Tình hình mưa lũ kéo dài và phức tạp những ngày qua ở khu vực các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiều địa phương thiệt hại nặng nề, đặc biệt đe doạ đến không chỉ tài sản mà là cả tính mạng của người dân. Rất nhiều địa phương gần như bị cô lập trong biển nước mênh mông, thậm chí không thể phát tín hiệu cầu cứu và cũng rất khó để lực lượng chức năng có thể tiếp cận.
Nhận thấy tình hình khó khăn này, chị Phan Phương Châm (Thuỵ Khuê, Tây Hồ) cùng những người bạn đồng hành của mình từ công ty Việt-Flycam (Hà Nội) đã có ý tưởng đặc biệt - đưa những chiếc flycam vốn chỉ được dùng trong quay chụp hay khảo sát địa hình vào việc ứng cứu người dân vùng lũ
Clip: Độc đáo dùng drone hỗ trợ cho người dân vùng lũ (Nguồn: Viet-flycam)
Chia sẻ với chúng tôi, chị Châm cho biết, sau khi xem những đoạn video, tin tức về tình hình người dân vùng lũ bị cô lập những ngày qua trên mạng xã hội, chị đã nảy ra ý tưởng sử dụng flycam để hỗ trợ.
Nghĩ là làm. Sau khi bàn bạc cùng chồng và phía công ty Việt-Flycam, chị đã lập tức kêu gọi sự đóng góp hàng cứu trợ từ những người xung quanh.
“Bên mình có 15 chiếc flycam có thể tải được nhiều khối lượng khác nhau, có chiếc chở được 2kg, 7kg, 15kg, và thậm chí là 50kg. Đồng thời bên mình cũng hỗ trợ sử dụng camera kèm theo nhằm tìm kiếm người cần cứu hộ, cứu nạn.
Từ trước tới nay, vẫn luôn nghĩ flycam chỉ để làm phục vụ cho việc quay chụp hay khảo sát địa hình… nhưng dùng để cứu trợ như này thì là lần đầu tiên. Bây giờ thì tập hợp toàn bộ flycam về đây để hỗ trợ cứu hộ các địa bàn có vùng ngập lụt.” - Chị Châm cho hay.
Những chiếc flycam hiện đại với tính năng có thể cảm biến nhiệt người hay gia súc để phát hiện người gặp nạn ở những nơi địa hình phức tạp và đặc biệt là máy bay thả đồ cứu trợ có thể giúp ích rất nhiều cho người dân gặp nạn.
Chị Châm cũng chia sẻ, vào ngày 10/9, nhóm chị cũng đã chuyển vài trăm xuất quà ứng cứu cho các bà con vùng lũ tại Thái Nguyên. Sang đến hôm nay, ngày 11/9, nhóm chị sẽ tiếp tục di chuyển đến Chiêm Hoá (Tuyên Quang) - một trong những điểm ngập lụt nghiêm trọng khó có thể tiếp cận bên trong.
Quy trình cụ thể nhóm chị Châm thực hiện cụ thể như sau:
Đầu tiên cần phân loại các khu vực bị nước ngập theo thông tin từ chính quyền địa phương và flycam sẽ sử dụng cho các khu vực cano không thể đi tới. Thường thì khu vực này sẽ ở khá xa khu trung tâm và phải bay 2 - 7km.
Tất cả các flycam sẽ được trang bị hệ thống gắp - nhả đồ. Cần có đội ngũ hỗ trợ gói hàng và lắp hàng lên máy bay để có thể vận chuyển 25-30 gói hàng/giờ.
Phi công dùng camera và định vị lái tới các khu vực cần thả. Cố gắng thả vào sân hoặc chỗ khô ráo, dễ nhận đồ. Nên thả vật tư cứu trợ từ độ cao 20 - 80m tuỳ từng địa hình. Không cố hạ cánh xuống thấp vì sẽ rất nguy hiểm cho cả flycam và người dân phía dưới.
Khi làm việc buổi tối, cần chú ý tới những ánh đèn xoay tròn. Đó sẽ là nơi có người đang kêu cứu. Nên ưu tiên các hộ ở xa và đơn độc vì khả năng tiếp cận được cứu trọ của họ là thấp nhất.
Mỗi phần hàng cứu trợ bà con được flycam chở tới thường bao gồm những vật dụng cấp thiết để bảo vệ an toàn tính mạng cũng như sức khoẻ của bà con như áo phao, nước, thực phẩm…
“May mắn khi đến nơi đều được các cơ quan chức năng tạo điều kiện. Việc vận hành máy móc cũng không ảnh hưởng gì dù trời mưa, chỉ cần được đồng ý là bọn mình có thể cho flycam bay vào hỗ trợ kịp thời”
Theo chị Châm chia sẻ, hiện tại nhiều khu vực ở Tuyên Quang vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận cung cấp hàng cứu trợ, khắp nơi vẫn bị vây quanh bởi biển nước, không điện, không nước sạch và người gặp nạn cũng gần như khó có thể liên lạc với bên ngoài. Nhóm của chị Châm vẫn đang cố gắng hết sức nhằm hỗ trợ bà con một cách tối đa.