Người đàn ông trả lại 21 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm, một tháng sau nhận được thông báo: ‘‘Anh đang vay tiền của chúng tôi’’

Khuê Hiền, Theo Đời sống pháp luật 21:34 10/10/2024
Chia sẻ

Nhận ra điểm bất thường, người đàn ông Trung Quốc lập tức báo cảnh sát để điều tra về số tiền được chuyển nhầm vào tài khoản của mình.

Thời điểm xảy ra sự việc, Tiểu Lục đang là sinh viên năm hai của một trường đại học trên địa bàn thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Một ngày nọ, tài khoản ngân hàng của anh bất ngờ được cộng 6.000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) với một nội dung gồm nhiều ký tự vô nghĩa. Bạn bè và người thân xung quanh anh đều cho biết không gửi số tiền này. 

Trong lúc bối rối về nguồn gốc của số tiền 6.000 NDT, Tiểu Lục tiếp tục nhận được thông báo tin nhắn. Một người phụ nữ nói đã chuyển nhầm tiền học phí của con trai vào tài khoản của Tiểu Lục do chưa quen với giao diện mới của ứng dụng ngân hàng. Sau đó, người này nhờ Tiểu Lục chuyển lại 6.000 NDT vào số tài khoản để kịp thời thanh toán tiền học cho con trai.  

Nghe xong, Tiểu Lục lập tức chuyển 6.000 NDT đã nhận vào tài khoản của người phụ nữ này. Anh cũng nhanh chóng quên đi sự việc vì nghĩ rằng không ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.

Người đàn ông trả lại 21 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm, một tháng sau nhận được thông báo: ‘‘Anh đang vay tiền của chúng tôi’’- Ảnh 1.

Một tháng sau, Tiểu Lục nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông. Người này cho biết anh đã vay 6.000 NDT trên trang web của họ với lãi suất 2%/tháng. Hiện đã đến kỳ thanh toán nợ, họ yêu cầu Tiểu Lục trả cả tiền gốc và lãi hoặc có thể thanh toán tiền lãi theo tháng trước nếu chưa có đủ khả năng chi trả. 

Tiểu Lục vô cùng bất ngờ khi biết bản thân đang có một khoản vay hơn 6.000 NDT. Anh cho rằng chuyện này có thể liên quan đến số tiền 6.000 NDT được chuyển vào tài khoản của mình 1 tháng trước. Sau đó, Tiểu Lục lập tức gọi cho cảnh sát để trình báo sự việc. 

Từ thông tin mà Tiểu Lục cung cấp, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra lại giao dịch trong tài khoản ngân hàng của anh. Họ phát hiện 6.000 NDT mà Tiểu Lục nhận được một tháng trước đến từ tài khoản của một công ty cho vay trực tuyến. 

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, cảnh sát phát hiện ra tên và ảnh CMND của Tiểu Lục đã được sử dụng để đăng ký vay tiền tại trang web của công ty này. Thế nhưng, chàng trai trẻ vẫn khẳng định bản thân chưa từng vay tiền ở bất cứ đâu.

Suy nghĩ một hồi lâu, Tiểu Lục nhớ ra từng truy cập vào một đường link được hiển thị với nội dung ‘‘kiểm tra hạn mức tín dụng’’. Tại đây, anh đã tải một ứng dụng về máy rồi cung cấp hình ảnh CMND và số tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận ra điểm bất thường, Tiểu Lục đã đăng xuất và xóa ứng dụng này khỏi điện thoại. 

Người đàn ông trả lại 21 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm, một tháng sau nhận được thông báo: ‘‘Anh đang vay tiền của chúng tôi’’- Ảnh 2.

Phía cảnh sát đã tiến hành kiểm tra ứng dụng mà Tiểu Lục tải về máy. Họ xác định đó là một ứng dụng ảo, mới được ra mắt chưa đầy nửa năm. Từ đây, cảnh sát kết luận thông tin cá nhân của Tiểu Lục đã bị đánh cắp khi anh tiến hành đăng nhập vào ứng dụng. Điều này dẫn đến việc phía công ty cho vay trực tuyến có được số tài khoản ngân hàng và ảnh CMND của Tiểu Lục để tự ý đăng ký khoản vay 6.000 NDT. 

Từ sự việc của Tiểu Lục, cảnh sát tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng nếu nhận được những khoản tiền bất thường được gửi vào tài khoản. Cá nhân không nên tự ý hoàn trả hay sử dụng khoản tiền này, mà cần báo ngay cho ngân hàng hoặc cảnh sát để được hướng dẫn xử lý.  

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người cần có ý thức bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ các thông tin như: Số tài khoản, số chứng minh nhân dân, số điện thoại,... trên những website và ứng dụng không chính thống. Bên cạnh đó, tuyệt đối không ấn vào các đường link lạ trong quá trình sử dụng điện thoại hay truy cập mạng internet. 

(Theo Toutiao)

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày