Cách dọn dẹp tốt nhất là loại bỏ mọi món đồ không cần thiết cùng một lúc và hướng tới cuộc sống tối giản. Nhờ vậy mà không gian sống của bạn mới có thể trở nên tinh tế, có gu, thậm chí là đẹp và sang lên rất nhiều. Tuy nhiên đối với nhiều gia đình hiện nay thì điều này vẫn khó lòng đạt được.
Các bà nội trợ thường có thói quen tiết kiệm và tích trữ. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều những thứ vô dụng sẽ chỉ trở thành vật cản cho cuộc sống, khiến môi trường trở nên bừa bộn, hay như cách nói quen thuộc của người Việt: "giữ lại rác nhà". Nhà cửa cứ có nhiều góc trông như đang tích... rác thì dù có chăm dọn tới đâu cũng không thể trở nên gọn gàng, tinh tế hay đẹp sang được.
Chưa kể, có rất nhiều món đồ được mua về nhưng trở nên vô dụng, vừa khiến nhà cửa xấu đi, vừa lãng phí tiền bạc. Dưới đây là 7 món đồ thường thấy trong các gia đình mà không có công dụng gì, giữ lại sẽ càng thêm bừa. Bạn hãy xem trong nhà bạn có những món đồ này không nhé.
1. Quà tặng tại siêu thị
Các doanh nghiệp ngày nay thật thông minh và tận dụng tối đa việc thích rẻ, thích tặng kèm của mọi người. Mỗi lần tôi cùng mẹ đi siêu thị, bà sẽ luôn bị thu hút bởi những món quà tặng kèm như ly nước uống hay tô nhựa.
Kết quả là tôi đã không mua được những món đồ định sẵn theo danh sách ban đầu mà mua theo loạt sản phẩm có quà tặng, rồi còn phải mang về một đống quà tặng kèm khác. Combo tưởng chừng như hợp túi tiền nhưng lại vô dụng. Theo thời gian, những chiếc bát, cốc này trở thành gánh nặng trong nhà khi chúng chẳng ăn khớp gì nhau, nhiều món nằm im lìm trong góc tủ, bám bụi và chiếm diện tích.
Quà tặng kèm thực sự là một công cụ quảng cáo cho các siêu thị, đánh vào tâm lý bạn không thể bỏ lỡ vì chúng miễn phí. Thực chất, bạn nên giảm mua sắm nếu món đồ đó không thật sự cần thiết và tính đến việc loại bỏ các đồ khuyến mãi không sử dụng để chừa lại không gian lưu trữ cho những đồ gia dụng tinh tế và thiết thực hơn.
2. Bộ đồ ăn dùng một lần
Ngày nay, không chỉ giới trẻ không thích nấu ăn mà nhiều gia đình trung niên, người cao tuổi cũng có xu hướng gọi đồ ăn mang về, vì điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Gia đình tôi cũng bận rộn với công việc nên thường chọn mua ship về. Bất cứ khi nào nhận được đồ ăn kèm đũa thìa dùng một lần, mẹ tôi sẽ cất chúng vào ngăn kéo, nghĩ rằng có thể mình sẽ cần đến chúng.
Trên thực tế, những bộ đồ ăn dùng một lần này hiếm khi được sử dụng vì thường ở nhà đã có sẵn bát đũa, dẫn đến việc tích trữ ngày càng gia tăng, trông rất "rác nhà" và còn có thể ảnh hưởng sức khỏe khi chúng bị ẩm mốc theo thời gian.
Tốt nhất khi gọi đồ ăn về nhà, bạn hãy dặn cửa hàng và shipper không lấy đũa thìa dùng một lần, đồng thời dọn bỏ những bộ đang tích trữ trong nhà.
3. Khăn lau cũ bẩn
Các loại khăn lau trong nhà, đặc biệt là trong khu bếp cần được thay thế kịp thời, đừng thấy chúng vẫn có khả năng lau khô mà cố tích trữ dù khăn đã đen bẩn hay rách nát. Bất kể chất liệu gì, sử dụng quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả làm sạch và sinh sôi vi khuẩn.
Tôi nhận thấy giẻ lau trong nhà nhiều người rất cũ, thậm chí còn mùi mốc nhưng họ lại không muốn vứt đi. Thật sự rất khó hiểu. Tiết kiệm tiền nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe, nó thực sự không đáng giá. Bạn hãy thay khăn lau 2 đến 3 tháng một lần để giữ chúng sạch sẽ và vệ sinh.
4. Bát đĩa sứt mẻ
Nhiều gia đình, đặc biệt là những thế hệ lớn tuổi, vẫn quen sử dụng bát đĩa đã sứt mẻ.
Người già đã quen với việc tiết kiệm, cho rằng bát đĩa sứt mẻ vẫn còn dùng được nên không muốn vứt đi. Tuy nhiên, việc sử dụng những đồ dùng bị hỏng này thường dễ gây ra các vết thương, vết cắt nhỏ nếu sử dụng không cẩn thận.
Bạn nên ngừng sử dụng bát đĩa sứt mẻ, vì chúng không chỉ mất thẩm mỹ, dễ hại tới bản thân mà theo quan niệm phong thủy, bát đĩa sứt mẻ còn được cho là dẫn đến hao hụt tài lộc.
5. Đồ dùng nhà bếp nhỏ
Dễ thấy rằng các thiết bị nhà nhỏ trong nhà bếp là món hàng phổ biến nhất trên các cộng đồng chuyển nhượng đồ cũ.
Có hàng loạt các thiết bị gia dụng nhỏ xinh như nồi chiên không dầu, nồi lẩu nướng, máy nướng bánh, máy làm sữa đậu nành... thu hút nhiều lượt mua. Tuy nhiên, đối với nhân viên văn phòng, cuộc sống bận rộn vào buổi sáng khiến họ không có thời gian để chuẩn bị bữa sáng, thậm chí cuối tuần họ chỉ muốn ngủ bù. Nghe vậy là có thể tưởng tượng ra tần suất sử dụng những thiết bị nhỏ này ít tới mức nào.
Đối với những gia đình bình thường, việc mua một chiếc lò hấp hoặc lò vi sóng đa năng về cơ bản có thể đáp ứng hết nhu cầu hàng ngày. Quá nhiều thiết bị nhà bếp lỉnh kỉnh không chỉ vô dụng và lãng phí tiền bạc mà còn khiến bạn phải đau đầu tìm nơi cất giữ, vô tình tạo nên cảnh tượng nhà cửa rất bừa.
6. Dây sạc không sử dụng
Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều sản phẩm điện tử đi kèm với các loại dây sạc khác nhau. Ngay cả khi nhiều người đổi điện thoại di động hoặc nâng cấp máy tính bảng, họ vẫn ngần ngại vứt bỏ dây sạc cũ vì sợ rằng sẽ sử dụng chúng trong tương lai.
Kết quả là sau vài năm, chúng ta có một kho dự trữ khổng lồ các loại sạc trông có vẻ hữu ích nhưng thực ra lại vô dụng. Hầu hết các sản phẩm điện tử hiện nay đều sử dụng cáp sạc của Android hoặc Apple, vậy nên bạn không cần tích trữ quá nhiều mà chỉ cần giữ lại một hoặc hai sợi dây sạc đa năng nhất, có chất lượng tốt nhất.
Đặc biệt đối với những loại sạc có chất lượng kém, khả năng sạc không ổn định thì bạn nên loại bỏ càng sớm càng tốt, điều này vừa gây bừa bộn vừa gây nguy hiểm gia đình.
7. Chậu cây cũ
Trồng cây không chỉ có tác dụng tô điểm cho ngôi nhà mà còn giúp thanh lọc không khí. Tuy nhiên, chăm cây cũng là một bộ môn mà không phải ai cũng làm tốt.
Gia đình chị tôi dạo gần đây đam mê trồng sen đá nên mua mấy chục chậu về trồng, trong vòng nửa năm đã chết hết. Dù hoa đã tàn nhưng những chậu cây này vẫn được để lại ở ban công, khiến chỗ này mất hết đi sự "chill" cần có, thay vào đó là khung cảnh bẩn thỉu, bừa bộn vô cùng.
Nếu bạn quyết định không trồng cây nữa, bạn hãy dẹp bỏ chậu thừa. Nếu bạn cho rằng vứt đi thật lãng phí thì có thể tặng chúng cho người thân, bạn bè yêu cây khác để chúng tiếp tục được tận dụng.
Theo Sohu