Năm 1999, chàng trai 19 tuổi Tống Dương đến từ Hà Nam, Trung Quốc khi đó đang là du học sinh học tập tại London, Anh. Vì chi phí phòng trọ khu vực gần trường khá cao trong khi điều kiện gia đình không mấy khá giả, Tống Dương quyết định cùng với một số sinh viên quốc tế khác chung tiền thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố.
Ảnh: Toutiao
Ở London, vào mùa đông tuyết rơi dày và nhiệt độ có lúc xuống dưới 0 độ. Cộng với khoảng cách giữa trường và nhà quá xa nên việc di chuyển của Tống Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, chàng sinh viên này vẫn đi bộ một quãng đường dài đến ga tàu điện ngầm rồi sau đó lên tàu đến trường học.
Một ngày nọ, sau khi Tống Dương học xong, anh đến ga tàu điện ngầm để về nhà. Do chưa quen với các tuyến tàu điện ngầm, anh lên nhầm chuyến tàu hướng ngược chiều với nhà trọ của mình. Khi Tống Dương phát hiện ra mình ngồi nhầm tuyến thì cũng là lúc chuyến tàu điện ngầm cuối cùng trong ngày cũng kết thúc. Bất lực không biết phải làm sao, anh chỉ đành đứng nép vào một góc của ga tàu điện ngầm xa lạ.
Lúc này, một ông cụ có mái tóc hoa râm bất ngờ tiến chậm rãi đi về phía anh. Bước đi của ông loạng choạng nhưng trên môi lại nở nụ cười rất tươi khiến Tống Dương cảm thấy rất gần gũi. Ông cụ này tên là Hans, 66 tuổi, là một người Thụy Sĩ đã ở London nhiều năm và đang sống một mình ở gần đó.
Hóa ra, ông Hans thấy Tống Dương đứng lủi thủi một mình giữa đêm ở ga tàu điện ngầm nên tiến lại hỏi xem anh có cần giúp đỡ không. Với vốn tiếng Anh còn bập bẹ, Tống Dương đã cố gắng hết sức để giải thích cho ông cụ biết được tình thế ngặt nghèo của mình. Ông Hans nghe xong cũng không nói nhiều, chỉ ra hiệu cho chàng trai trẻ trước mặt đi theo mình.
Ảnh: Toutiao
Băng qua những tuyến phố xa lạ, ông Hans dẫn Tống Dương về căn hộ nhỏ của mình. Đồ đạc trong nhà ông cụ này tuy cũ kỹ nhưng lại rất sạch sẽ và ngăn nắp. Tối hôm đó, ông chuẩn bị một bữa tối đơn giản cho Tống Dương và bảo anh trú tạm một đêm. Sáng hôm sau, ông Hans lại đưa anh trở lại ga tàu, hướng dẫn anh lên đúng tuyến tàu cần đi và không quên đưa cho Tống Dương số điện thoại để liên lạc nếu cần sự giúp đỡ.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ này khiến vòng quay số phận của 2 con người xa lạ này bỗng chốc gắn chặt vào nhau. Sau những cuộc gọi trao đổi thường xuyên, ông Hans và Tống Dương dần trở nên thân thiết. Không những vậy, khi biết chàng trai trẻ ở trong phòng trọ nhỏ, thiếu thốn đủ thứ, ông Hans đã mời anh chuyển đến ở cùng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Cứ thế, ông Hans có thêm người bầu bạn và chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Còn Tống Dương thì vừa có chỗ ở mới, vừa được ông cụ dạy tiếng Anh miễn phí.
8 năm sau đó, Tống Dương hoàn thành việc học của mình. Lúc này, anh phải đưa ra quyết định tiếp tục ở lại London hay trở về Trung Quốc. Cuối cùng, với lời khuyên từ “người bạn già” của mình, Tống Dương đã chọn trở về Trung Quốc để làm việc và ổn định cuộc sống.
Lúc này, ông Hans đã nhiều tuổi, bệnh tình cũng trở nặng. Không có sự chăm sóc của Tống Dương, vấn đề sức khỏe của ông dần trở nên tồi tệ. Cơn đau từ khối u ở chân không thể kiểm soát được khiến cuộc sống của ông ngày càng trở nên khó khăn.
Ảnh: Toutiao
Một thời gian sau đó, ông Hans bị ngã khi cố gắng ra khỏi giường và không thể tự đứng dậy. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, ông đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau ca phẫu thuật, quá trình hồi phục của ông Hans rất khó khăn. Không những thế, chi phí thuốc thang và vật lý trị liệu cũng khiến ông cụ này chịu gánh nặng tài chính cũng như phải đối mặt với những thử thách này một mình vì không có gia đình hỗ trợ.
Cùng lúc đó, Tống Dương ở Trung Quốc đã tìm được một công việc ổn định và có thu nhập cao. Thông qua những cuộc trò chuyện điện thoại buổi tối, anh biết được những khó khăn của “người bạn cũ” nên đã quyết định bay qua Anh và đón ông Hans về Trung Quốc sống để được chăm sóc tốt hơn.
Ảnh: Toutiao
Tại quê nhà, Tống Dương sắp xếp để ông Hans sống cùng mình tại nhà riêng và thuê y tá chuyên nghiệp chăm sóc. Cuộc sống của ông cụ này ở Trung Quốc theo thời gian cũng dần dần ổn định. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, ông Hans dần trở thành một thành viên trong gia đình của Tống Dương và có những ngày tháng cuối đời rất vui vẻ và hạnh phúc.
Đến năm 2013, ông Hans qua đời vì suy tim. Tang lễ của ông được tổ chức tại Trung Quốc và được tiến hành theo phong tục của quốc gia tỷ dân. Trong đám tang của ông Hans, Tống Dương đã kể lại chuyện đồng cam cộng khổ của cả hai, đồng thời bày tỏ sự kính trọng, biết ơn sâu sắc và tiếc nuối đối với sự ra đi của người bạn cũ này. Anh cho biết dù ông Hans đã ra đi nhưng ký ức của anh về người bạn tri kỷ này sẽ không bao giờ phai nhạt.
(Theo Toutiao)