“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm?

Thư Thư - Qiu Qiu, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 24/02/2018
Chia sẻ

Liên tục dẫn đầu về tỷ suất rating và lượt xem trực tuyến nhưng “Người Đàm Phán” của bộ đôi Dương Mịch – Hoàng Tử Thao có phải là một tác phẩm đáng xem hay không?

Hai tháng đầu năm 2018, màn ảnh nhỏ Hoa Ngữ trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết khi thiếu vắng những bom tấn từng rất được trông chờ như Thắng Thiên Hạ hay Như Ý Truyện. Hàng loạt các bộ phim truyền hình lần lượt được lên sóng nhưng hiếm lắm mới có tác phẩm tạo được hiệu ứng truyền thông rộng rãi.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 1.

"Người Đàm Phán" chắc chắn là bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này

Sau liên tiếp những cú "flop" đắng lòng, tác phẩm Người Đàm Phán của bộ đôi Dương MịchHoàng Tử Thao được kỳ vọng sẽ vớt vát tình hình thê thảm hiện tại của mảng truyền hình Hoa Ngữ. Quả nhiên, không lâu sau ngày đầu tiên lên sóng, Người Đàm Phán nhanh chóng đạt thành tích vô cùng khả quan trên bảng xếp hạng tỷ suất rating và lượt xem online tại Đại lục. Nhưng, thành tích này có phản ánh một cách khách quan nhất chất lượng thực của bộ phim hay không? Hay sự thành công của Người Đàm Phán chỉ như cơ may "chó ngáp phải ruồi" khi chẳng có lấy một đối thủ hấp dẫn hơn cạnh tranh?

Dương Mịch cứ việc đóng phim, mọi chuyện khác để fan lo

Dương Mịch là một trong những diễn viên nữ đình đám nhất ở thời điểm hiện tại của làng giải trí Hoa Ngữ. Kể từ sau thành công liên tiếp của Người Phiên DịchTam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa, tên tuổi của người đẹp càng được khẳng định hơn ở thị trường Đại lục. Chỉ cần là phim truyền hình Dương Mịch đóng chính, thì dù hay dù dở thế nào cũng sẽ thành công, chí ít là về mặt truyền thông và tỷ suất rating. Chẳng thế mà nhiều khán giả vẫn gọi vui Dương Mịch là nhân vật bảo chứng truyền thông chứ không phải bảo chứng chất lượng của phim!

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 2.

Việc sở hữu một lượng fan hùng hậu cùng độ phổ biến trên mạng cao vút giúp Dương Mịch dễ dàng truyền thông, lăng xê cho tác phẩm của mình

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 3.

Kể từ khi "Người Đàm Phán" lên sóng, Dương Mịch chưa bao giờ chịu nhường vị trí quán quân cho đối thủ nữ khác trên bảng thống kê chỉ số truyền thông

Bằng chứng là sự chênh lệch một trời một vực giữa những chỉ số liên quan đến bộ phim Người Đàm Phán trên Weibo và Douban. Trên mạng xã hội Weibo (nơi mà người hâm mộ dễ tương tác hơn), Người Đàm Phán trở thành ông hoàng với lượt tag và đánh giá cao vút cho mỗi tập. Thế nhưng sang trang Douban, bộ phim chỉ nhận được số điểm 3,3/10 với 68% khán giả đánh giá một sao.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 4.

Điểm trên Douban của "Người Đàm Phán" càng ngày càng giảm

Đừng biện minh rằng do "thủy quân", anti-fan chơi xấu nên kết quả của Người Đàm Phán trên Douban mới lẹt đẹt như vậy. Bởi, dù hiện tại đã chiếu được 3/4 chặng đường mà số điểm của phim không hề có dấu hiệu tăng thì đủ biết chất lượng của nó ra sao rồi!

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 5.

Ngày xưa, "Người Phiên Dịch" có tỷ suất rating phá 2%. Còn bây giờ, "Người Đàm Phán" chầy chật mãi vẫn chưa nhích lên nổi con số 1,5%

Tuy nhiên, thực tế thì chỉ số nào cũng chưa thể phản ánh hết được chất lượng toàn diện của một bộ phim bất kỳ. Nhưng kỳ thực, nếu so sánh với Người Phiên Dịch – tác phẩm được coi là phần "đàn anh" của Người Đàm Phán - do Dương Mịch và Hoàng Hiên thủ vai chính – thì chất lượng nội dung, thành tích rating - lượt xem online cùng diễn xuất của dàn cast trong Người Đàm Phán còn thua xa cả mấy chục dặm.

Tỷ suất rating luôn giữ vị trí quán quân: Do phim đáng xem hay chỉ đơn thuần "khá nhất trong những phim dở"?

Vẫn là câu chuyện về tỷ suất rating – một chỉ số khá xác đáng để đánh giá về chất lượng và mức độ đón nhận của khán giả về một tác phẩm truyền hình. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Người Đàm Phán sở hữu mức rating dao động từ 0,5% đến 1,3%, trong đó tập 7 – 8 có tỷ suất người xem cao nhất, đạt 1,312% (CSM52).

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 6.

Kể từ ngày lên sóng, "Người Đàm Phán" hầu như luôn nắm giữ vị trí quán quân về mặt rating trong khung giờ vàng

Đây có thể là thành tích đáng ngưỡng mộ nếu chỉ nhìn theo khía cạnh "không dưới 1% là được". Rõ ràng, Người Đàm Phán được ưu ái phát sóng trong khung giờ vàng của đài Hồ Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với hàng loạt các bộ phim chiếu cùng khung giờ của đài từ trước tới nay, thì tỷ suất của Người Đàm Phán hoàn toàn có thể xếp vào hàng thấp kém. Ví như Danh Nghĩa Nhân Dân với rating trung bình 3,661% (tập cao nhất - 6,695%), Võ Mị Nương Truyền Kỳ - 2,959% (tập cao nhất - 4,234%), Bởi Vì Được Gặp Em - 1,93% (tập cao nhất - 3,046%), Người Phiên Dịch - 2,048% (tập cao nhất - 2,465%)...

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 7.

Những bộ phim chiếu trên đài Hồ Nam, đặc biệt là trong khung giờ vàng thường đạt mức tỷ suất rating trung bình rất cao

Trước đó, Người Đàm Phán lên sóng trong một tình thế hết sức thuận lợi khi hầu như chẳng có mấy đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Ngay khi Tiên Sinh Tình Yêu kết thúc, bộ phim nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu về tỷ suất rating và giữ vững vị trí đó cho đến tận bây giờ. Các tác phẩm khác như Con Đường Đưa Tiễn Đầy Hoa, Vãng Sự Đài Loan hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh với Người Đàm Phán khi thiếu yếu tố câu khách là gương mặt bảo chứng rating hay nội dung kịch tính. Mặc dù có được át chủ bài Dương Mịch, nhưng rating thực tế của Người Đàm Phán chỉ quanh quẩn ở mức tầm tầm và không có bất kỳ sự bứt phá đáng kể nào.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 8.

Chẳng đối thủ nào có nội dung bứt phá hay sở hữu ngôi sao nổi tiếng hơn Dương Mịch nên "Người Đàm Phán" cứ dẫn đầu với mức rating trên 1%. Tuy nhiên, đây lại là cú tát vào mặt nhà đài Hồ Nam khi tác phẩm có "tiểu hoa đán" siêu hot tham gia mà thành tích phim thì không vượt nổi mốc 2% dù chiếu trong giờ vàng

Diễn xuất tiến bộ hay thụt lùi thì vẫn khó thoát mác "bình hoa di động"

Trong Người Đàm Phán, khả năng diễn xuất của Dương Mịch không được đánh giá cao như thời Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa. Một phần cũng vì vai diễn Đồng Vi trong Người Đàm Phán không có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp như nhân vật Bạch Thiển. Một phần cũng vì người đẹp chưa biết cách kiểm soát tốt biểu cảm và trạng thái cảm xúc của bản thân.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 9.

Đồng Vi trong "Người Đàm Phán" là một vai diễn không quá khó đối với Dương Mịch

Dương Mịch diễn không quá đơ, đôi mắt của cô bộc lộ cảm xúc khá ổn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khuôn cằm và khóe miệng của nữ diễn viên dường như không thể thay đổi và luôn trong trạng thái bất động. Thêm vào đấy, cách Dương Mịch thể hiện nhân vật Đồng Vi cũng không có sự đột phá nào đáng kể như vai Bạch Thiển. Dạng vai nữ chính "bánh bèo", nhu nhược nhưng được "thần thánh hóa" là tinh anh này đã được cô thể hiện khá nhiều lần trong quá khứ. Đó là lý do vì sao, một bộ phận khán giả luôn cảm thấy diễn xuất của Dương Mịch gượng gạo, thiếu tự nhiên và nặng nề hơn là nhận xét "diễn mãi vẫn thế".

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 10.

Diễn xuất của Dương Mịch rõ ràng thụt lùi so với thời "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa", dẫn đến việc cô chưa thực sự có một phân cảnh bùng nổ diễn xuất nào trong "Người Đàm Phán"

Còn về phần Hoàng Tử Thao, diễn xuất của nam thần tượng sinh năm 1992 cũng được một bộ phận khán giả trẻ phản ứng tích cực hơn. Vai đại thiếu gia ấu trĩ, hống hách Tạ Hiểu Phi trong Người Đàm Phán dường như được đo ni đóng giày cho Hoàng Tử Thao. Chẳng cần diễn xuất gì nhiều, Hoàng Tử Thao cứ áp dụng tính cách đời thường, hay than thở trên Weibo của mình vào là tròn vai rồi!

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 11.

Tuy nhiên, màn thể hiện của anh chàng trong Người Đàm Phán vẫn khiến nhiều người phải nhíu mày. So với web drama Đại Thoại Tây Du: Yêu Người Một Vạn Năm trước đó, Hoàng Tử Thao vẫn giữ lối diễn cường điệu, cảnh cần bộc lộ nội tâm của nhân vật thì không đạt, ánh mắt bày tỏ sự suy tư thì như... nhìn vào hư không "làm màu". Quả thực, nếu nhân vật Tạ Hiểu Phi không phải là một đại thiếu gia "trẻ trâu", bốc đồng, có lẽ diễn xuất của Hoàng Tử Thao đã trượt từ vòng gửi xe ngay từ tập đầu tiên.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 12.

"Mượn" Dương Mịch để làm bàn đạp cho công cuộc tổng tiến công vào giới diễn viên, nhưng xem ra, "Người Đàm Phán" chẳng mấy giúp ích cho Hoàng Tử Thao khi tương tác giữa anh và đàn chị quá kém cỏi. Lượt follow Weibo của Thao Thao có thể tăng, nhưng lại chưa thể khiến cư dân mạng quay sang ủng hộ nhiệt liệt những dự án tiếp theo sau này mà nam thần tượng đóng vai chính. Hy vọng có thể được bật lên mạnh mẽ như Hoàng Hiên, Triệu Hựu Đình khi đóng cặp với Dương Mịch của Hoàng Tử Thao vẫn còn xa lắm. Vì cái đàn anh có mà Hoàng Tử Thao (mãi vẫn) chưa có là diễn xuất chắc tay!

Màn tương tác giữa Dương Mịch và Hoàng Tử Thao cũng bộc lộ rõ rệt sự thiếu ăn ý. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thất bại của Người Đàm Phán. Chênh lệch ngoại hình của hai người khá lớn, khiến cư dân mạng từng mỉa mai họ là một cặp đôi "mẹ - con" hơn là chị em. Kinh nghiệm non nớt của Hoàng Tử Thao trong lĩnh vực diễn xuất lại không đủ để dẫn dắt cảm xúc cho Dương Mịch. Cảnh tay đôi giữa họ thiếu sự bùng nổ của những cặp đôi yêu nhau. Tình cảm như "chết đi sống lại" ấy phần lớn chỉ bộc lộ qua những câu thoại sến sẩm hay hành động theo đuổi "trẻ trâu" của nam chính.

Khi tình yêu lên xuống như trò mạo hiểm thì người xem sẽ vừa xem vừa xây xẩm mặt mày!

Quả thực, chuyện tình yêu của cặp đôi Đồng Vi và Tạ Hiểu Phi trong Người Đàm Phán vô cùng hấp dẫn, kịch tính, tràn đầy yếu tố bất ngờ hệt như phim hành động. Đừng bối rối nếu bạn chẳng hiểu lý do vì sao Đồng Vi – Hiểu Phi yêu nhau chết đi sống lại rồi lại chia tay, cự tuyệt bặt vô âm tín. Bởi đâu chỉ có bạn, hàng vạn khán giả đến thời điểm hiện tại cũng khó lòng nắm bắt được mạch cảm xúc của nhân vật chính trong phim. Chia tay rồi tái hợp, tái hợp rồi chia tay, làm hòa rồi ghen tuông hiểu lầm, một vòng luẩn quẩn bao giờ mới dứt!

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 13.

Người xem quá mệt mỏi với diễn biến tình cảm bị "drama hóa" của cặp đôi chính

Phải nói rằng, kịch bản là "điểm chết" chí mạng của Người Đàm Phán. Mỗi tình tiết trong phim chẳng những cường điệu hóa hệt như diễn xuất của Hoàng Tử Thao mà còn như bỡn cợt với IQ của khán giả. Mối tình chị em được biên kịch xây dựng cũng đầy những điểm "sạn" vừa vô lý, vừa mang tính cưỡng ép: "À, vì Tạ Hiểu Phi là nam chính, Đồng Vi là nữ chính nên... tình yêu nó phải thế! Không cần quá nhiều sự dẫn dắt cảm xúc, cứ "đổ" nhau là được rồi!". Dù sau đó, một vài tình tiết được thêm thắt như một trò đùa, hướng khán giả nghĩ đến tình yêu đồng cảm cùng rung động khó cưỡng, nhưng chung quy lại thì mối quan hệ này quả thực còn tệ hơn cả truyện ngôn tình thể loại tổng tài siêu "cẩu huyết".

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 14.
“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 15.

Các nhân vật phụ cũng chẳng thể nào cứu vớt được cho sự thảm hại về nội dung của Người Đàm Phán. Những câu chuyện bên lề từ nữ phụ Thần Hi hay cô bạn thân Sam Sam của Đồng Vi khiến bộ phim càng sa đà vào việc "drama hóa" những mối quan hệ trong bộ phim này. Thậm chí, nhân vật Thần Hi có thể được phong làm "người thừa thãi" khi xuất hiện chỉ như để điểm danh là Người Đàm Phán có nhân vật nữ phụ xấu tính, đáng thương. Sự góp mặt của bộ đôi Thương Bích Thần - Tần Thiên Vũ (Quách Phẩm Siêu) có vai trò... kéo dài thêm tập cho Người Đàm Phán kiêm có đất cho "gà nhà" Gia Hành - Chúc Tự Đan - lên sóng.

“Người Đàm Phán”: Bộ phim truyền hình xem được nhất đầu năm? - Ảnh 16.

Gần 10 tập còn lại của tác phẩm này, hẳn nhiên vẫn sẽ còn những sự việc chưa thể lường trước có liên quan đến cái chết của cha mẹ Đồng Vi. Nhưng hẳn những ai theo dõi Người Đàm Phán hoặc đọc đoạn giới thiệu mà nhà sản xuất tung ra trên trang Baike thì đều biết được diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào. Nhưng với thời lượng còn lại ít ỏi như thế kia, vậy thì fan của Người Đàm Phán cứ yên tâm. Bởi câu chuyện "tan - hợp", "hợp - tan" sẽ lại tiếp diễn chỉ trong vài nốt nhạc rồi quay lại phát triển theo "con đường cũ".

Với một kịch bản yếu kém cũng như thiếu kịch tính và sáo rỗng như vậy, không bất ngờ khi khán giả lại quay sang "ném đá" Người Đàm Phán kịch liệt đến thế. Nó cũng lý giải luôn lý do khiến bộ phim bị liệt vào danh sách "rác phẩm truyền hình" nửa đầu năm 2018 còn thành tích thì luôn bị đem ra mỉa mai, so sánh với đàn anh Người Phiên Dịch.

Kết

Người Đàm Phán không phải là một tác phẩm xuất sắc như nhiều fan "ruột" vẫn ca tụng. Bộ phim tồn tại rất nhiều khuyết điểm cũng như gây thất vọng cho những người hy vọng nó sẽ khá khẩm như Người Phiên Dịch trước đây. Sớm hay muộn, tác phẩm này cũng sẽ đi vào quên lãng sau khi kết thúc phát sóng như bao bộ phim truyền hình với chất lượng "tầm tầm" khác. Đồng thời, Người Đàm Phán cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nhà sản xuất phim Hoa Ngữ: Khán giả giờ đã tỉnh táo hơn xưa rất nhiều. Một bộ phim với kịch bản tệ thì cho dù có sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng đến đâu, cũng sẽ chìm trong biển chỉ trích và rồi chẳng ai buồn xem lại lần thứ hai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày