Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/02/2019
Chia sẻ

Để có một chiếc bánh chưng, bánh tét thơm ngon, đậm hương vị Tết, người dân mất khoảng 12 tiếng ngồi bên bếp lửa. Mặc dù mệt nhưng ai cũng phấn khởi vì cảm nhận được không khí Tết ấm áp hơn bao giờ hết.

Bếp lửa hồng bên vỉa hè Sài Gòn ngày cuối năm

Cứ đến 28 – 29 Tết, các hộ dân dọc con đường Trần Văn Dư (quận Tân Bình, TP. HCM) lại nhộn nhịp với công việc nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết. Những ngày cuối năm này chúng tôi được có cơ hội trải nghiệm cùng bà con trắng đêm bên bếp lửa hồng canh từng nồi bánh.

Từ trưa và chiều, ai cũng tất bật từ việc vo nếp, rửa lá dong, gói bánh, nhóm lửa rồi đến tối canh thay nước bánh, canh lửa,... Nếu tính ra, tất cả các công đoạn trên mất khoản 1 ngày mới ra được những chiếc bánh thơm ngon, thấm đẫm hương vị Tết.

Nồi bánh chưng, bánh tét vẫn đỏ lửa dù đã đến nửa đêm.

Mỗi nhà gói ít nhất cũng 20 chục chiếc bánh, nếu nhà nào có đông anh em họ hàng thì gói cả trăm chiếc bánh. Hầu hết người dân nấu bánh chưng, bánh tét để cho cả nhà thưởng thức hoặc mang biếu người thân bạn bè gần xa, chứ ít khi bán.

Thời điểm đồng hồ bước sáng 1h sáng, bếp lửa vẫn cháy âm ỉ bên vỉa hè, nồi bánh chưng, bánh tét sôi ùng ục phà hơi nước, cạnh đó là cả gia đình cùng nhau ngồi chờ bánh chín. Thỉnh thoảng cùng chơi ván bài để giết thời gian trong lúc ngồi canh nồi bánh.

Gia đình cô Hoàng (53 tuổi), gồm 4 người thức trắng đêm nấu bánh với không khí cười nói nhộn nhịp. Những ánh mắt nụ cười của các thành viên trong gia đình cô Hồng bên bếp lửa làm chúng tôi cảm nhận được không khí Tết ấm áp hơn bao giờ hết. 

Không khí nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết khắp các con hẻm trên đường Trần Văn Dư (quận Tân Bình) .

Cô Hoàng bảo, năm nào cứ đến những ngày này gia đình cô cũng tất bật nấu bánh chưng, bánh Tét đón Tết. Cô cũng tự hào khoe: "Nồi bánh này gần 100 chiếc và hầu hết đều do 2 đứa con tôi gói đó. Gia đình tôi từ già đến trẻ ai cũng gói bánh được vì có truyền thống rồi".

Với gần 100 chiếc bánh được gói cho dịp Tết này, gia đình cô bắt đầu cho việc nấu bánh từ trước 12h trưa ngày 28 tháng Chạp. Đến khoảng chiều tối thì bắt đầu nhóm lửa bên vỉa hè trước nhà, ít người qua lại để nấu bánh.

Cùng thời điểm, khu vực này cũng có khoảng hơn chục nồi bánh chưng, bánh tét cũng đang trên bếp lửa. Hầu hết củi nấu bánh đều được góp nhặt, dành dụm từ những đợt công ty cây xanh đi chặt cành cây khô ngoài đường phố.

Năm nay cô Lợi nấu hàng chục chiếc bánh chưng và bánh tét trong ngày 28 và 29 Tết. 

Gần nhà cô Hoàng, nhà cô Lợi (50 tuổi) cũng nhộn nhịp bên nồi bánh ngày cuối năm. Cô Lợi chia sẻ, năm nay gia đình cô gói hàng chục chiếc bánh để ăn Tết và làm quà biếu, nếu ai đặt mua thì bán. Đặc biệt, tất cả bánh chưng, bánh tét đều được các con và cháu của cô gói và họ là những bạn trẻ vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường nhưng rất khéo tay.

Nấu bánh để cảm nhận hương vị Tết, con cháu tiếp nối truyền thống cha ông dù là ở thị thành

Được biết, các gia đình còn giữ truyền thống nấu bánh chưng, bánh tét đều là người dân có quê ở miền Bắc và Trung vào Sài Gòn sinh sống từ hàng chục năm năm nay. Nồi bánh chưng, bánh tét ngày Tết cũng là dịp để họ nhớ về tổ tiên, nguồn cội, nhớ về những ngày xưa bên bếp lửa hồng đêm giao thừa nơi quê nhà.

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 4.

Để chờ bánh chín, cả gia đình cô Hoàng ngồi quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ, cảm nhận không khí Tết.

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 5.

Nồi bánh chưng, bánh tét phả hơi nước cùng mùi thơm của nếp như mùi thơm của mùa xuân.

"Nấu bánh thì nấu nhiều vậy thôi con ơi, chứ ăn không bao nhiêu đâu, chủ yếu biếu người thân trong dòng họ. Hơn nữa, việc nấu bánh chưng, bánh tét để cảm nhận được không khí ngày Tết ấp ám và ý nghĩa hơn. Nồi bánh trên bếp lửa hồng cũng là dịp để gia đình ngồi quây quần ấm cúng hơn. Đặc biệt nữa là muốn con cháu tiếp nối được truyền thống của ông bà để lại, không được để việc nấu bánh chưng, bánh tét cổ truyền mai một dần", cô Hoàng chia sẻ.

Theo cô Hoàng, cô có 2 đứa con (1 trai, 1 gái) vẫn còn trẻ và hy vọng sau này lập gia đình chúng sẽ tiếp tục truyền lại cách gói và nấu bánh cho thế hệ sau.

Như lời cô Hoàng chia sẻ, nếu đi dọc khu đường Trần Văn Dư (quận Tân Bình) thì đều nhận thấy những gia đình ở đây đều có truyền thống nấu bánh chưng, bánh tét mỗi dịp tiếp. Từ già đến trẻ đều khá thành thạo trong việc gói và nấu bánh. Đó là nét đẹp, một sự trân trọng đối với ông cha trong việc tiếp nối nồi bánh truyền thống ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 6.

Sau khoảng 12 tiếng trên bếp lửa, nồi bánh chưng 100 chiếc bánh cũng chín, cô Hoàng dùng nước để dập lửa rồi mới vớt bánh.

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 7.

Chồng của cô Hoàng soi đèn để vớt bánh ra khỏi nồi.

Gia đình cô Lợi có quê gốc ở Nghệ An, từ khi vào Sài Gòn mưu sinh và chọn mảnh đất này là quê hương thứ 2 thì cô bắt đầu nấu bánh chưng, bánh tét như ở quê nhà vào ngày Tết. Hiện tại, gia đình cô Lợi đã có 10 năm nấu bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn.

Mỗi người được phân công mỗi công đoạn để đỡ vất vả, nếu như các con cô cùng nhau gói bánh thì cô ngồi canh lửa rồi trở bánh. Về đêm, trời se lạnh và hơi mệt mỏi vì thức khuya nhưng gia đình cô vẫn ngập tràn tiếng cười nói bên nồi bánh ngày cuối năm.

Đến hơn 2h sáng, bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét vẫn còn đỏ hồng tại một số gia đình. Có nhà đã vớt bánh và cắt bánh thưởng thức thử hương vị đầu tiên. Và khi may mắn được nếm thử bánh chưng, bánh tét sau khi vừa vớt khỏi nồi khiến chúng tôi cảm thấy bồi hồi, khi mùi thơm chiếc bánh làm hương vị Tết càng đậm đà và ý nghĩa hơn.

Cả gia đình sum họp bên nồi bánh chưng, bánh tét ngày Tết thật ấm áp. Mỗi người một công đoạn như rửa, rồi xếp bánh, ép cho nước chảy ra ngoài. 

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 9.

Cùng thời điểm đó, một số gia đình khác cũng bắt đầu vớt bánh sau khi bánh đã chín.

Cắt bánh chưng nếm thử hương vị đầu tiên sau khi vừa lấy ra khỏi nồi. Mùi thơm của nếp, nhân bánh là thịt heo, hành được chọn lọc kỹ càng để hoà quyện làm chiếc bánh ngon hơn. 

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 11.

Gia đình cô Lợi nấu thêm bánh chưng nữa sau khi đã nấu xong 1 nồi.

Người Sài Gòn trắng đêm bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết Kỷ Hợi 2019 - Ảnh 12.

Gần đó, một số bạn trẻ cũng đang chờ bánh chưng chín dù lúc này đã gần 2h sáng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày