chị Dung cũng chia sẻ rằng dù gia đình đã lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và cố gắng tuân thủ nhưng với sự thay đổi liên tục của thị trường, việc chi tiêu thực tế hầu như không khớp với mục tiêu đề ra. “Kế hoạch của chúng tôi là sở hữu căn hộ khoảng 2 tỷ. Nhưng với khoản chi tiêu tăng dần mỗi tháng, thời gian dự kiến chắn chắn sẽ chậm hơn so với kế hoạch”, chị chia sẻ.

Vợ chồng chị Dung cố gắng cắt giảm các khoản chi tiêu cho những mục đích không thiết yếu như cafe, du lịch. Đồng thời gia đình chị Dung tối giản hoá thực phẩm, chế biến sáng tạo sao cho bữa ăn vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà tiết kiệm hơn. Song song với việc đó, chị Dung cũng nhận thêm công việc tư vấn part-time và không ngừng trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để có được sự thăng tiến trong tương lai.

“Tôi nghĩ các bạn trẻ, đặc biệt những cặp vợ chồng trẻ hiện nay, trừ khi được hưởng thừa kế từ bố mẹ hay gia đình hỗ trợ ra thì rất khó để có thể hoàn toàn trả hết tiền mua nhà trong một lần. Bởi vậy, tôi tin rằng kiên trì nỗ lực và tính toán trả góp đúng cách, việc mua nhà không phải là một thách thức quá lớn, vấn đề là thời gian mà thôi”, chi Dung chia sẻ đầy lạc quan và tin tưởng.

Chăm chỉ nhận thêm việc ngoài giờ và tăng khoản thu nhập thụ động

Dù chưa có gia đình như chị Dung nhưng Đặng Lê Minh (sinh năm 1999, quê Hải Phòng) vẫn luôn đặt mục tiêu mua nhà lên hàng đầu. 

“Mua nhà luôn là 1 trong những mục tiêu lớn nhất mình quyết tâm phải đạt được trong một vài năm tới. Như bao sinh viên tỉnh lẻ khác, mình phải trả một số tiền đáng kể so với thu nhập mỗi tháng cho tiền phòng trọ và giá điện nước đắt đỏ. 

Mình cũng từng phải sống trong những điều kiện sinh hoạt tệ nhất để tiết kiệm chi tiêu. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và khả năng tập trung hiệu quả cho công việc của mình”.

Người trẻ “xoay sở” với ước mơ mua nhà: Quản lý tài chính, tiết kiệm chưa đủ, đầu tư thông minh mới có thể bứt phá, mua 2-3 căn nhà trong tầm tay - Ảnh 2.

Đặng Lê Minh, sinh năm 1999 chuyên viên truyền thông

Với mức lương trên 11 triệu mỗi tháng từ công việc toàn thời gian cố định, Minh cũng nhận ra rằng nếu chỉ trông chờ vào khoản thu nhập đó thì mua nhà dường như là không thể hoặc phải chấp nhận sống chung với nợ nần đến già.

“Với tỷ lệ lạm phát ở nước ta như hiện tại, trong vài năm tới, căn hộ giá 2 tỷ mà mình nhắm tới sẽ tăng khoảng 3-3,5 tỷ. Trong trường hợp được ngân hàng hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ, cộng cả tiền gốc và lãi, mỗi tháng mình cũng phải chi khoảng hơn 10 triệu để trả góp, chưa kể phải trả trong vòng 35 năm”. 

Lê Minh trăn trở: “Những nhân viên văn phòng với mức lương như mình nếu không có sự cố gắng và thay đổi về khả năng thu nhập, sự hỗ trợ... thì ước mơ mua nhà tại Hà Nội có lẽ sẽ mãi xa vời, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái như hiện nay, cơ hội việc làm ít đi trong khi giá bất động sản tăng từng ngày”.

Với ưu thế của tuổi trẻ, Minh luôn ý thức trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau để bản thân luôn sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội việc làm. 

Song song với đó, chàng trai 9x cũng thử sức với các công việc khác ngoài giờ nhằm gia tăng tối đa năng lực kiếm tiền. Cụ thể, Minh nhận thiết kế các ấn phẩm truyền thông cho 1 số shop thời trang online và tặng các nguồn thu nhập thụ động từ đầu tư chứng khoán hay affiliates marketing qua website blog cá nhân. 

“Những công việc trên dù chưa có thu nhập ổn định nhưng đã giúp cho mình có được cái nhìn đúng đắn về tư duy tài chính và năng lực quản trị rủi ro cho túi tiền cá nhân. Trong chi tiêu cá nhân, mình luôn ưu tiên việc tự nấu ăn tại nhà để đảm bảo sức khoẻ và kiểm soát chi phí, hạn chế việc la cà quán cà phê thường xuyên như trước đây”, Minh bộc bạch

Không ngừng phát triển bản thân, đa dạng hoá các nguồn thu nhập, song song với tiết kiệm chi phí một cách hợp lý, Lê Minh hy vọng sẽ có thể sở hữu “tổ ấm” của riêng mình trong 1 tương lai không xa. 

Mạnh dạn đầu tư thông minh

Ở tuổi 27, không giống nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn đang loay hoay với mục tiêu mua nhà, Bích Kiều (TP. Hồ Chí Minh) đã sở hữu riêng cho bản thân một căn hộ ưng ý. 

Trong tình hình giá nhà tăng cao, cô gái 9x vẫn có kế hoạch sở hữu thêm vài bất động sản nữa. Tình trạng tài chính dư dả mà cô có được hiện tại để nhờ kế hoạch quản lý chi tiêu và đầu tư sáng suốt. 

Người trẻ “xoay sở” với ước mơ mua nhà: Quản lý tài chính, tiết kiệm chưa đủ, đầu tư thông minh mới có thể bứt phá, mua 2-3 căn nhà trong tầm tay - Ảnh 3.

Bích Kiều, 27 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Từ lúc sinh viên mình đã đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Mình chấp nhận làm không lương cho các công ty nước ngoài để có cơ hội học hỏi. Nhờ vậy, ngay từ khi ra trường, mình đã làm nhân viên chính thức cho một công ty lớn với mức lương hơn 10 triệu”, Kiều nói. “Sau vài năm đi làm cùng với sự hỗ trợ của gia đình, mình đã mua căn nhà đầu tiên cho bản thân mình. Quá trình chuẩn bị ấy mất khoảng 5 năm”.

Tiếp xúc với tư duy kinh tế từ sớm nên Kiều hiểu rằng nếu chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, một nhân viên văn phòng rất khó để mua nhà. “Vì vậy, mình đã để dành 50% tiền lương để đầu tư và sinh lời hàng tháng. Từ 50% lương mỗi tháng đó mình đầu tư dần lên. Mình đầu tư chứng khoán và một số lĩnh vực khác. Đã xác định đầu tư, mình cũng sẵn sàng cho rủi ro. Ví dụ như sau đợt chứng khoán tháng 4 đi xuống đỉnh điểm, thì mình cũng mất đi nửa căn nhà”, Kiều chia sẻ. 

Trong tình hình giá nhà đất tăng mạnh như hiện nay, dù vẫn có dự định mua thêm nhà nhưng Kiều cũng chân thành khuyên các bạn trẻ chưa có nền tảng kinh tế ổn định không nên mua nhà. 

“Với mức thu nhập khoảng 10 triệu mỗi tháng và được tăng lương theo định kỳ thì cũng phải trên 5 năm, các bạn trẻ mới tích góp được 1-1,5 tỷ. Để mua được nhà, các bạn ít nhất cũng phải vay tiền tỷ từ ngân hàng. Số tiền trả góp ràng buộc mỗi tháng sẽ đặt áp lực tài chính to lớn trên vai chúng ta mỗi ngày, chưa kể các trường hợp bất khả kháng như thất nghiệp hay ốm đau”, Kiều nói.

Chính vì như vậy, bằng trải nghiệm cá nhân, Kiều cho rằng đầu tư là một sự lựa chọn tốt. “Nếu chúng ta nghĩ xa hơn cho tương lai thì nên dùng số tiền tích luỹ của mình để đầu tư hoặc kinh doanh. Từ đó sinh ra lợi nhuận, đầu tư bền vững qua thời gian sẽ giúp số tiền tích lũy ban đầu tăng lên. Chúng ta thậm chí có thể ở nhà thuê, chung cư thuê nhưng chúng ta vẫn có thể bứt phá bản thân, từ đó cơ hội tốt sẽ đến với mình. Nếu cơ hội tốt mà mình biết nắm bắt thì không những bạn mua được 1 căn mà thậm chí còn mua được 2, 3 căn nữa”, Kiều nói.

Với sự can đảm mạo hiểm và chấp nhận rủi ro, Bích Kiều tin rằng việc mua nhà vẫn luôn nằm trong tầm tay. 

Ảnh: NVCC

https://cafef.vn/gia-nha-tang-chong-mat-nguoi-tre-xoay-so-voi-uoc-mo-mua-nha-quan-ly-tai-chinh-tiet-kiem-chua-du-dau-tu-thong-minh-moi-co-the-but-pha-mua-2-3-can-nha-trong-tam-tay-20220727065322878.chn