Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 35 tỷ đồng rồi nhận lãi trước, 12 ngày sau số dư còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: "Ngân hàng phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng"

Ánh Lê, Theo Đời sống & Pháp luật 18:56 27/11/2024
Chia sẻ

Gửi hơn 10 triệu NDT vào ngân hàng, người phụ nữ Trung Quốc tá hỏa khi số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm bỗng không còn đồng nào.

10 triệu NDT “không cánh mà bay”

Tháng 8 năm 2016, chị Lý ở quận Thiên Hà, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đến một ngân hàng trên địa bàn để rút 10 triệu NDT ( hơn 35 tỷ đồng) tiền tiết kiệm. Sau khi kiểm tra thông tin, nhân viên ngân hàng cho biết số dư tài khoản của chị chỉ còn 0 đồng. Nghe vậy, người phụ nữ này vô cùng hoảng hốt, lập tức yêu cầu nhân viên cho xem sao kê để biết tiền của mình đã đi đâu.

Theo đó, 10 triệu NDT của chị Lý đã được chuyển đi trong 5 ngày từ 29/4 đến ngày 3/5/2016. Điều đó có nghĩa là khoảng 12 ngày sau khi gửi tiết kiệm, 10 triệu NDT của chị đã hoàn toàn biến mất. Hơn nữa, tần suất chuyển tiền dày đặc đến mức chỉ tính riêng ngày 29/4, đã có 81 chuyển tiền từ tài khoản của người này. Số tiền bị chuyển đi là hơn 4 triệu NDT (hơn 14 tỷ đồng). 4 ngày tiếp theo, 6 triệu NDT (hơn 21 tỷ đồng) còn lại cũng được chia thành 120 lần chuyển tiền. Điều khiến chị Lý khó tin nhất là tài khoản nhận số tiền là một công ty mà chị chưa từng nghe qua.

- "Tại sao tiền của tôi lại được chuyển đến họ, tôi hoàn toàn không biết công ty này?", chị Lý hoang mang nói.

Nhân viên ngân hàng nghe vậy thì tỏ ra bối rối: "Theo dữ liệu trên hệ thống, đây là những hoạt động chuyển khoản bình thường. Chị có quên giao dịch quan trọng nào không?"

Chị Lý lắc đầu: "Tuyệt đối không thể! Làm sao tôi chuyển tiền đi mà tôi lại không nhớ chứ. Hơn nữa, những giao dịch trên đều không phải do tôi thực hiện. Tại sao tiền của tôi bị chuyển đi mà tôi lại không biết?”

Nhân viên nghe vậy liền kiểm tra hệ thống và trả lời: "Chị Lý, tài khoản của chị chưa đăng ký dịch vụ sms banking thông qua tin nhắn.”

"Cái gì, tôi nhớ rất rõ là khi mở tài khoản, tôi đã đăng ký tính năng này rồi cơ mà!", chị Lý tiếp lời.

Nhân viên ngân hàng liền lắc lắc đầu: "Xin lỗi chị, hệ thống của chúng tôi không ghi nhận điều này, chứng tỏ chị chưa từng đăng ký dịch vụ trên."

Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 35 tỷ đồng rồi nhận lãi trước, 12 ngày sau số dư còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: "Ngân hàng phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Nghe vậy, chị Lý cố gắng nhớ lại ngày chị đi gửi tiền. Vào tháng 4/2016, chị đến ngân hàng này và gửi tiết kiệm 10 triệu NDT tiền mặt theo lời giới thiệu của người bạn mình là anh Vi - một chuyên gia tài chính. Người này cho biết khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng này trong nửa năm, chị Lý sẽ nhận được một khoản tiền lãi lớn ngay sau khi mở tài khoản tiết kiệm. Vì gửi số tiền lớn nên người phụ nữ này được nhân viên ngân hàng mời vào phòng VIP để trao đổi. Trước sự tư vấn nồng nhiệt của nhân viên, chị không yêu cầu kích hoạt ngân hàng trực tuyến nhưng nhắc họ phải đăng ký dịch vụ SMS banking cho mình.

"Với số lượng tiền gửi lớn như vậy, tôi cần phải theo dõi nó cẩn thận", chị nói.

Quả đúng như lời của anh Vi, sau khi mở tài khoản được vài ngày, chị Lý nhận được 620.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng) tiền lãi. Vài tháng sau đó, chị Lý ra nước ngoài công tác. Khi trở về nước, chị lập tức đến ngân hàng rút tiền thì sự việc như trên xảy ra. Ngay sau đó, người phụ nữ này yêu cầu được gặp quản lý của ngân hàng để làm rõ vụ việc.

Sau khi xem xét trường hợp của chị Lý, anh Phùng - Giám đốc ngân hàng nói trên cho biết những giao dịch chuyển tiền trong tài khoản của chị đều là những thao tác chuyển khoản bình thường. Mỗi giao dịch đều có giấy ủy quyền.

- "Sao lại có giấy ủy quyền? Tôi chưa bao giờ ủy quyền cho ai cả ?", chị Lý nói.

Nghe vậy, giám đốc Phùng đưa ra một xấp giấy ủy quyền có tên và chữ kỹ của chị Lý. Nội dung trong đó nói rõ việc chuyển tiền đã có sự đồng ý của chị Lý. Người phụ nữ này cầm số giấy tờ trên lên là xem xét cẩn thận rồi cho biết: "Đây không phải là chữ ký của tôi."

Vẻ mặt của giám đốc Phùng lúc này bỗng trở nên nghiêm túc: "Ý chị là có người giả mạo chữ ký của chị?"

Chị Lý giật đầu: "Đúng vậy, chắc chắn là giả mạo".

Giám đốc Phùng suy nghĩ một lúc rồi nói: "Nếu đúng như vậy thì rất có thể chị đã bị lừa. Chị có tiết lộ thông tin tài khoản của mình cho người khác không?"

Nghe vậy, chị Lý tức giận nói: “Anh đang đổ lỗi cho tôi đấy à?”

Anh Phùng vội giải thích: “Chị hiểu lầm rồi. Ngân hàng chúng tôi luôn bảo vệ tiền và quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khách hàng để lộ thông tin tài khoản, tạo điều kiện cho kẻ xấu chiếm đoạt tài sản. Nếu trường hợp của chị cũng như vậy thì việc mất tiền quả thực không liên quan đến chúng tôi.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 35 tỷ đồng rồi nhận lãi trước, 12 ngày sau số dư còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: "Ngân hàng phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sohu

Cho rằng ngân hàng đang trốn tránh trách nhiệm, chị Lý quyết định báo sự việc cho cảnh sát địa phương, đồng thời kiện ngân hàng này ra Tòa án quận Thiên Hà để đòi lại tiền cho mình.

Phán quyết của tòa

Trong phiên tòa, chị Lý đã có cuộc đối đầu gay gắt với đại diện ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu rõ mọi chuyện, phía ngân hàng cho biết, gói gửi tiết kiệm nhận lãi trước mà chị Lý đề cập đến không tồn tại. Có chăng thì đây là thỏa thuận giữa người phụ nữ này và bạn mình là anh Vi. 

Cũng từ đây, cảnh sát địa phương phát hiện ra rằng nhân vật họ Vi mà chị Lý nhắc đến có liên quan đến một số vụ án lừa đảo diễn ra trong thời gian gần đó. Người này đã cùng với đối tượng họ Tăng - chủ của một công ty ở Hồ Nam và một người họ Vương đã “bắt tay” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi ngân hàng của nhiều người. Chị Lý là một trong số đó.

Cụ thể, theo cảnh sát, 2 đối tượng họ Tăng và họ Vương đã khai rằng họ trực tiếp liên hệ với bên trung gian là anh Vi nhằm tung thông tin về các gói tiết kiệm lãi suất cao và được nhận lãi trước tại các ngân hàng để dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin. Những người này cứ nghĩ tiền của mình đã được gửi vào ngân hàng nhưng thực chất là tiền của họ đã được 2 đối tượng họ Tăng và họ Vương “vay”. Những ngân hàng mà nạn nhân gửi tiền vào cũng đã được 2 đối tượng trên nhắm sẵn. 

Hơn hết, thông qua những người trung gian như anh Vi, thông tin của những khách hàng này và tài khoản ngân hàng của họ cũng đã được những đối tượng này nắm rõ. Cứ như vậy, họ sẽ dùng những thông tin đó để ngụy tạo giấy ủy quyền và chuyển tiền sang tài khoản của công ty họ một cách hợp pháp.

Cảnh sát địa phương cũng cho biết với thủ đoạn trên, 3 đối tượng Vi, Tăng và Vương đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo tương tự với các ngân hàng ở Bắc Kinh, Nam Kinh và Quảng Châu. Số tiền lừa đảo liên quan đến đường dây 3 người này đã vượt quá 100 triệu NDT (hơn 350 tỷ đồng).

Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 35 tỷ đồng rồi nhận lãi trước, 12 ngày sau số dư còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: "Ngân hàng phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng"- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Sohu

Từ kết quả của phía cảnh sát, sau khi xem xét kỹ vụ việc, Tòa án quận Thiên Hà cho rằng chị Lý không có bằng chứng chứng minh ngân hàng có liên quan đến vụ việc trên nên đã bác bỏ yêu cầu đòi ngân hàng trả lại tiền của người phụ nữ này.

Tuy nhiên, chị Lý không đồng tình với phán quyết này nên đã kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn. Sau khi tiếp nhận vụ án, Tòa án nhân dân Quảng Châu cho rằng việc chị Lý gửi tiền vào ngân hàng có nghĩa là 2 bên đã có quan hệ hợp đồng và cho rằng ngân hàng với tư cách là một đơn vị tài chính cần phải có trách nghiệm bảo vệ tài sản cho khách hàng của mình. 

Hơn nữa, tiền trong tài khoản của người phụ nữ này đã bị chuyển liên tục nhưng ngân hàng trên hoàn toàn không nhận thấy sự bất thường. Điều này cho thấy hệ thống an ninh của họ không tốt và đơn vị này chưa làm tròn nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Do đó, Tòa án nhân dân Quảng Châu cho rằng ngân hàng này cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ việc này. Cuối cùng, tòa ra phán quyết ngân hàng phải bồi thường cho chị Lý 4,5 triệu NDT (hơn 15 tỷ đồng) và tiền lãi tương ứng. Sự việc cũng kết thúc ở đây.

Câu chuyện trên cũng là bài học sâu sắc cho những người thường có thói quen gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Cảnh sát Trung Quốc cũng khuyên khách hàng muốn gửi tiền ở các đơn vị tài chính cần phải cảnh giác trước những lời mời chào lãi suất cao để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày