Cô Trần (tên nhân vật đã được thay đổi) là một người phụ nữ đang sinh sống tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Giữa năm 2024, cô đi ngang qua một cửa hàng trang sức, vô tình bị thu hút bởi sự kiện đang diễn ra trong cửa hàng.
Cô Trần luôn muốn mua một ít vàng, nhưng trước đây thấy giá vàng cao nên cô không dám mua. Không ngờ tại sự kiện, giá vàng được giảm sâu nên cô lập tức bước vào cửa hàng xem thử. Nhân viên bán hàng nói với cô rằng vàng đang được bán với giá 328 tệ/gram (~1,1 triệu đồng). Đây là mức giá rất rẻ so với thị trường nên cô Trần lo lắng phía cửa hàng đã thông báo nhầm. Cũng vì thế, cô Trần đã cẩn thận hỏi lại nhân viên bán hàng thì nhận được lời xác nhận, rằng đó là giá vàng mà tiệm đang mở bán.
Nhận thấy cơ hội mua được vàng với giá hời, cô Trần không ngần ngại chi hơn 300.000 tệ (~1 tỷ đồng) để mua rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, gồm nhẫn, dây chuyền, vòng tay…
Sau khi mang vàng về nhà, cô Trần đã cất giữ chúng cẩn thận trong tủ. Chỉ sau nửa năm, giá vàng tăng lên chóng mặt. Số vàng được cô dùng để mua với giá 300.000 tệ (~1 tỷ đồng) thì chỉ sau nửa năm đã thu lãi khoảng 100.000 tệ (~346 triệu đồng). Chứng kiến giá vàng tăng lên theo từng ngày, cô Trần rất tự hào với tầm nhìn của mình.
Tuy nhiên, niềm vui kéo dài không được bao lâu sau thì cô Trần bất ngờ nhận được thư của luật sư. Vị luật sự này được chủ tiệm vàng thuê để giải quyết tranh chấp pháp lý với cô.
Tại toà án, chủ tiệm vàng khai rằng khi cô Trần mua vàng, do nhân viên đã báo nhầm giá nên cô mua được với mức giá hời. Nói cách khác, việc cô Trần mua được vàng giá rẻ với số lượng lớn đã khiến cửa hàng thua lỗ, nên huỷ giao dịch mua bán với cô. Bên cạnh đó, chủ cửa hàng còn yêu cầu cô Trần trả hết số vàng, hoặc bù vào mức chênh lệch giữa giá vàng thật và giá bán mà cô Trần dùng để mua vàng.
Sau khi nghe chủ tiệm cửa hàng vàng trình bày, cô Trần bày tỏ muốn bác bỏ tuyên bố kiện này. Cô Trần cho rằng, sau nửa năm, giá vàng đã lãi 100.000 tệ, do đó mục đích cuối cùng mà chủ cửa hàng vàng kiện cô là vì muốn hưởng phần lãi đầu tư này. Bên cạnh đó, cô Trần cũng thấy vô lý khi nhân viên của tiệm báo nhầm giá nhưng nửa năm sau phía cửa hàng mới liên hệ lại với cô. Khi mua vàng, cô Trần đã xác nhận lại mức giá với cửa hàng để tránh có sự sai sót, cũng như có biên lai giao dịch. Cũng vì thế, cô Trần tin chắc việc mua vàng của mình là đúng quy trình và được pháp luật bảo vệ.
Điều khiến cô Trần kinh ngạc hơn là chủ tiệm vàng đã thực sự biết địa chỉ nhà cô, nhưng thông tin này này không được điền khi cô đi mua vàng. Cô Trần bày tỏ sự sợ hãi trước việc để lộ thông tin cá nhân. Cô Trần nhớ lại cách đây không lâu, có người gọi điện cho cô nói rằng muốn gửi chuyển phát nhanh nên xin địa chỉ nhà cô. Nhưng đến hiện tại, cô vẫn chưa nhận được đơn chuyển phát nhanh từ người này. Cô cho rằng chủ tiệm vàng đã dùng hình thức giả mạo nhân viên chuyển phát nhanh để lấy được địa chỉ nhà cô.
Tại phiên toà, nhân viên bán hàng cho cô Trần cũng xác nhận, mức giá bán vàng cho cô đúng là mức giá được công ty ấn định thời điểm đó. Nhân viên bán hàng không báo giá bừa bãi cho cô Trần.
Sau khi vụ việc tranh chấp giữa cô Trần và chủ tiệm vàng được chia sẻ trên mạng xã hội thì đã thu hút được rất nhiều chú ý. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu ai sẽ là người thắng trong phiên xét xử?
Một vị luật sư đã giải đáp những thắc mắc trên trang 163.com:
- Trong vụ việc này, người quản lý tiệm vàng đã dùng thủ đoạn trái pháp luật để lấy số điện thoại, địa chỉ cá nhân của cô Trầm nhằm trục lợi. Hành vi này có bị xử phạt?
Điều 253 "Bộ luật Hình sự" quy định: Người nào đánh cắp hoặc lấy trái phép thông tin cá nhân của công dân bằng các phương thức khác thì bị phạt tù có thời hạn không quá ba năm hoặc bị giam giữ hình sự kết hợp với phạt tiền, hoặc chỉ bị phạt tiền. Người quản lý tiệm vàng đã lấy được địa chỉ nhà của cô Trần bằng cách giả làm nhân viên chuyển phát nhanh, điều này đã vi phạm pháp luật vì xâm phạm quyền riêng tư của cô Trần.
- Cô Trần có phải trả lại vàng cho chủ tiệm vì mua được mức giá hời so với quy định?
Điều 22 "Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" quy định: Trong quá trình giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ, doanh nghiệp phải cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn, biên lai mua hàng theo đúng quy định. Khi cô Trần mua vàng tại cửa hàng, mọi thủ tục đều đã hoàn tất. Do đó, số vàng được mua qua kênh hợp pháp và theo giá bán của cửa hàng vào thời điểm đó không phải là hành vi trái pháp luật mà là quyền mua bán tự do của người tiêu dùng. Nói cách khác, cô Trần không có nghĩa vụ phải trả lại vàng cho cửa hàng.
- Trong vụ việc này, hành vi của người quản lý đã gây tổn hại tinh thần cho cô Trần và một số hậu quả khác thì anh ta có phải chịu trách nhiệm pháp lý không?
Điều 51 “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” quy định: Nạn nhân có hành bị vi lăng mạ, lạm dụng, khám xét thân thể nhằm xâm phạm quyền tự do cá nhân của người khác và gây tổn hại về tinh thần đến quyền, lợi ích cá nhân của mình có thể yêu cầu đối phương bồi thường về mặt tinh thần. Trong vụ việc này, cô Trần đã kịp thời biết được nguyên nhân và kết quả thông qua xác minh sự việc với các bên liên quan. Điều này đã cứu cô khỏi gặp nhiều rắc rối sau đó. Tuy nhiên nếu cô Trần gặp sợ hãi và bị tổn thương tinh thần trong suốt quá trình kiện cáo thì người quản lý cũng phải bồi thường vì những thiệt hại này.
Có thể thấy, việc mua vàng tại cửa hàng tồn tại nhiều rủi ro. Khi mua vàng, bạn cần tìm đến các thương hiệu uy tín, có biên lai đầy đủ để tránh những trường hợp rắc rối sau này.
Theo 163.com