Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho đăng ký vaccine được phê duyệt đầu tiên trên thế giới phòng COVID-19 và lẽ ra là có thể mong đợi những lời chúc mừng, ít nhất là ở quê nhà, vì đã chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu. Nhưng nhiều người dân tại chính nước Nga lại không chắc đây là một chuyện hay.
Nhiều nhà dịch tễ học, dược học và bác sĩ ở Nga được cho là đã phản ứng về bước đột phá này với thái độ hoài nghi và cho biết, họ chắc chắn sẽ không tình nguyện để được tiêm đầu tiên.
Các nhà khoa học Nga có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng vaccine Sputnik V hàng loạt vào tháng 10. Các nhà khoa học ở thành phố Novosibirsk, Siberia cam kết sẽ trả cho hàng nghìn tình nguyện viên số tiền là gần 2.000 USD để thử loại vaccine này. Đó là số tiền lớn đối với nhiều người dân Novosibirsk, nơi mức thu nhập trung bình hàng tháng là 519 USD.
Nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng vaccine này trên diện rộng sẽ rất nguy hiểm trước khi các thử nghiệm giai đoạn ba được hoàn thành. Một bài báo trên tờ nhật báo Nga nổi tiếng Kommersant nhận định: "Có vẻ như 5 tháng là quá ngắn để tạo ra một loại vaccine quan trọng như vậy" .
Có lý do nào khác đằng sau sự phê duyệt vaccine COVID-19 nhanh chóng của Nga?
Tổng thống Putin đã cho biết, một trong những cô con gái của ông nằm trong số những người đầu tiên tình nguyện được tiêm vaccine. Các nhà chức trách muốn khuyến khích thêm hàng nghìn người khác từ 18 đến 60 tuổi làm theo.
Tờ báo điện tử The Daily Beast (Mỹ) đã hỏi các bác sĩ, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, nghệ sĩ, bà nội trợ và những người hưu trí ở Nga rằng liệu họ có dám sử dụng loại vaccine chưa được thử nghiệm nhưng có khả năng cứu sống con người hay không.
Một bức ảnh tư liệu do Bộ y tế Nga công bố về các lọ chứa vaccine Sputnik V (Nguồn: CNN)
Chủ tịch Hiệp hội y học dựa trên bằng chứng Nga, Tiến sĩ Vasily Vlasov, cho biết, ông không dự định sử dụng vaccine này cũng như là giới thiệu nó cho gia đình hoặc bạn bè. Với thái độ có vẻ bực bội, ông Vlasov giải thích rằng, không có cách nào để kiểm tra về những kết quả từ hai giai đoạn đầu của thử nghiệm: "Họ thông báo vaccine đã sẵn sàng để sử dụng nhưng những người tạo ra vaccine vẫn chưa công bố kết quả nghiên cứu thực tế của họ".
Các nhà dịch tễ học hàng đầu và Hiệp hội thử nghiệm lâm sàng Nga đã công khai kêu gọi Điện Kremlin trì hoãn việc đăng ký Sputnik V nhưng không được đáp lại. Một số nhà khoa học thậm chí cảnh báo rằng, có khả năng Sputnik V sẽ khiến căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn ở những người được tiêm. Hiện vẫn chưa rõ số lượng tình nguyện viên đã được cho tiêm thử nghiệm Sputnik V.
Hiện nay, cuộc sống bình thường dường như đã trở lại tại Nga sau thời gian dài đóng cửa. Du lịch trong nước đang bùng nổ và những chuyến bay luôn đông đúc hành khách, nhiều người trong số họ không đeo khẩu trang. Các nhà hàng, phòng tập thể dục và bảo tàng ở thủ đô Mátxcơva một lần nữa lại nhộn nhịp du khách bất chấp việc mỗi ngày thủ đô vẫn ghi nhận khoảng 600 đến 700 trường hợp mắc mới COVID-19. Đó là lý do mà Nga, cũng giống như nhiều nước khác, chắc chắn cần phải có một loại vaccine hiệu quả trong thời gian nhanh nhất có thể.
Để cố gắng thu hút người Nga tiêm vaccine Sputnik V, Chính phủ đã mời Tổng biên tập tạp chí Echo của Moscow, ông Aleksey Venediktov, tiêm thử vaccine này. Nhưng trong một bài phát biểu, ông Venediktov nói rằng ông đã từ chối. Bà Olga Bychkova, cấp phó của ông Venediktov, cũng từ chối tham gia thử nghiệm.
Theo tờ báo kinh doanh Vedomosti, Điện Kremlin kỳ vọng rằng họ có thể đáp ứng được 1/4 nhu cầu của thế giới về vaccine phòng COVID-19, được định giá tới 75 tỷ USD.
Ông Denis Logunov, một trong những người tạo ra vaccine Sputnik V, giải thích rằng, việc cấp phép nhanh là cần thiết "để những người thuộc nhóm nguy cơ cao có thể tham gia vào nghiên cứu".
Tuy vậy, nhiều người cho rằng, Nga ít nhất nên đợi cho đến khi hiệu quả của vaccine được kiểm chứng một cách đầy đủ. Ông Vasily Zubakin, một trong những Giám đốc cấp cao của công ty dầu khí Nga Lukoil, đã có một lời giải thích đơn giản cho quyết định chờ đợi thêm của mình: "Nằm trong nhóm rủi ro cao ở tuổi 61, tôi chỉ đơn giản là... sợ".