Ngày 30/1/2010, khi cả đất nước Trung Quốc bước vào thời kỳ chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, phóng viên Châu Khả đã chụp được một bức ảnh đắt giá ngay tại Quảng trường ga tàu hỏa Nam Xương: Một bà mẹ cúi người bế con vội vã trở về quê nhà, trên vai cô vác theo một bao đồ khổng lồ, tay trái xách một ba lô lớn.
Người mẹ trẻ từng bước đi vững chãi, đôi mắt to tròn cương nghị. Đứa bé vẫn nằm ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ. Bức ảnh ngay lập tức đã gây chấn động dư luận Trung Quốc. Suốt 11 năm qua, bức ảnh đã được lan truyền khắp MXH, được truyền thông liên tục đăng tải và đã trở thành một biểu tượng "tình cảm của Xuân vận".
Điều mà phóng viên Châu Khả hối hận nhất là không thể có được danh tính của 2 mẹ con này. Mãi đến 11 năm sau, năm 2021, ông mới tìm được người mẹ trong bức ảnh, nhưng đứa bé đã không may qua đời trước đó.
Bức ảnh "Người mẹ Xuân vận" gây chấn động năm 2010
"Người mẹ Xuân vận" tên là Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, năm nay 32 tuổi, là người Di tộc, sống ở Nhạc Tây, khu tự trị Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, Ba Mộc Ngọc Bố Ngọc phải dành dụm từng đồng bạc lẻ để mua gạo và lương thực cho bản thân và các con. Năm 2007, con gái lớn của cô ra đời. Hai năm sau, cô sinh con gái thứ 2. Lúc này, trong cơn túng quẫn, cô quyết tâm không để các con khổ sở như mình lúc đó, cô luôn sợ chúng không thể thoát khỏi vùng quê nghèo như mình đã từng.
Chính vì vậy, Ba Mộc Ngọc Bố Ngọc đã đưa ra một quyết định táo bạo: Đi làm việc xa nhà. Công việc đầu tiên của cô là chuyển gạch trong một nhà máy ở Nam Xương với mức lương 500 - 600 NDT/tháng (1,8 - 2,1 triệu VND theo tỷ giá hiện tại), không nhiều nhưng tốt hơn ở nhà làm ruộng. Khi vừa đến đây, cô phải vừa làm vừa học tiếng phổ thông và cố gắng hòa nhập vào một xã hội xa lạ.
Bức ảnh mà phóng viên Châu Khả chụp được vào ngày 30/1/2010 chính là cảnh cô kết thúc thời gian làm việc kéo dài 5 tháng ở Nam Xương và đang bế con gái thứ 2 trở về quê nhà. Chuyến đi đó kéo dài 3 ngày 2 đêm.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc và các con
Cô chia sẻ, trong hành lý lúc đó là chăn, quần áo, mì gói, bánh mì và tã lót. Nhờ hành lý khổng lồ đó mà cô được nhiều người chú ý và giúp đỡ.
Nhưng không may, đứa bé đã qua đời vì bệnh nặng chỉ sau nửa năm về quê nhà. Từ đó, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc không đi làm xa nhà nữa. Năm 2011, đứa con thứ 3 của cô cũng mất sau 10 ngày ra đời.
Về sau, khi Ba Mộc Ngọc Bố Mộc và chồng dự định sẽ một lần nữa đi làm xa nhà thì chính sách xóa đói giảm nghèo ở địa phương đã khiến cặp đôi thêm hy vọng và quyết bám trụ quê nhà. Ban đầu họ trồng thuốc lá, vì không có kinh nghiệm nên chỉ kiếm được 5000 - 6000 NDT (18 - 21 triệu VND theo tỷ giá hiện tại).
Sau khi nhận sự giúp đỡ của cán bộ cùng sự tự tìm tòi, sản lượng thuốc lá do vợ chồng Ba Mộc Ngọc Bố Mộc trồng đã tăng lên gấp đôi, thu nhập hàng năm tăng lên vài chục nghìn NDT, diện tích trồng trọt tăng từ 6 mẫu lên 15 mẫu. Năm 2020, thu nhập của gia đình Ba Mộc Ngọc Bố Ngọc đã đạt 100.000 NDT/năm (356,3 triệu VND theo tỷ giá hiện tại), thành công xóa đói giảm nghèo.
Các con của Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đang được đi học đầy đủ
Song song đó, cô còn nhận được khoản trợ cấp nhà ở vào năm 2018 với 40.000 NDT (142 triệu VND theo tỷ giá hiện tại). Ngoài số tiền này, Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đã quyên góp thêm 70.000 NDT (250 triệu VND theo tỷ giá hiện tại) để xây lên 1 căn nhà bê tông cốt thép ngay bên cạnh khu nhà cũ.
Theo phong tục của người Di, tiệc tân gia sẽ mời họ hàng và bạn bè đến thăm nhà, vợ chồng Ba Mộc Ngọc Bố Mộc đã giết 2 con gia súc để mời các vị khách của mình.
Từ năm 2013, cô sinh thêm 3 người con nữa và đều được cho đi học đầy đủ. Với Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, cô luôn mong các con học hành chăm chỉ và bình an vô sự, dù gặp phải bất hạnh thì vẫn luôn dũng cảm tiến lên.
Ba Mộc Ngọc Bố Mộc trong trang phục truyền thống của người Di
Nguồn: Sohu, Baidu