Theo Sohu, vào ngày 24/3/2023, truyền thông Trung Quốc lan truyền thông tin “Nữ khách hàng mua cốc cà phê 30 NDT nhưng chủ quán đòi bồi thường 3.000 NDT” thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhân vật chính trong sự việc này là cô Giang đến từ Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc.
Cô cho biết hôm đó là sáng cuối tuần nên ghé một quán cà phê để ngồi làm việc. Theo lời mô tả của nữ khách hàng hàng, quán có không gian yên tĩnh, giá đồ uống ở mức vừa phải. Cô lựa chọn một cốc cà phê có giá khoảng 30 NDT (hơn 100.000 đồng) và khá hài lòng với hương vị.
Sau khi hoàn thành công việc, cô Giang ra về. Trong lúc đó, không may, nữ khách hàng đánh đổ cốc cà phê khiến chiếc cốc sứ vỡ đôi. Ngay khi có tiếng động lớn, nhân viên cửa hàng đã có mặt và nhanh chóng thu dọn. Đồng thời, cô được yêu cầu phải bồi thường. Khi hỏi giá, cô ngỡ ngàng với thông tin nhân viên cung cấp về giá trị của chiếc cốc này.
Theo đó, đây là chiếc cốc thuộc bộ đồ sứ của nhà mốt Hermès có giá 5.700 NDT. (hơn 19 triệu đồng). Vì cô Giang đánh vỡ 1 chiếc cốc trong set này nên chủ cửa hàng yêu cầu cô phải bồi thường số tiền 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng).
Nữ khách hàng tỏ thái độ không đồng tình với mức giá bồi thường mà cửa hàng đưa ra. Cô cho biết cà phê được đựng trong chiếc cốc có giá trị lớn nhưng quán lại không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho khách hàng. Nên trong tình huống này, lỗi một phần thuộc về cửa hàng. Thêm nữa, người phụ nữ này lập luận rằng, cô chẳng thế nào xác nhận được đây có phải là bộ ấm chén đến từ nhà mốt theo như lời của chủ cửa hàng đưa ra hay không.
Vì thế, tiền bồi thường cần được giảm xuống. Cô sẽ chỉ chấp nhận trả số tiền 1.500 NDT (khoảng 5 triệu đồng).
Trước lập luận của người phụ nữ này, chủ cửa hàng đã cho cô xem hóa đơn mua hàng. Đồng thời khẳng định, họ không chấp nhận mức giá bồi thường mà cô đưa ra.
Nhận thấy cuộc thương lượng không đạt được kết quả như ý muốn, chủ cửa hàng quyết định nhờ tòa án địa phương giải quyết. Trong phiên tòa xét xử, hai bên đều giữ vững quan điểm của mình và tranh luận vô cùng gay gắt.
Về phía khách hàng, cô Giang cho rằng bản thân không cố ý làm vỡ chiếc cốc. Người phụ nữ này nhấn mạnh vào việc nhân viên cửa hàng đã không đưa ra cảnh báo về chiếc cốc đắt đỏ này.
Trước lý lẽ trên, đại diện cửa hàng khăng khăng khẳng định với tư cách là khách hàng, cô Giang phải chịu trách nhiệm với rủi ro mình gây ra trong quá trình sử dụng sản phẩm tại quán.
Sau quá trình xem xét toàn bộ vụ việc, tòa án cho rằng tuy không cố ý gây ra hậu quả song cô Giang vẫn phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Đồng nghĩa, cô phải bồi thường cho cửa hàng.
Tuy nhiên, thẩm phán cho biết cửa hàng không hoàn toàn không có lỗi trong trường hợp này. Với một cơ sở sử dụng nhiều loại cốc chén đắt tiền, nhân viên cửa hàng cần hướng dẫn và ra cảnh báo với khách hàng. Nếu nhân viên cửa hàng không thực hiện nghĩa vụ này. Cửa hàng cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Sau cùng, tòa ra phán quyết cô Giang phải bồi thường trong trường hợp này là đúng. Tuy nhiên, số tiền cần chi trả chỉ là 1.500 NDT (khoảng 5 triệu đồng). Phần còn lại sẽ do chủ cửa hàng chịu trách nhiệm.
Cảm thấy không hài lòng với phán quyết của tòa án sơ thẩm, chủ cửa hàng này tiếp tục kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án cấp cao vẫn giữ nguyên bản án ban đầu.
Sau cùng, cả 2 bên chấp nhận và thi hành bản án cuối cùng. Ngay tại buổi làm việc ngày hôm đó, cô Giang đã bồi thường số tiền theo yêu cầu.
Về nhà, cô còn chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm của người dùng mạng. Nhiều người cho rằng cô đã may mắn khi được tòa án địa phương hỗ trợ. Bởi nếu không, cô sẽ phải bồi thường số tiền khá lớn.
Theo Sohu