Câu chuyện xảy ra tại vùng quê của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Một ngày nọ, Lưu Minh thông báo nhà anh ta đang chuẩn bị một bữa tiệc lớn, muốn mời hơn 200 người trong làng đến tham dự. Ở vùng quê nhỏ, tin tức được lan truyền nhanh chóng. Lời mời của Lưu Minh trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người già và người trẻ tại đây.
Ngày hôm đó, không khí tại nhà Lưu Minh rất náo nhiệt, đèn lồng treo trên cao tạo khung cảnh ấm áp và nhiều màu sắc. Trên bàn tiệc cũng bày đủ món ngon. Tuy nhiên, không ngờ là đến thời gian tổ chức, trong nhà của Lưu Minh lại im lặng khác thường. Bàn ăn đầy ắp đồ ăn nhưng không gian lại trống rỗng, ngoài người nhà Lưu Minh thì không còn một ai trong làng đến tham dự.
Cuối cùng, khi câu chuyện về bữa tiệc ở nhà Lưu Minh được dân làng truyền tai nhau, ai nấy đều bật cười, không có một chút nào tiếc thương cho gia chủ. Thì ra, bữa tiệc của Lưu Minh lấy danh nghĩa là tổ chức sinh nhật, nhưng người được tổ chức không phải thành viên trong gia đình mà là... chú cún nhà anh ta.
Trong quá khứ, Lưu Minh cũng từng tổ chức bữa tiệc tương tự. Mục đích của anh ta là dụ dân làng đến nhà ăn tiệc, sau đó nhân cơ hội này thu tiền hoặc quà ăn cỗ của mọi người. Do đã từng dính nhiều "cú lừa" của Lưu Minh nên lần này dân làng bảo nhau cùng lật tẩy bộ mặt thật của anh ta, khiến gia chủ được xấu hổ một phen.
Sau khi câu chuyện của gia đình Lưu Minh được lưu truyền trong làng quê nhỏ, nhiều người bắt đầu xa lánh anh ta, không còn nhận lời mời kết giao với anh ta nữa. Danh tiếng của Lưu Minh tụt dốc không phanh. Tuy nhiên, mặc dù hành vi của Lưu Minh bị mọi người phản đối kịch liệt thế nhưng anh ta vẫn tiếp tục mời dân làng đến dự tiệc theo cách riêng của mình với hy vọng nhận được tiền và quà.
Câu chuyện của Lưu Minh chính là một ví dụ của những cá nhân thời nay muốn lợi dụng sự hiếu khách của người dân quê để trục lợi. Ở vùng nông thôn, những bữa tiệc tổ chức tại gia với sự tham gia đông đảo của người dân làng không còn xa lạ. Tuy nhiên, những bữa tiệc này đã dần ít được mọi người đón nhận vì nhiều nguyên nhân do khác nhau.
Lý do đầu tiên là nếu như trước kia, những bữa tiệc này trở thành nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm thì giờ chúng biến thành gánh nặng với khách mời. Sự ghen tỵ giữa các hàng xóm là nguyên nhân khiến nhiều người chán ghét các bữa tiệc tùng. Ngày xưa dân làng ngồi với nhau thì bàn chuyện mùa màng, cày cấy nhưng giờ đây các cuộc nói chuyện trở nên xã giao, thậm chí trở thành nơi một số người giàu có khoe mẽ tài sản vật chất.
Bên cạnh đó, nhiều người thích tổ chức bữa tiệc để nhận lại tiền và quà từ khách cũng khiến số đông phản cảm. Tại các vùng quê, người dân hiền lành và hiếu khách. Do đó, khi họ nhận được lời mời đi dự tiệc thì thường thu xếp thời gian đến chung vui cùng gia chủ, không quên mang theo quà và phong bao đáp lễ. Thế nhưng, họ nhanh chóng phát hiện chất lượng bữa tiệc không tương xứng với số tiền và thời gian họ bỏ ra. Dần dần, dân làng sẽ ngày càng xa lánh những chủ nhà coi người khác chỉ là "nơi rút tiền", cũng như từ chối các bữa tiệc tại nhà anh ta.
Trong xã hội, người coi trọng việc kiếm tiền không phải điều xấu. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ biết lợi dụng niềm tin và tình cảm của người khác để đổi lấy vật chất thì sớm muộn cái giá nhận về cũng rất đắt.
Theo Toutiao