GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi: "Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học"

Minh Nhân, Theo Thời Đại 15:04 08/09/2018

"Tôi làm giáo dục tức tác động vào đời sống xã hội nên phải có trách nhiệm. Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao để trở thành chính nó chứ không noi gương ai" - GS Hồ Ngọc Đại khẳng định trong buổi toạ đàm sáng 8/9 tại Hà Nội.

Tọa đàm chuyên đề giáo dục thời 4.0 cùng GS Hồ Ngọc Đại

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Giáo sư Hồ Ngọc Đại- chủ biên của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục gây xôn xao dư luận thời gian qua đã có buổi trao đổi về chuyên đề Công nghệ giáo dục trong kỉ nguyên 4.0.

Chương trình Công nghệ Giáo dục đã được đưa vào dạy học "thí điểm" cách đây 40 năm tại trường Thực nghiệm. Trong suốt 40 năm ấy, phương pháp dạy của GS Đại vẫn chia làm 2 luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ, chống đối.

Đặc biệt thời gian gần đây, dư luận lại ồn ào khi cho rằng cách dạy đánh vần rất "lạ" với ô vuông và hình tròn trong sách giáo khoa GDCN lớp 1. Nhiều ý kiến cho rằng con người không phải là công nghệ, nên đừng đem ra làm "vật thí nghiệm", hay sách giáo khoa GDCN Tiếng Việt lớp 1 có vấn đề.

GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi: "Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học".

GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi: Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học - Ảnh 2.

GS Hồ Ngọc Đại.

Mở đầu buổi nói chuyện vào sáng nay, GS Hồ Ngọc Đại đã dành hơn 30 phút kể về khoảng thời gian đi học tại Nga. Xuất thân từ một giáo viên dạy Toán vào những năm 60, GS nhận ra sự bất cập trong phương pháp dạy học và truyền đạt kiến thức cho học sinh phổ thông thời điểm bấy giờ. 

Theo ông, giáo dục đã có những thất bại nhất định, cần phải có sự thay đổi về cả phương pháp và nội dung trong giáo dục phổ thông. Năm 1968, ông là một trong hai người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức cũng như tiếp thu các phương pháp học tập mới.

"Sự vượt trội của chương trình thực nghiệm là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả những kiến thức đều được các em tiếp thu một cách trực quan. Ví dụ dạy phép nhân cho học sinh tiểu học: Thay vì dạy từ phép cộng, tôi sử dụng cốc nước nhỏ và to cho trực quan. Cứ 1 cốc nước to bằng 3 cốc nước nhỏ, cho học sinh đổ 15 cốc nước nhỏ vào ca, thì đúng bằng 5 cốc nước to vào ca. Học sinh lúc này tự suy ra được 5x3 sẽ bằng 15", GS Hồ Ngọc Đại kể lại.

Thấy phương pháp này hiệu quả, GS Hồ Ngọc Đại còn thử áp dụng dạy Đại số cho học sinh lớp 1 tại Liên Xô thì các em đều có thể giải được phương trình 1 ẩn, 2 ẩn, kết quả một nghiệm, vô nghiệm.

GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi: Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi toạ đàm sáng 8/9.

"Học sinh tiểu học suy nghĩ rất đơn giản, nếu phương pháp sai thì các em không thể nào hiểu được. Tôi làm giáo dục là tác động tới đời sống của người khác, vì thế tôi phải có trách nhiệm với chương trình của mình", GS Đại khẳng định.

"Bố mẹ không có quyền áp đặt trẻ con, hãy để các con có quyền"

Theo GS Đại, phương châm giáo dục cũ noi gương thánh hiền, nền giáo dục hiện đại phải tự phát triển, noi gương chính bản thân nó. "Trước đây có 5% dân số đi học, thì giáo dục thế nào chả được. Hiện nay 100% đi học thì phương pháp phải khác, không thể giữ cái cũ mãi được", GS Đại nói.

Ông nhớ lại, những ngày đầu khi thành lập Trường tiểu học Thực nghiệm, mình thường hỏi các ông bố bà mẹ là các con đi học về có vui không? Có hạnh phúc không? Ông cũng đặt câu hỏi này với bố mẹ của GS Ngô Bảo Châu - người đã từng là học sinh ở Trường tiểu học Thực nghiệm.

"Tôi làm giáo dục tức tác động vào đời sống xã hội nên phải có trách nhiệm. Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao để trở thành chính nó chứ không noi gương ai. Nhiều người so sánh "cậu ấy đẹp trai như anh hàng xóm", tại sao lại so sánh như thế, nó phải là chính nó" - GS khẳng định. 

Và điều mấu chốt ông muốn đưa ra là: "Bố mẹ không có quyền áp đặt trẻ con, hãy để các con có quyền. Hãy tạo cho trẻ con được hưởng những cái mới chưa ai có. Không thể bác bỏ những cái cũ nhưng cần phải có một nền giáo dục mới nhất để trẻ con được hưởng những thành tựu đó"!.

GS Hồ Ngọc Đại giải đáp về cách đánh vần lạ gây tranh cãi: Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học - Ảnh 4.

"Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao để trở thành chính nó chứ không noi gương ai".

Cũng theo vị GS, cuốn sách ông dành tâm huyết và công phu nhất là tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. Trẻ con rất hồn nhiên và tin người lớn, lớp 1 phải đưa những thứ tốt đẹp vào đó. "Tất cả chương trình của tôi không bao giờ ôn tập (lặp lại thời gian), phải tận dụng từng giây phút của học sinh. Tôi là người cuối cùng viết lại cuốn Tiếng Việt, để chịu trách nhiệm tôi ký tên tôi.

Anh mở trang 24 là tôi biết được 23 trang trước đứa trẻ đó học thế nào, tôi mở trang 124 thì tôi biết 123 trang trước nó học thế nào. Chính vì vậy, học sinh học chữ của tôi là chắc chắn không thể tái mù. Một lý thuyết giáo dục phải có công nghệ thực thi. Tôi có công nghệ giáo dục. 

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn… Nhưng khi tôi dạy trẻ con học hết lớp 1 ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, ở miền núi xa xôi, miễn 6 tuổi chỉ cần học với tôi 1 năm sẽ đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.

Một ông Bí thư xã nói với tôi rằng, chỉ mất 5 tháng học Tiếng Việt của tôi là có thể viết được đơn, còn cách dạy cũ học hết năm lớp 1 cũng không làm được. Tôi đưa vào lớp 1 với khóa đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu. Học kỳ 1 của lớp GS Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, hình tròn, hình tam giác". GS nhấn mạnh, người ta chửi về chữ ô vuông, phê phán nhưng ông không để ý.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày