Vay tiền ngân hàng để mua nhà
Ông Phương (Giang Tô, Trung Quốc) lớn lên trong gia đình nông dân nghèo khó, cùng vợ bắt đầu cuộc sống hôn nhân mà không có nhà riêng ở thành phố. Cả hai làm việc chăm chỉ, tích góp được một khoản tiết kiệm sau vài năm. Cuối năm 2013, khi con trai đến tuổi đi học, họ quyết định mua nhà tại Nam Kinh để con có môi trường học tập tốt hơn. Do giá bất động sản mới quá cao, vợ chồng ông chọn một căn nhà cũ, phù hợp với khả năng tài chính.
Ông Phương chia sẻ lại những rắc rối của bản thân liên quan đến khoản vay lớn.
Nhờ môi giới, ông Phương nhanh chóng tìm được căn nhà ưng ý và quyết định vay ngân hàng 1,17 triệu NDT (khoảng 4,1 tỷ đồng). Trong quá trình làm thủ tục, nhân viên ngân hàng nhiệt tình hỗ trợ, và khoản vay sớm được chấp thuận. Hợp đồng vay ghi rõ: tổng số tiền 1,17 triệu NDT, trả góp 8.092,95 NDT (khoảng 28 triệu đồng) mỗi tháng trong 20 năm, theo phương thức trả cả gốc và lãi. Ông Phương kiểm tra hợp đồng, cảm thấy hài lòng và ký kết.
Tuy nhiên, ngay từ 2 tháng đầu trả nợ, ông đã nhận thấy sự bất thường. Ông gửi 9.000 NDT vào tài khoản trước mỗi kỳ hạn để ngân hàng khấu trừ tự động. Song ngân hàng chỉ trừ hơn 5.000 NDT. Tin rằng số tiền còn lại có thể được khấu trừ một phần từ quỹ nhà ở hoặc do cách vận hành của ngân hàng nên ông không truy cứu. Ngân hàng vẫn gửi tin nhắn nhắc nhở số tiền phải trả, khiến ông Phương tin rằng mọi thứ đang diễn ra đúng quy trình.
Sự thật đau lòng sau 7 năm trả nợ
Đến tháng 11 năm 2020, khi có ý định đổi nhà, ông Phương kiểm tra báo cáo tín dụng và sốc khi phát hiện nợ gốc 1,17 triệu NDT vẫn không hề giảm sau hơn 7 năm trả nợ đều đặn. Theo phương thức trả cả gốc và lãi, số tiền gốc phải được giảm dần. Song thực tế, toàn bộ số tiền ông trả hàng tháng mới chỉ là tiền lãi. Điều này khiến ông đối mặt với nguy cơ thiệt hại tài chính lớn.
Ông Phương lập tức liên hệ giám đốc dịch vụ khách hàng của ngân hàng để yêu cầu giải thích. Câu trả lời của người đại diện khiến ông càng thêm bức xúc. Ngân hàng cho rằng khoản vay của ông áp dụng phương thức “trả lãi trước, trả gốc sau”. Tức là ông chỉ trả lãi trong suốt thời gian qua và phải thanh toán toàn bộ 1,17 triệu NDT còn lại khi khoản vay đáo hạn. Ngân hàng đề xuất ông tiếp tục trả nợ trong 20 năm nữa, bắt đầu từ năm 2021.
Ông Phương khẳng định mình không yêu cầu thay đổi phương thức trả nợ. Việc ngân hàng tự ý áp dụng phương thức khác là vi phạm hợp đồng nghiêm trọng. Ông tính toán, nếu tiếp tục theo phương thức “trả lãi trước, trả gốc sau”, người vay phải chịu nhiều thiệt thòi.
Không chấp nhận giải pháp của ngân hàng, ông Phương cùng cơ quan chức năng địa phương đã có mặt tại ngân hàng để làm rõ vấn đề. Tại đây, nhân viên ngân hàng xác nhận hợp đồng ban đầu quy định trả cả gốc và lãi với số tiền 8.092,95 NDT mỗi tháng.
Tuy nhiên, các biên lai cho thấy tháng đầu tiên của kỳ trả nợ, số tiền khấu trừ chỉ khoảng 5.609 NDT, thấp hơn nhiều so với thỏa thuận. Khi ông Phương chất vấn, nhân viên hỏi ngược lại tại sao ông không phát hiện sai sót sớm hơn. Đồng thời người này cho biết nhân viên thực hiện khoản vay cho ông đã nghỉ việc, khiến việc điều tra thêm khó khăn.
Theo The Paper, 1 vị luật sư đến từ công ty luật địa phương cho biết ngân hàng có trách nhiệm thực hiện đúng phương thức trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc thay đổi phương thức mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người vay là hành vi không hợp pháp. Ông Phương hoàn toàn có quyền yêu cầu ngân hàng tiếp tục thực hiện hợp đồng ban đầu, bao gồm trả nợ theo phương thức cả gốc và lãi, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được tổn thất thực tế do sai sót của ngân hàng.
Sau khi vụ việc được chia sẻ rộng khắp, để tránh ảnh hưởng đến uy tín của nhà băng, người đứng đầu ngân hàng đã gặp trực tiếp ông Phương để đưa ra phương án giải quyết. Theo đó, ngân hàng tiến hành tái cấu trúc lại khoản vay để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Theo The Paper