Người thực sự tài giỏi: Luôn bắt đầu với việc khó, thành công nhờ kiên trì

Vương tiên sinh, Theo Báo Dân Sinh 16:22 22/06/2020

Việc khó làm, sẽ dễ thành công --- Trích trong “Talmud” – cuốn sách mà bất cứ người Do Thái nào cũng phải đọc.

"Giữa một việc vô cùng khó khăn, phải cần tới chín chín tám mốt kiếp nạn mới có thể thành công và một việc khác, khá đơn giản, mỗi ngày chỉ cần lặp đi lặp lại làm là được, bạn không những có thể giải quyết được vấn đề sinh hoạt, lại còn có thời gian đi du lịch đây đó. Bạn sẽ lựa chọn việc nào?"

Có một người đã đặt ra một câu hỏi như này trên mạng xã hội, và điều bất ngờ đó là, có tới 85% người lựa chọn công việc sau. Nguyên nhân là bởi: Việc trước rủi ro cao nhưng chưa chắc đã thành công; còn công việc sau lại không tiềm tàng rủi ro.

Đúng vậy, đối với những người đi làm mà nói, lựa chọn thứ ổn định, ít rủi ro là điều rất dễ hiểu. Nhưng nếu như ai cũng lựa chọn như vậy, con đường đó không phải là sẽ rất đông người, thậm chí có khi sẽ phải rơi vào cảnh tắc đường thường xuyên, dẫn tới hậu quả là sớm bị đào thải hay sao? Còn lựa chọn con đường kia, trông thì khó, chưa chắc đã thành công, nhưng người đi đường lại ít, xác suất thành công cũng sẽ cao hơn.

Cá nhân tôi cho rằng, lựa chọn việc mình quen và giỏi là đúng, nhưng bạn cũng cần không ngừng ưu việt hóa và làm mới cái phương diện quen thuộc và giỏi của mình, không thể cứ dừng lại mãi ở vùng thoải mái, cần phải không ngừng thử thách mình ở phương diện mà bạn cho là giỏi và quen thuộc đó, tới khi đó, bạn mới thực sự được gọi là chuyên gia.

Chẳng hạn, ở công ty, sếp giao cho bạn một công việc đơn giản và lặp lại, khi mới bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, đời người thật dễ dàng. Nhưng nếu bạn cứ như vậy an ổn, không tự mình điều chỉnh lại, không học hỏi các nghiệp vụ khác, thời gian lâu dần, ý chí phấn đấu của bạn sẽ dần biến mất, nhiệt huyết cũng dần dần phai nhạt đi. Lúc này, bạn có muốn trưởng thành thì thời cũng sớm đã không đợi người nữa rồi. Thậm chí có những người còn không nhận thức được rằng trước giờ mình luôn ở trong vùng thoải mái, thỉnh thoảng phải bước vào một nhiệm vụ mang tính cạnh tranh nào đó liền sẽ cảm thấy rất không an tâm, cuối cùng, lại quay trở lại vùng thoải mái đó. Nếu sếp giao cho bạn một công việc đầy thách thức vào thời điểm này, bạn sẽ nghi ngờ liệu khả năng của mình có đủ năng lực hay không, và bạn sẽ không yên tâm vì bạn chưa tự mình hoàn thành một dự án lớn bao giờ…

Người thực sự tài giỏi: Luôn bắt đầu với việc khó, thành công nhờ kiên trì - Ảnh 1.

Ở nơi làm việc, người tài giỏi thực sự đều bắt đầu với việc khó, và thành công nhờ kiên trì. Vì sao ư? Nguyên nhân có 3 điều:

1. Bước ra khỏi vùng thoải mái, lựa chọn việc khó, tỷ lệ thành công của bạn sẽ luôn lớn hơn những người bên cạnh

Vài ngày trước, tôi có đọc được một CV của một bạn trong một group việc làm. Sau khi đọc xong CV tôi đã cảm thấy có gì đó quen quen, phát hiện ra đó chính là một ứng cử viên mình biết 10 năm trước. Khi đó, là một người làm trong lĩnh vực săn đầu người, tôi đã phải tốn rất nhiều công sức để khai thác đối phương giúp anh ta phát triển, nhưng kết cục đã thất bại, còn hiện tại, anh ta lại tự mình đăng CV lên nhờ người khác tìm giúp cho mình công việc, đáng tiếc là lại không có một lượt tương tác nào dưới bài viết đó của anh ta. Lúc đó tôi nghĩ, thời điểm đó, nếu anh ta dám thử thách mình hơn, bước ra khỏi phòng thiết kế, dám nhận dự án, có lẽ giờ anh ta đã là một giám đốc dự án hoặc tổng giám đốc của công ty. Bạn cần biết: nhiều dự án của các công ty bất động sản luôn có sự xuất hiện của giám đốc công trình hoặc giám đốc thiết kế, vì vậy, không khó để tưởng tượng người này đã bỏ lỡ mất những gì.

Nói về trường hợp này là muốn khuyên các bạn một điều rằng: ở nơi làm việc, nếu kiên trì không ngừng chỉ làm những việc mình giỏi, tất nhiên nó sẽ rất thoải mái, nhưng chỉ cần thị trường xảy ra hay đổi, vậy thì sự thoải mái của bạn rất dễ biến thành đau khổ. Vì vậy, đừng dậm chân tại vùng thoải mái của mình, vào một lúc thích hợp, có thể lựa chọn thử thách, chỉ có thách thức mới thay đổi được bản thân.

Còn một ví dụ khác, có một người 10 năm trước được nhận vào vị trí lập trình cho một công ty, thu nhập cao, phúc lợi tốt, có nghỉ phép, thỉnh thoảng vi vu khắp nơi, cuộc sống đúng kiểu "con nhà người ta"; 10 năm sau, anh ấy vẫn là kĩ thuật viên của công ty, thu nhập ổn định, không giàu hơn người này những cũng chẳng nghèo kém người kia. Đáng tiếc là, sau Tết, các công ty Internet đồng loạt cắt giảm nhân viên, anh ấy chính là một trong số đó, dù nhận được một khoản bồi thường kha khá, nhưng sau đó liên tiếp mấy tháng, anh cũng không tìm được cho mình một mức lương cao như kì vọng.

Thị trường biến đổi rất nhanh, người đi làm chỉ cần mất cảnh giác một chút thôi là sẽ bị vả vào mặt rất lạnh lùng. Vì vậy, bất kể là ai, khi đã đi làm, thì luôn cần phải không ngừng nâng cao, rèn dũa bản thân để thích nghi với sự biến hóa của thị trường, kéo dài thời gian mình bị thị trường vứt bỏ.

Người thực sự tài giỏi: Luôn bắt đầu với việc khó, thành công nhờ kiên trì - Ảnh 2.

2. Con đường thành công không đông đúc, tấp nập, bởi lẽ người kiên trì được có rất ít

Khoảng 5 năm trước, bạn có thể phát hiện ra những người tham gia vào truyền thông cá nhân, chẳng hạn như blog là rất nhiều. Nhưng 5 năm sau, còn bao nhiêu người có thể kiên trì. Nguyên nhân rất đơn giản: kiên trì vài tháng hoặc 1 năm, không kiếm được tiền nên bỏ cuộc; lãng phí thời gian mất nhiều công sức; không tạo ra được đột phá nên bỏ… 5 năm trước, tôi có quen một người bạn cũng làm lĩnh vực này, cậu ấy nói với tôi rằng, kiên trì 1 năm rồi nhưng vẫn không có thu nhập, làm sao bây giờ? Tôi nói với cậu ấy rằng hãy kiên trì. Cậu ấy bảo rằng tiền không kiếm được kiên trì cái nỗi gì.

3 năm trước, tiktok vẫn chưa hot, một vài người chơi tiktok, cảm thấy không kiếm được tiền nên đã từ bỏ, còn bây giờ muốn bắt đầu lại từ đầu thì đã muộn.

Ở nơi làm việc, những ví dụ như vậy là quá nhiều. Hầu hết mọi người đều muốn kiếm tiền nhanh, chỉ cần chậm hoặc mất quá nhiều thời gian là sẽ cho rằng không kiếm được tiền, và kết quả là từ bỏ. Chỉ có những người kiên trì tới cùng, mới có thể gặt hái được thành quả.

Cá nhân tôi cho rằng: bất kể bạn có làm cái gì, cũng đừng vội vàng, cứ từ từ, kiên trì, rồi bạn nhất định sẽ thành công. Trong quá trình kiên trì, bạn có thể sẽ gặp đủ các thể loại người: có người không ngừng công kích bạn, có người ăn cơm rau nói chuyện thế giới cười nhạo bạn, có người trước khi lâm trận lại từ bỏ… chỉ còn mình bạn là đang kiên trì, nhưng trên con đường cạnh tranh, người càng ít đi, nghĩa là cơ hội thành công cho bạn càng nhiều. Vì vậy, bạn chỉ cần lơ đi con mắt của người đời, sự chế nhạo ác ý, rồi cuối cùng, bạn sẽ tìm được mảng thiên hạ của mình.

Người thực sự tài giỏi: Luôn bắt đầu với việc khó, thành công nhờ kiên trì - Ảnh 3.

3. Vội vàng thỏa mãn dục vọng mà quên mất đi lý tưởng ban đầu

Đứng trước mặt dục vọng và lý tưởng, rất nhiều người sẽ từ bỏ lý tưởng để lựa chọn dục vọng. Bởi lẽ lý tưởng không đáng tiền, và còn rất khó thành công.

Cái gọi là lựa chọn dục vọng, ý muốn nói không cưỡng lại được cám dỗ, không ngừng đi thỏa mãn mong muốn của cảm quan và sự hưởng thụ về tinh thần mà bỏ qua sự trưởng thành của nội tâm.

Để chứng minh sự khác biệt giữa dục vọng và lý tưởng, tôi đã làm một thí nghiệm như sau: cuối tuần không làm gì, chỉ nằm lười biếng lướt tiktok trong vòng 10 tiếng đồng hồ, lúc ăn cơm cũng lướt, đến lúc đi ngủ mà trong mơ vẫn hiện lên hai chữ tiktok…

Thông qua 10 tiếng thử nghiệm này, tôi phát hiện ra một vấn đề rằng, có những clip khá vui vẻ ở một mức độ nào đó kích thích cảm quan của chúng ta, khiến chúng ta cười, nhưng kết quả đổi lại lại chỉ là một bầu trời trống rỗng, không thu được bất cứ lợi ích gì.

Điều tôi muốn nói với các bạn ở đây là: dục vọng và cám dỗ là một tảng đá lớn cản bước ta trên con đường vươn tới lý tưởng, nếu muốn thực hiện được lý tưởng, trước tiên, bạn bắt buộc phải dọn hòn đá lớn này đi.

Lời kết: 

Suy cho cùng, người thất bại, là người lựa chọn ở trong vùng thoải mái; còn người thành công đều bắt đầu với chuyện khó và thành công nhờ kiên trì.