Người dân nói về việc Hà Nội 10 năm sửa "l" và "n" chưa thành công: Sửa rồi vẫn sợ tái ngọng, mất hết cơ hội việc làm!

Minh Nhân - Clip: NT, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/11/2018

Với nhiều người trẻ, họ sợ "tái" ngọng khi tiếp xúc với những người vẫn còn lẫn lộn giữa "l" và "n". Và vấn đề về công việc, cơ hội việc làm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Hà Nội 10 năm sửa nói ngọng chưa thành công

Lâu nay, việc phát âm nhầm "l" và "n" bị coi là lỗi phát âm, là nói ngọng. Một khi đã mắc những lỗi này, nghe người khác nói "l" họ sẽ nói thành "n", nhìn trên giấy chữ viết thấy tiếng nào có "l" đứng đầu, họ sẽ đọc thành "n" và ngược lại. Việc nói ngọng phổ biến ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng...

Thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội cuối năm 2008, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ giáo viên, học sinh nói ngọng "l" và "n" nhiều nhất thành phố. Theo khảo sát, 30% trong tổng số 890 giáo viên phát âm ngọng, 48% trong hơn 13.560 học sinh ngọng, viết sai "l", "n". Đặc biệt, Hà Nội không chỉ ngọng "l" và "n", mà còn "r" và "d", "ch" và "tr".

Tiểu học thị trấn Phú Xuyên có 43 giáo viên thì 42 người phát âm sai "l", "n"; 86% học sinh ngọng. Vì tỷ lệ ngọng quá cao, Tiểu học thị trấn Phú Xuyên được chọn là nơi đầu tiên thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn của thành phố, bắt đầu từ tháng 4/2009. Bắt đầu mỗi tiết tập đọc, giáo viên đều nhắc lại cách đặt lưỡi phát âm chuẩn "l", "n", sửa cho những học sinh nói ngọng. 

Khi cả thế giới chỉ còn "l" và "n". Thực hiện: Mutex

Trước hết phải khẳng định, nói ngọng không phải "đặc sản" của vùng miền. Dù rằng trước đây "tiếng Hà Nội" được xem là phương ngữ chuẩn của Quốc gia, nhưng sau nhiều năm, người dân từ các vùng quê lên Thủ đô lập nghiệp, sinh sống kéo theo nhiều biến đổi về mặt phương ngữ. Đặc biệt, "cú" sáp nhập mang tính thời đại cuối năm 2008 càng khiến Hà Nội dần dần mất đi tính chuẩn mực vốn có. 

Tại Hà Nội, ý tưởng sửa ngọng hình thành từ năm 2008. Đến nay đã sau 10 năm, kế hoạch này vẫn chưa thành công. Theo khảo sát mới nhất của Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên vào tháng 4/2018, có 12 giáo viên (chiếm 25%, giảm 5% so với trước), 338 học sinh (chiếm 30%, giảm 18% so với trước) phát âm ngọng. Tuy nhiên những con số này được đánh giá là không mấy khả quan.

Lý giải về điều này, đại diện nhà trường cho biết một trong những cản trở lớn nhất để học sinh bớt nói ngọng chính là từ phía gia đình. Ở trường các em nói chuẩn, nghỉ hè xong lại tái ngọng. Hoặc nếu bố mẹ, người thân, bạn bè xung quanh đều ngọng thì khả năng chữa ngọng lại càng khó. 

Theo ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội), người lập kế hoạch, chương trình đạt kết quả khả quan, mỗi năm giảm 2-10% số học sinh, giáo viên bị ngọng. Tuy nhiên, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ chuẩn hóa giọng Hà Nội vì việc này đòi hỏi phải làm lâu dài, 10 năm vẫn là "quá ngắn ngủi".

"l" và "n": Dễ ảnh hưởng nếu tiếp xúc với người bị ngọng

Chúng tôi đã thực hiện một thử thách phát âm chuẩn "l" và "n" đối với bất kỳ ai chúng tôi gặp trên đường. Từ người già đến sinh viên, nhân viên văn phòng, các em nhỏ, học sinh tiểu học, dù bị ngọng hay không, đều cảm thấy khó khăn khi đọc liên tiếp những câu văn xen kẽ 2 âm "l" và "n". 

Với những bạn bị ngọng, họ cảm thấy quá khó để đọc rõ vành vạnh âm nào là "l" hay âm nào "n". Một khi nhận thức về phát âm đã "thấm" vào tận gan ruột, ăn vào tận đầu lưỡi thì có uốn nắn để thoát ngọng là cả một sự nỗ lực lớn. 

Chúng ta biết rằng, ngôn ngữ được hình thành trên cơ sở các phản xạ có điều kiện dựa trên tác động yếu tố từ môi trường bên ngoài kích thích vào trung tâm nghe. Chỉ cần có một trục trặc nhỏ phát sinh trong quá trình hình thành ngôn ngữ cũng sẽ xảy ra hiện tượng rối loạn ngôn ngữ, điển hình là ngọng.

Từ người già, sinh viên, nhân viên văn phòng, học sinh tiểu học cùng tham gia thử thách phát âm của chúng tôi.

Có 2 nguyên nhân chính khiến bạn dễ nhầm lẫn khi phát âm chữ "l" và "n". Một là ngọng sinh lý. Cụ thể, cơ quan phát âm của bạn có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi, khớp cắn ngược, răng mọc lệch có nhiều khe hở... nên khiến bạn khi phát âm bị sai, không rõ.

Một nguyên nhân khác cũng được đề cập đó là do thói quen khi nói của bạn. Nhiều người gọi đây là kiểu "ngọng trong vô thức"! Cụ thể khi còn bé, lúc học nói – bạn sống và tiếp xúc với những người bị nói ngọng nên dần hình thành thói quen. Sau này, bạn nói sai cũng không hề hay biết. Hoặc do đôi khi trêu đùa, bạn cố tình nói lẫn lộn giữa chữ "l", "n" - dần dần bạn quen miệng và nói nhầm giữa hai chữ này.

Gia đình chị Trang Đỗ (28 tuổi, nhân viên văn phòng) có bố mẹ và chồng bị ngọng âm "l" và "n" nên ảnh hưởng rất nhiều tới con trai 4 tuổi của chị. Dù cố gắng nhắc nhở mọi người nhưng chị Trang để ý, đúng một tuần sau khi gửi con về quê lên Hà Nội, con đã "a - nô" thay vì "alo".

"Ngay cả bây giờ khi cho con làm quen với tiếng Anh cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Các âm "l" và "n" cứ loạn cả lên. Dù có những lúc con phát âm đúng nhưng hầu hết là sai" - chị Trang cho biết. 

Người dân nói về việc Hà Nội 10 năm sửa l và n chưa thành công: Sửa rồi vẫn sợ tái ngọng, mất hết cơ hội việc làm! - Ảnh 3.

Các bạn đều gặp khó khăn khi phát âm giữa "l" và "n".

Làng nhà anh Tuấn (39 tuổi, Hải Dương) chuyên nói ngọng "l" và "n". Bản thân anh cũng nói ngọng nhưng viết chính tả lại không bao giờ nhầm. Anh chia sẻ, nguyên nhân khiến người ta khó sửa ngọng là vì người thân, dân làng ai cũng nói ngọng và điều quan trọng, người bị ngọng không thể phân biệt khi nghe "l" và "n".

"Người không ngọng khi nghe lý do đấy thì thấy vô lý, rõ ràng "l" và "n" phát âm rất khác nhau. Tuy nhiên, trẻ em tập nói bằng cách bắt chước người lớn, mà người lớn lại nói lúc thì "l", lúc thì "n", hên hên thì phát âm đúng, còn không thì sai. Mà chính người nói cũng không biết rằng mình nói như thế đúng hay sai nữa. Lâu dần trẻ biết nói nhưng riêng khoản "l" và "n" thì mất phương hướng" - anh Tuấn phân tích. 

Anh Tuấn cũng không hiểu do đâu mà lỗi phát âm "l" và "n" ngày càng phổ biến. Để nói về lý do vùng miền là hoàn toàn không có căn cứ. "Quê gốc tôi ở Hải Dương, ông bà, cha mẹ, chú bác 2 bên không ai nói ngọng kiểu này cả. Nhưng bây giờ về quê, phải trên 80% ngọng "n" thành "l" và ngược lại, đặc biệt là những người trẻ".

Người dân nói về việc Hà Nội 10 năm sửa l và n chưa thành công: Sửa rồi vẫn sợ tái ngọng, mất hết cơ hội việc làm! - Ảnh 4.

Duy đang cố gắng phát âm chuẩn chỉnh từng câu.

Duy - 20 tuổi, hiện là sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội. Duy sống chung nhà với một người bạn bị ngọng. Cậu cho hay, khi nghe người khác phát âm nhầm "l" và "n", cậu hơi khó chịu vì không thể phân biệt được 2 âm. 

"Ở nhà, có một lần bạn em bảo là "Đưa tao gói cờ - lo, mà nó là cờ - no (hạt nêm knorr). Nhiều lúc giao tiếp em thực sự không hiểu bạn đang nói gì. Em nghĩ lỗi này cần phải sửa vì nó cũng không quá khó, chỉ cần có thời gian và sự quyết tâm" - Duy cho hay. 

Phát âm sai có ảnh hưởng đến công việc hay cơ hội việc làm?

"Năm 1985 bác thi vào ngành Sư phạm. Sau khi đạt điểm đậu, trường có một buổi kiểm tra về ngoại hình, phát âm. Tất cả những bạn nói ngọng, nói lắp, khuyết tật... đều bị loại bất kể đạt bao nhiêu điểm. Hình như bây giờ ngành Sư phạm đã bỏ bước kiểm tra này? Giáo viên nói ngọng thì làm sao dạy học sinh phát âm chuẩn được?" - bác Thanh (52 tuổi) nay đã về hưu, chia sẻ, dù không quá quan trọng nhưng việc phát âm sai "l" và "n" ảnh hưởng phần nào tới công việc, cơ hội việc làm sau này.

Bác Thanh chia sẻ thêm, khi phát âm, phụ âm "l" phải uốn lưỡi, còn với phụ âm "n" đầu lưỡi hạ xuống hàm dưới. Với những người bẩm sinh đã không thể phân biệt 2 âm này, nếu lỡ chọn công việc liên quan đến ngoại giao, MC, báo chí thì sẽ gặp khá nhiều khó khăn. "Bác dễ dàng thông cảm với những người phát âm chưa chuẩn. Họ nên quyết tâm sửa chữa, kiên trì tập luyện mỗi ngày để tránh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống".

Người dân nói về việc Hà Nội 10 năm sửa l và n chưa thành công: Sửa rồi vẫn sợ tái ngọng, mất hết cơ hội việc làm! - Ảnh 5.

Trà khá tự tin với phần thử thách của mình.

Trà - 20 tuổi, là một nữ sinh viên tham gia vào thử thách phát âm "l" và "n" của chúng tôi. Trà không hề gặp bất cứ khó khăn nào khi phát âm. Xung quanh Trà có nhiều bạn học bị ngọng, và khi nghe họ nói, cô bạn cũng khá khó chịu. "Vì mình học tiếng Anh nên phát âm nếu không chuẩn thì người nước ngoài không thể hiểu. Sau này ra trường muốn tìm công việc liên quan đến ngoại giao cũng khó". 

Không chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh gặp khó khăn, trên thực tế nhiều sinh viên ra trường cho biết cảm thấy thiếu tự tin ngay từ vòng phỏng vấn xin việc vì "càng hồi hộp, càng... ngọng". Chưa kể một số ngành nghề cần kỹ năng giao tiếp như sale, quan hệ công chúng, tư vấn, chăm sóc khách hàng... đều đòi hỏi ứng viên không chỉ nhanh nhẹn mà nói năng lưu loát, rõ ràng. Việc ngọng "l", "n" tuy không quá ảnh hưởng nhưng cũng mất một ít điểm với nhà tuyển dụng.

Ngọc Thoa (24 tuổi) là một cựu sinh viên trường Báo. Trước đây, Thoa bị ngọng nhưng bây giờ đã có thể tự tin đọc và phát âm chuẩn chỉnh. "Khi mình thi vào báo chí, lớp đầu tiên là phát âm. Khi mình đứng lên đọc thì cả lớp cười lớn, mình cũng hơi ngại. Từ sự xấu hổ ấy mình quyết tâm sửa". 

Người dân nói về việc Hà Nội 10 năm sửa l và n chưa thành công: Sửa rồi vẫn sợ tái ngọng, mất hết cơ hội việc làm! - Ảnh 6.

Ngọc Thoa - cựu sinh viên báo chí chia sẻ về việc phát âm sai "l" và "n".

Sau khi "chữa" ngọng thành công, Thoa chia sẻ, nếu lỡ về nhà lâu lâu có khả năng cô sẽ bị "tái" ngọng vì cả nhà đều phát âm sai "l" và "n". Trong nhiều trường hợp, những người nói ngọng sẽ kéo theo viết sai chính tả. Họ thường nói như nào viết như thế ấy. Nếu đã làm công việc viết lách, ngoại giao thì không nên nói ngọng, sản phẩm mình đưa ra sẽ bị phản ứng.

"Nếu bạn nói ngọng, con bạn chắc chắn nói ngọng. Ngoài việc bị cười ra, mình nói ngọng, người ta đâu hiểu đâu. Mỗi lần có anh bạn sang tìm chị Na, bạn ấy cứ "La" với "La", mình không hiểu bạn tìm ai. Thực ra mình nghĩ việc làm không quá bị ảnh hưởng. Nếu bạn có khả năng, trừ ngành ca sĩ, ngoại giao đặc biệt ảnh hưởng, thì đều có thể chấp nhận được".