Người đàn ông tìm vợ nấu bữa cơm 20k: Biết vun vén thì đủ, không thì bao nhiêu cũng thiếu

Lam Giang, Theo Trí thức trẻ 11:00 20/07/2022
Chia sẻ

Thay vì chỉ trích người đàn ông trong câu chuyện, chúng ta hãy phân tích để thấy rõ điều mà anh muốn nhắn nhủ tới đối phương.

Bị chỉ trích vì câu nói: "Cầm 20.000 tạo ra một bữa cơm"

Nhân vật nam chính trong chương trình "Hẹn ăn trưa" số 332 phát sóng mới đây đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội vì những quan điểm về vấn đề chi tiêu trong gia đình.

Người đàn ông này là Cao Tuấn (40 tuổi), hiện là nhân viên kho ở TP.HCM được chương trình kết nối với Kim Nhẫn (42 tuổi), kinh doanh tự do. Trong chương trình, Cao Tuấn đã thẳng thắn chia sẻ câu trả lời của mình cho câu hỏi: "Ai sẽ là người cầm tiền trong nhà?".

"Đối với anh, người giữ tiền là người biết tiêu tiền. Đơn giản là gì, em sử dụng đồng tiền làm sao để nó phát huy được hiệu quả tối đa. Có thể em cầm 20.000 nhưng mà tạo ra một bữa cơm gia đình thực sự ý nghĩa nhưng mà với người khác phải dùng số tiền là 200.000 mới có một bữa cơm ngon", anh Tuấn bày tỏ.

Người đàn ông tìm vợ nấu bữa cơm 20k: Biết vun vén thì đủ, không thì bao nhiêu cũng thiếu - Ảnh 1.

Anh Tuấn bày tỏ quan điểm chi tiêu rất thẳng thắn trên sóng truyền hình

Không ít người đã chỉ trích anh Tuấn vì câu nói trên, cho rằng anh... ki bo, với 20.000 nghìn đồng ở thời buổi vật giá leo thang như hiện tại, bảo nấu một bữa cơm chẳng khác nào thách đố.

Thế nhưng ở đây anh Tuấn có lẽ chỉ đang sử dụng một cách ví von. 20.000 đồng với trứng rán, rau luộc, muối vừng cũng sẽ là một bữa cơm gia đình ý nghĩa, thay vì bữa cơm thịt bò, hải sản có giá 200.000 nghìn đồng nhưng là có thể một bữa cơm đến từ sự mua sắm bừa phứa, bạ đâu mua đấy, thiếu tính toán.

Hôm nay là bữa cơm 20.000, ngày mai là 50.000; 100.000, thay đổi liên tục và có sự cân đối, sắp xếp, tránh lãng phí mới là khéo léo.

Câu nói của anh Tuấn thể hiện rằng anh mong người phụ nữ của mình biết làm đồng tiền trở nên ý nghĩa, biết vun vén cho tổ ấm. Người khéo vun vén thì 20.000 cũng được bữa cơm, người không khéo thì 200.000 chưa chắc đã đủ. Hơn nữa, anh nói: "20.000 nghìn cũng có thể nấu được bữa cơm gia đình ý nghĩa" chứ không đòi hỏi: 20.000 cho một bữa cơm đầy đủ, phong phú.

Người đàn ông tìm vợ nấu bữa cơm 20k: Biết vun vén thì đủ, không thì bao nhiêu cũng thiếu - Ảnh 2.

Người khéo vun vén thì 20.000 đồng cũng được bữa cơm, người chưa khéo thì 200.000 đồng chưa chắc đã đủ (Ảnh minh họa)

Đôi bên cần thảo luận, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau

Thực tế có rất nhiều chị em đang làm nhiệm vụ giữ tiền trong nhà tự nhận thấy bản thân chưa biết chi tiêu, tháng nào cũng tiêu quá tay mà không thực sự biết mình đã tiêu những gì. Có những gia đình 4 người mỗi tháng chỉ tiêu hết 12 triệu đồng cho tất cả mọi việc trong nhà và vẫn khéo đủ.

Nhưng lại có những gia đình tiêu hết 30 triệu đồng/tháng, cũng với chỉ những khoản thiết yếu hàng ngày mà vẫn thấy thiếu chỗ nọ, hụt chỗ kia. Nếu bản thân không phải là một người biết chi tiêu, thì chúng ta có nên cố "ôm" lấy việc đó hay không?

Chưa kể, đặt trong hoàn cảnh của anh Tuấn và chị Nhẫn. Anh Tuấn là người khá tinh tế khi nhận ra nhược điểm của đối phương, đó là việc chị sống quá tình cảm, thấy ai năn nỉ, tỉ tê, than nghèo kể khổ là chị sẵn sàng cho họ tiền. Điều này dễ dẫn đến việc chị Nhẫn làm từ thiện nhầm chỗ.

Chắc chắn không có một người đàn ông nào lại muốn vợ mình cầm tiền rồi nay cho người này, mai cho người khác mà không chắc cô ấy có cho đúng người hay không?

Bù lại, anh Tuấn lại là người lý trí, làm gì cũng đều cân nhắc, phải cho đúng người thì dù là 1.000 đồng nhưng nó cũng sẽ phát huy hết giá trị đồng tiền.

Người đàn ông tìm vợ nấu bữa cơm 20k: Biết vun vén thì đủ, không thì bao nhiêu cũng thiếu - Ảnh 3.

Chị Nhẫn tỏ ra thấu hiểu những chia sẻ của anh Tuấn, cuối chương trình cả hai bấm nút đồng ý hẹn hò

Sau khi trò chuyện thêm, anh Tuấn cũng có nói với chị Nhẫn rằng: "Vấn đề chi tiêu, mình thảo luận với nhau, thống nhất để chi, cái đó là bình thường. Chi tiêu có định mức, có sự bàn bạc là được".

Câu nói này thể hiện anh Tuấn là người có trách nhiệm và cũng rất tôn trọng đối phương. Nếu nhận thấy ở đối phương chưa có năng lực chi tiêu, thì cả hai cùng ngồi lại thảo luận, đi đến thống nhất quan điểm chung chính là phương án sáng suốt nhất. Bởi khi đã bước vào hôn nhân, việc vợ chồng cùng sẻ chia, lắng nghe nhau là rất quan trọng, không chỉ trong vấn đề tiền bạc, mà còn trong những vấn đề khác nữa.

Tạm kết

Bài toán chi tiêu rất khó để tìm ra lời giải. Một người không giải được thì hai người cùng tìm cách giải sẽ nhanh hơn nhiều.

Đồng tiền là do cả hai vợ chồng đều đi làm vất vả mới kiếm được. Nó là thứ để giúp chúng ta xây dựng cuộc sống, lo cho tương lai nên rất cần sự tính toán khéo léo từ những người có khả năng "tiêu khéo chi khôn". Đôi khi, từ việc chi tiêu không hợp lý trong gia đình cũng sẽ dẫn đến những bất hòa của hai vợ chồng, hôn nhân sứt mẻ.

Đương nhiên, không ai cổ xúy cho kiểu chi tằn tiện, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Và mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cũng không biết tiêu bao nhiêu/tháng là đủ, là thiếu, nhưng mấu chốt là người giữ tiền cần cân đối, có sao chi vậy, chi tiêu trong khả năng, điều kiện của gia đình, phát huy được giá trị của đồng tiền, để vừa có thể chăm lo tốt cho cuộc sống hàng ngày và vẫn đảm bảo có quỹ dự phòng ốm đau, tích lũy cho tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày