Xe máy quá "đát" gây nhiều nguy hại
Hà Nội từng xây dựng kế hoạch thu hồi xe máy cũ nát vào đầu năm 2018 để trình Văn phòng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân thành phố, tuy nhiên sau đó đã gặp phải nhiều dư luận trái chiều. Ngay cả Bộ Tài chính cũng cho rằng đây là một vấn đề xã hội phức tạp nên cần có nghiên cứu tổng thể, đánh giá tác động của chính sách đến các hoạt động và đời sống xã hội của người dân.
Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát, quá "đát". Song song với việc tiến hành kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP. Hà Nội sau năm 2020, Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thu đổi xe máy cũ nát và hỗ trợ tiền mua xe mới của người dân đang sử dụng để mưu sinh.
Ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông đang là bài toán hóc búa tại TP. Hà Nội. Ảnh: PV
Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID thực hiện, chất lượng không khí ở mức "rất có hại cho sức khoẻ" tại Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng làm hạn chế chất lượng cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển du lịch...
Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chiếm 70-90%; chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt. Nghiên cứu cũng cho thấy, xe môtô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải.
Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những xe máy quá "đát" được hiểu là những xe không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật. Lâu nay loại này cũng thường được gọi là "xe mù", "xe mờ". Khi lưu thông, các xe thường vi phạm các lỗi như thiếu đèn còi, biển số bị mờ, thay đổi kết cấu xe… Các xe này thường tập trung ở các khu vực có chợ, khu vực mua bán đông đúc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Chương trình dự kiến triển khai trong 3 tháng
Theo chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố" vừa được UBND TP. Hà Nội công bố, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.
Cụ thể, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng từ tháng 9 - 12/2020 với số lượng ước khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.
Một chiếc xe máy cũ nát lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Như vậy, người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, phần lớn các xe máy quá "đát" đang được sử dụng bởi những người lao động thu nhập thấp, là "cần câu cơm" của họ. Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy đã cũ nát lưu thông trên đường. Một số khu vực tập trung nhiều như trục đường Phạm Hùng - Vành đai 3, chợ đầu mối Long Biên và các bến xe...
Khi được hỏi về chương trình thí điểm hỗ trợ đổi xe máy cũ nát lấy xe máy mới của Hà Nội, đa phần chủ nhân của những chiếc xe máy quá "đát" đều bày tỏ sự ủng hộ.
Ông Nguyễn Phan Hùng (66 tuổi, chuyên chở hàng thuê ở chợ đầu mối Long Biên) cho biết, chiếc xe máy ông đang sử dụng sản xuất từ năm 1995, sau hơn 20 năm sử dụng đã hư hỏng nhiều bộ phận. "Thú thật, nhiều lần đi trên phố thấy mọi người khó chịu về tiếng ồn và khói của chiếc xe mình cũng ái ngại, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải chấp nhận. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ khi thu hồi xe máy cũ để giúp chúng tôi mua phương tiện mới thì tốt quá", ông Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh Hà Văn Trường (38 tuổi, hàng ngày sử dụng chiếc xe Dream mua từ năm 1998 để chở thịt lợn vào nội thành bán) bày tỏ: "Vì xe chuyên chở nặng, sử dụng lâu ngày nên giá trị xe bây giờ gần như không còn. Tuy nhiên, đây vẫn là phương tiện chính gia đình sử dụng mỗi ngày nên chưa thể bỏ ngay. Chúng tôi ý thức được việc các loại xe máy cũ nát lưu thông trên đường phố gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Do vậy nếu cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ khi thu hồi xe cũ nhanh gọn, hợp lý thì không riêng tôi mà những chủ sở hữu khác đều hợp tác. Xa hơn, tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe môtô ba bánh kinh doanh vận chuyển hàng hoá để kiểm sống...".
Nói thêm về chương trình thí điểm hỗ trợ đổi xe máy cũ nát lấy xe máy mới do Sở TN&MT chủ trì soạn thảo trình UBND TP. Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết: Có hai nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này. Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe. Sở TN&MT chủ trì các hoạt động tuyên truyền. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước giao cho Sở TN&MT năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố... Tuy nhiên, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục xin ý kiến của các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị phối hợp thực hiện để có phương án khả thi nhất...