Người trẻ bây giờ, lắm kẻ chẳng được tích sự gì!

Khánh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 07/11/2016
Chia sẻ

Một đống người trẻ hiện nay cho dù lắm kẻ ăn học đàng hoàng, có trong tay chút ít năng khiếu, bước ra đường cũng năng động sành điệu chẳng kém ai, cũng 3 công 4 việc, làm chỗ này nhảy chỗ kia, nhưng sau rốt vẫn thua cuộc thảm hại.

Bạn nghĩ rằng bài viết này không nhắm vào bạn? Bạn tự tin cho rằng bản thân không hề vô tích sự, cũng làm được điều này điều kia đó chứ? Gượm hẵng, điều bất ngờ chính là bạn không cần thiết phải thực sự vô dụng thì mới bị liệt vào thành phần vô dụng.

Ảo tưởng vô độ

Người trẻ thường hay có một cái bệnh: Ảo tưởng vô độ về bản thân. Người ta làm được 10, vẫn nghĩ mình còn kém lắm, mới chỉ điểm 6 điểm 7. Còn nhiều người trẻ lại dễ có cái thói mới đạt được đến 5, đã rung đùi tự mãn tưởng mình điểm 10+.

Vừa bước ra đời, chưa có kinh nghiệm làm việc gì, lại cứ nghĩ rằng tôi học hành thế là tài giỏi lắm thành ra lương trả cho tôi phải trên trời, đãi ngộ dành cho tôi phải hậu hĩnh, thiếu điều nghĩ công ty phải trải thảm đỏ mời vô. Đa số sinh viên Việt Nam ra trường không hiểu được cái chuyện là những gì được dạy trong trường học Việt Nam gần như không hữu dụng trong môi trường việc làm. Và đa số cũng không hề hiểu rằng bước ra ngoài đi làm cần nhiều lắm những kĩ năng mềm mà họ hoàn toàn không có khái niệm.

Người trẻ bây giờ, lắm kẻ chẳng được tích sự gì! - Ảnh 1.

Thành ra nếu như bạn đã chăm chỉ học tập, vậy thì tốt, bạn đã có vé vào cổng! Nhưng làm ơn im lặng, cúi cái đầu xuống, hiểu rằng mình đang là một lũ vô tích sự, phải sẵn sàng xin được dạy bảo cho dù bằng lời cay nghiệt nhất, khiêm tốn mà biết rằng bản thân còn lắm yếu kém và có cả ngàn thứ cần phải học hỏi! Sống ở đời, dù đã đi làm năm ba chục năm vẫn phải học hỏi từng ngày nếu không sẽ bị đào thải ngay, vậy thì cái đứa chân ướt chân ráo vào đời như bạn đã muốn ở trên ai?

Người trẻ lại có thêm một thành phần thế này, bước ra đời rồi, đi làm được dăm ba bữa, bốn bảy nơi rồi, đạt được chút ít thành quả rồi, thì bắt đầu tin vào quyền năng ghê gớm của bản thân. Bắt đầu cảm thấy mình không thèm làm những thứ nhỏ mọn tầm thường, nhặt tiền lẻ, mà phải làm những cái gì lớn lao vĩ đại, hốt cả rương tiền thôi cơ. Đi cà phê với bạn bè thì chém gió bạt mạng, lên facebook thì thể hiện phô trương. Nhưng kì thực thì họ gặp rất nhiều vấn đề về tư chất. Việc nhỏ thì quá lười để làm, việc lớn thì hét giá trên trời. Kĩ năng không nâng cấp lên, bấy nhiêu đó dùng hoài. Lại quá lười biếng để rèn luyện, nghĩ rằng mình vậy đủ rồi.

Người trẻ bây giờ, lắm kẻ chẳng được tích sự gì! - Ảnh 2.

Một số kẻ lại ám ảnh với cái gọi là "thương hiệu cá nhân", thể hiện bằng số fan trên Facebook. Thế là dùng tất cả năng lượng để tô vẽ sống ảo. Đây chính là một lũ ăn diện đẹp đẽ, thở ra những lời cao sang, nhưng thực chất trên thị trường việc làm lại đang bị những người sử dụng nhân lực xem là vô tích sự. Họ không hiểu là mình đang ở vào vị thế rất nguy hiểm.

Các nhà tuyển dụng thường rất ngại dùng họ. Vì sao? Có một sự thật là người ta thường thích tuyển những người có kĩ năng nhưng còn non một chút, vì họ dễ uốn nắn tư tưởng, lại rất chịu cố gắng. Hoặc không người ta sẽ tuyển một người lão làng, vừa có kĩ năng vừa có bản lĩnh, để có thể dùng tư duy người đó dẫn dắt công ty mình đổi mới. Còn thành phần có một ít kĩ năng, một ít kinh nghiệm chính là cái lũ ảo tưởng nhất, lười biếng nhất, khó uốn nắn tư tưởng nhất, lại chẳng có đủ bản lĩnh để mang đến những thay đổi mang tính cách mạng. Thành ra, bước ra đời, đừng bao giờ nghĩ rằng mình là hàng hiếm, là giá trị. Ai cũng có thể bị thay thế. Thế giới không vì thiếu ai mà diệt vong. Đừng ảo tưởng về mình. Ngậm miệng lại mà hoàn thành từng việc nhỏ. Chăm chỉ rèn luyện kĩ năng mỗi ngày. Luôn học thêm, và xác định rằng mình phải học cho đến chết, không có cái chuyện ai là đủ giỏi rồi! Hãy biết khiêm tốn và không ngừng cố gắng!

Người trẻ bây giờ, lắm kẻ chẳng được tích sự gì! - Ảnh 3.

Bất kì ai không hiểu được điều này, đều sẽ chỉ mãi mãi đứng ở một vị trí, không bao giờ phát triển lên nữa. Mà đâu đã yên thân, không sớm thì muộn, sóng cao dồn sóng trước, sẽ nhanh chóng bị đào thải thôi!

Không biết cách làm việc!

Đừng cố phủ nhận thực tế này, một đám đông người trẻ đang không hiểu thế nào là làm việc! Mặc dù lúc nào cũng có vẻ như là muốn được trao cho cơ hội, nhưng kì thực khi được giao cho bất kì công việc nào cũng đều không thể làm cho ra tấm ra món. Cũng không phải là do yếu kém hay thiếu khả năng, nhưng kết quả lúc nào cũng là dở dở ương ương, tệ hơn là chỉ đáng vứt sọt rác. Vì sao?

Trong khi làm việc, họ luôn quằn quại trước những khó khăn, trở ngại. Họ không hiểu giải quyết khó khăn chính là thăng tiến. Người ta giao cho bạn một việc, không phải chỉ là làm cái công việc đó, mà chính là giải quyết 1000 thứ trên đường đi đến chỗ hoàn thành cái việc đó. Sếp cần bạn báo cáo tình hình, nhưng người ta bỏ tiền ra thuê bạn chính là muốn biết bạn sẽ giải quyết cái "tình hình" đó như thế nào? Hơn hay thua nằm ở đây! Vậy mà đám đông này chỉ than thở, kể lể, khóc lóc, bắt đền. Rồi bỏ cuộc!

Thêm nữa, người trẻ không tập trung cho công việc. Họ cà phê cà pháo, tám chuyện facebook, lo việc bao đồng, đứng núi này trông núi nọ, hoặc quá bận rộn sống ảo. Không bao giờ biết đặt thứ tự ưu tiên, không bao giờ biết dồn hết tâm sức vào điều gì quan trọng. Thành ra kết quả không bao giờ tốt, chứ chưa cần nói đến xuất sắc.

Người trẻ bây giờ, lắm kẻ chẳng được tích sự gì! - Ảnh 4.

Những người tuyển dụng có kinh nghiệm không bao giờ dám tuyển những người có facebook quá "bận rộn". Bởi hơn ai hết họ hiểu cái đám suốt ngày lên mạng xã hội kể lể đang làm cái này cái kia, việc lu bù tối mặt tối mày, chính là cái bọn vô tích sự nhất! Nhiều người trẻ thường hiểu sai cái gọi là dùng facebook để quảng cáo bản thân. Chỉ nên post thành quả, đó là cái người ta thực sự có thể đánh giá bạn, và biết rằng bạn đã thực sự làm việc. Đừng kể lể bận này bận kia. Nếu bận quá thì thời gian đâu mà viết status?

Rất nhiều người trẻ còn có một cái bệnh, đó là suy nghĩ quá nhiều về giá trị bản thân cùng các đề tài triết học cao siêu vô hình khác. Suốt ngày cứ lải nhải tôi là ai tôi là ai tôi là ai? Cuồng loạn chạy theo Haruki Murakami mặc dù hiểu ông viết gì chết liền! Thực ra đây là giai đoạn mà ai cũng trải qua, ở vào tuổi dậy thì, khi bắt đầu tìm kiếm con đường trưởng thành. Nhưng có cảm giác nhiều người trẻ không thể kết thúc nổi tuổi dậy thì của họ.

Lúc nào cũng quằn quại suy tư những câu hỏi triết học cao siêu về thế thái nhân tình. Cho rằng đó là sâu sắc, đó là lẽ sống. Thực ra, tư duy là tiến bộ. Nhưng đặc điểm của số người này là bận suy tư đến mức không thể làm gì cho nên hồn, không thể làm gì cho nó xong. Họ suy nghĩ mà không hành động. Thả hồn ở nơi đâu không biết. Suốt ngày ì ạch. Không chịu hành động mà chỉ thích ngồi một chỗ nói chuyện cao siêu. Đám này thường lừa được người khác vì nói hay lắm, nhưng chỉ cần nhử cho một đầu việc nho nhỏ, đảm bảo lòi ngay cái đuôi vô dụng!

Nói chung lại, cái mà người trẻ bây giờ cần nhất chính là thôi hãy băn khoăn trăn trở "Tôi là ai rồi Người kia là ai đi", để làm cái gì? Thôi kể lể thở than, thôi đứng núi này trông núi nọ, thôi ảo tưởng mình tài giỏi. Cứ im lặng vào mà sống cho tốt một ngày, làm cho tốt một việc đi! Hiểu biết, thành công, thăng tiến hay tiền tài, tự khắc sẽ là món quà kèm theo!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày