Người phụ nữ gốc Trung Quốc này không bình thường: Ít ai biết bà là "mẹ đỡ đầu" của một cơn sốt toàn cầu

Mạnh Kiên, Theo Đời sống pháp luật 18:34 09/08/2024
Chia sẻ

Ít người biết rằng, người khởi nguồn cho cơn sốt công nghệ toàn cầu thời gian qua lại là một phụ nữ.

Mẹ đỡ đầu AI

Mặc dù khái niệm và quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã hình thành và diễn ra từ lâu, sự quan tâm của công chúng đến làn sóng công nghệ đặc biệt này chưa bao giờ nhiều như hiện tại.

Tất cả đến từ những thành tựu lớn về AI tạo sinh, cũng như sự ra đời của các chatbot thông minh, mang lại sự hỗ trợ thiết thực hơn cho con người trong nhiều tác vụ công việc khác nhau.

Nhưng hiếm ai biết rằng, người khởi nguồn cho cơn sốt AI toàn cầu lại là một người phụ nữ. Trong giới công nghệ toàn cầu, tất cả đều công nhận nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Hoa Fei-Fei Li chính là "mẹ đỡ đầu của AI".

Người phụ nữ gốc Trung Quốc này không bình thường: Ít ai biết bà là "mẹ đỡ đầu" của một cơn sốt toàn cầu- Ảnh 1.

Fei-Fei Li

Người phụ nữ 48 tuổi này là giáo sư tại Khoa Khoa học Máy tính thuộc Đại học Stanford và là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia.

Ít khi xuất hiện trên truyền thông nhưng Li thực tế từng nắm những vai trò lớn tại các Big Tech hàng đầu. Bà từng giữ chức phó chủ tịch tại Google và nhà khoa học trưởng tại Google Cloud, cũng như một thời là cựu giám đốc hội đồng quản trị tại Twitter.

Li là đồng giám đốc của Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm Stanford và từng là giám đốc của Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford từ năm 2013 đến năm 2018. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là học máy, thị giác máy tính và khoa học thần kinh tính toán nhận thức.

Sinh ra tại Bắc Kinh vào năm 1976, Li lớn lên ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, có tuổi thơ hạnh phúc trong một gia đình khá giả. Cha của bà là ông Li Shun, làm việc tại phòng máy tính của một nhà máy hóa chất, còn mẹ là Kuang Ying, một giáo viên trung học.

Năm 1992, hai người chuyển sang Mỹ để cô con gái 16 tuổi có nền giáo dục tốt hơn, bắt đầu cuộc sống nhập cư. Cha tìm được công việc sửa máy ảnh, trong khi mẹ của bà làm thu ngân ở siêu thị. Gia đình sống trong một căn hộ nhỏ một phòng ngủ.

Cuộc sống của họ hoàn toàn trái ngược với cuộc sống ở Trung Quốc. Quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo đói, Li vừa học trung học vừa làm bồi bàn và dọn dẹp.

Nhận ra tài năng toán học và vật lý của Li, giáo viên toán trung học Bob Sabella là người đã liên tục động viên và hỗ trợ cho sự nghiệp của nhà khoa học máy tính tương lai sau này.

Người phụ nữ gốc Trung Quốc này không bình thường: Ít ai biết bà là "mẹ đỡ đầu" của một cơn sốt toàn cầu- Ảnh 2.

Không có gì là nhân tạo ở AI

Năm 1995, Li nhận được học bổng của Đại học Princeton. Năm 2005, bà nhận bằng Tiến sĩ từ Viện Công nghệ California. Trong quá trình học tiến sĩ, Li đã có những đóng góp đáng kể về kỹ thuật học một lần và tạo dấu ấn trong cộng đồng khoa học trí tuệ nhân tạo.

Kỹ thuật này có thể đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu tối thiểu và rất quan trọng đối với thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Năm 2006, bà bắt đầu hình thành ý tưởng về việc tạo ra cơ sở dữ liệu ImageNet, được mệnh danh là "con mắt của AI" và đặt nền móng cho AI tạo sinh. Nghiên cứu của Li về thị giác máy tính đã đóng góp cho một lĩnh vực có tên là Hiểu bối cảnh tự nhiên, hay sau này là kể chuyện bằng hình ảnh.

Sự tan băng của "mùa đông AI" bắt đầu vào năm 2012, khi nghiên cứu về máy học tạo ra bước đột phá theo hướng "dữ liệu lớn", giúp mở rộng quy mô, tăng khả năng lưu giữ của AI để kết hợp phạm vi và tính phức tạp của các hiện tượng trong chính thế giới của chúng.

Người phụ nữ gốc Trung Quốc này không bình thường: Ít ai biết bà là "mẹ đỡ đầu" của một cơn sốt toàn cầu- Ảnh 3.

Li nhận thấy cách tiếp cận của bà hội tụ với cách tiếp cận của Geoffrey Hinton ở Canada, thường được ghi nhận là người đi đầu trong sự thay đổi mô hình AI. Hinton đề xuất rằng dữ liệu có thể được nhân lên theo cấp số nhân khi máy móc nói chuyện với nhau. Các tác nhân kỹ thuật số quét các khu vực dữ liệu đa dạng và trao đổi những gì chúng đã học được để tạo ra các chế độ tương quan tinh vi hơn.

Với quan điểm này, trí thông minh không phải là một đặc tính vốn có của máy móc hay bộ não con người, mà là một thứ gì đó ở bên ngoài thế giới. Nó phát sinh từ sự tương tác giữa các vật thể, sự kiện, sinh vật và môi trường.

Phát biểu vào năm 2018 tại phiên điều trần của Quốc hội về Quyền lực và Trách nhiệm trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, Li đã nói: "Không có gì là nhân tạo ở AI. Nó được lấy cảm hứng từ con người, được tạo ra bởi con người và quan trọng nhất là nó có tác động đến con người".

Li được vinh danh trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất về AI của Time năm 2023 và nhận Giải thưởng Sáng tạo Thành tựu trọn đời của Intel cùng năm vì những đóng góp của bà cho trí tuệ nhân tạo.

Vào tháng 11 năm ngoái, bà đã xuất bản cuốn tự truyện The Worlds I See: Curiosity, Exploration, and Discovery at the Dawn of AI, mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực AI.

"Tôi là người nhút nhát, không giỏi thể hiện bản thân, nhưng tôi vẫn quyết tâm xuất bản sách vì lĩnh vực AI không thể thiếu tiếng nói của phụ nữ", Li nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày