"Mày đi ra khỏi nhà cho tao, đi!" - người mẹ chỉ tay vào mặt cậu con trai, cơn giận gần như xé toạc không gian bức bí của căn nhà được dựng tạm bằng vài tấm tôn cũ rích. Cậu con trai chẳng dám mở miệng thanh minh một lời, bởi trong lúc đó nói lời nào cũng chỉ như dầu đổ vào lửa, cậu lủi thủi gom mấy bộ đồ bỏ vào balo rồi lặng lẽ bước đi.
Đó là lần hiếm hoi hai mẹ con cô Phụng cãi nhau lớn như thế, và cũng là lần cuối cùng, bởi 1 tháng sau đó, họ mãi mãi không còn được gặp nhau.
Lành mất cách đây hai năm trong một vụ tai nạn.
Lành bỏ nhà đi được vài bữa thì cô Phụng nhớ con. Nhưng ngặt nỗi gọi điện cho nó mấy lần mà không được, cô nhờ hàng xóm hỏi han thì mới hay nó qua nhà bạn ở ké hổm rày. "Trời ơi, nói đi là đi luôn hông về, má lo quá chừng!" - cô trách thằng Lành. Thằng nhỏ không dám nhìn má, lúi cúi nói: "Má đuổi con, sao con dám về nhà". Cô Phụng cười qua chuyện: "Má tức mày thì má nói vậy thôi, chứ sao má bỏ mày được, thôi gom đồ đi về với má".
Trên đường về nhà, thằng Lành tâm sự với má rằng đi làm hồ cực quá, nó tính theo bạn học nghề tóc vừa có thu nhập ổn định, vừa đỡ vất vả. Má nó gật gù nhưng cũng mông lung: "Nhà mình nghèo quá, tiền đâu cho mày đi học cắt tóc. Thôi ráng làm hồ thêm mấy tháng nữa, má gom gom tiền rồi cho mày đi học nghề nghen!". Lành cười tươi rói nói dạ dạ. Một tháng sau nó mất trong một vụ tai nạn giao thông.
Nhà trọ chật hẹp được dựng tạm bằng mấy tấm tôn cũ ở đường Bình Trưng - là nơi mấy mẹ con sinh sống bao năm qua.
Tròn 2 năm kể từ ngày Lành mất, những ký ức bàng bạc của cậu con trai vẫn luôn quẩn quanh tâm trí cô Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi). Người phụ nữ Bến Tre hơn hai mươi năm chật vật trên mảnh đất Sài Gòn vẫn không thoát nổi cái nghèo, cái khổ. Hai vợ chồng có với nhau ba đứa con thì chồng cô Phụng qua lại với người phụ nữ khác. Cô giận chú, nhưng chẳng trách một lời, cứ vậy lầm lũi nuôi mấy đứa nhỏ.
Tay phải của cô bị tai nạn nên hoạt động rất yếu.
Nhà nghèo, thành ra chuyện học hành không tới nơi tới chốn, chị gái Lành và Lành mới lớn đã phải đi làm thuê làm mướn phụ má nuôi em. "Tánh tình nó cũng y chang cái tên nó vậy đó, hiền lành và thương mẹ lắm. Đi phụ hồ được bao nhiêu tiền là đem hết về cho mẹ không giữ đồng nào" - cô Phụng kể về con trai.
Bộ quần áo mà Lành hay mặc vẫn được cô Phụng giữ lại như kỷ vật. Lâu lâu cô lại đem ra giặt rồi ủi thẳng thớm treo vào tủ.
Bữa trưa hôm đó, Lành đi ăn trưa thì bị tai nạn giao thông, cô Phụng nhớ như in: "Vào bệnh viện thì thấy nó không bị gì nặng, chỉ bị trầy chân. Lúc công an vào hỏi thì nó vẫn trả lời được. Nhưng sau đó thì mê man luôn. Bác sĩ nói là bị xuất huyết não". Sau đó người ta chuyển Lành vào bệnh viện Chợ Rẫy. Anh chàng nằm mê man suốt 1 tuần liền rồi mất, không kịp nói với mẹ, với chị, với cậu em trai nhỏ một lời cuối cùng.
Di ảnh của Lành được đặt trên một chiếc bàn đơn sơ ở góc nhà chật hẹp. Cậu trai trẻ với giấc mơ dang dở vẫn nở nụ cười hiền hoà, bởi đến lúc không còn tồn tại cậu vẫn để lại cho đời những điều lành.
"Lúc Lành mất, bác sĩ Thu (TS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy) có đến gặp an ủi gia đình tôi. Bác sĩ có ngỏ lời về chuyện hiến tạng. Tôi thì không được ăn học, nên chẳng biết hiến tạng là như thế nào. Chỉ hiểu đơn giản là cơ thể của con tôi có thể cứu sống nhiều người khác. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì thật sự không muốn con mình ra đi không toàn vẹn. Nhưng thử đặt mình vào trường hợp của người bệnh, trong lúc nguy khó có ai đó chịu giúp mình thì quý biết bao nhiêu. Thằng Lành xấu số đi sớm, nhưng tâm nó sáng tôi tin nó sẽ đồng ý cho tôi ký vào lá đơn của bệnh viện" - cô Phụng tâm sự về quyết định hiến tạng của con trai xấu số.
Cô Phụng quyết định hiến tạng của con trai để cứu những người bệnh khác.
Mỗi người một số mệnh, con đường của Lành tuy ngắn ngủi nhưng duyên trời lại nối dài để một phần cơ thể của cậu được tiếp tục phần đời của mình. Rất nhiều người phản đối quyết định hiến tạng của cô Phụng. "Người ta đồn tôi bán nội tạng của con trai để lấy tiền. Trời ơi! Làm mẹ ai ác như vậy, tôi nghèo nhưng đâu tới mức bán con mình. Người thân trong nhà cũng trách, nhưng tôi nghĩ mình làm đúng lương tâm của mình, còn ai muốn nghĩ gì thì cho họ nghĩ" - người mẹ ngậm ngùi nói.
Tất cả mọi người đều phản đối quyết định của cô.
Chẳng ai sống giùm ai cuộc đời của nhau, cô Phụng lại trở về với những vất vả cơm áo gạo tiền. Cô đi làm lao công cho một quán bar, số tiền lương ít ỏi chật vật lắm mới đủ cho cô và cậu con trai út - Sơn Lâm (8 tuổi) sống qua ngày. Bác sĩ Thu nhiều lần ghé thăm gia đình, cô bác sĩ thương thằng Lâm không được đến trường, nên xin cho cậu nhóc đi học lớp một tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 2).
Lâm được các nhân viên, bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đến trường.
Thằng Lâm từ nhỏ tới lớn chưa biết lớp học là gì, cũng chẳng biết thầy cô, bạn bè là gì, thế nên nó khép mình chẳng chịu tiếp xúc với ai. Hơn một năm trời thằng nhóc ù lì, không nói chuyện với ai và cũng không biết đọc, biết viết.
Mọi người đều rất buồn bởi mỗi bước đi của Lâm luôn bước cả phần của anh Lành. "Thằng anh hiền bao nhiêu thì thằng em lì bấy nhiêu. Thấy nó đi học mà về không đọc, không viết được chữ nào là thấy rầu" - cô Phụng tâm sự.
Lâm có dấu hiệu của chứng tăng động chậm phát triển nên việc học tập khá khó khăn.
May mắn có cô Thoa - một giáo viên về hưu chịu nhận dạy kèm cho Lâm. Cứ sau giờ học trên trường, mẹ lại chở Lâm sang nhà cô Thoa để ăn tối rồi học thêm. "Ban đầu rất khó khăn để dạy cho Lâm, vì cậu này không chịu mở miệng đọc. Mỗi lần kêu đọc chữ là cứ cắn chặt môi đến chảy máu mới thôi. Thấy khó tiến bộ nên hè năm ngoái tôi bảo với mẹ bé là cho bé sang nhà tôi ở cả ngày để tôi kèm sáng chiều. Nhờ vậy mà giờ thì Lâm đã mạnh dạn hơn, biết viết và đọc chữ" - cô Thoa tự hào nói về những tiến bộ của cậu học trò cá biệt của mình.
Cô Thoa nghiêm khắc và tận tuỵ đã giúp được Lâm tiến bộ.
Mọi cố gắng cuối cùng cũng có dấu hiệu khả quan, năm nay Lâm học lại lớp một và trong kỳ kiểm tra cậu nhóc đã được 10 điểm toán và 9 điểm tiếng Việt. Mặc dù vậy, hành trình của Lâm vẫn còn thật dài phía trước. Còn hành trình của Lành, dù đã kết thúc nhưng lại mở ra một con đường tươi sáng hơn cho cậu em trai, tin rằng nơi nào đó Lành cũng đang mỉm cười.
"Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai thương em bé
thì làm được thôi" - hôm nay Lâm đọc dõng dạc bài thơ "Làm Anh" cho cô Thoa nghe.
Hôm nay Lâm mang trên mình của ước mơ còn dở dang của anh Lành.
7h tối, cô Phụng qua rước Lâm về, hai mẹ con lại tíu tít cười nói trong ngôi nhà nhỏ. Từ ngày chị hai đi lấy chồng, anh ba về với đất, ngôi nhà này chỉ còn lại hai con người, tình yêu thương cũng gói gọn lại, nhỏ xíu thôi.
Cô Phụng kể nhiều lần đi làm bắt gặp mấy cậu thanh niên đi phụ hồ trạc tuổi con trai mình, cô cứ đứng ngó trân trân, rồi tự nhiên chảy nước mắt. Ừ thì Lành đã đi rồi, nhưng đôi mắt của cậu vẫn đang soi đường cho một ai đó, trái tim của cậu vẫn đang thổn thức giúp một cuộc đời. Và biết đâu đó trên đường đời này đôi mắt của Lành lại được trông thấy mẹ.