Mỗi buổi sáng mở mắt ra, những người đồng tính lại thấy hạnh phúc khi một nơi nào đó trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính. Rồi họ lại hân hoan khi cộng đồng LGBT nhận được bao tin vui: "người chuyển giới được hợp pháp hoá tại Việt Nam", "Tổng thống Obama ủng hộ cộng đồng LGBT"...
Nhưng cũng có những khoảnh khắc, tim họ quặn thắt đi khi nhận ra sự kỳ thị dành cho người đồng tính vẫn len lỏi trong mỗi con người. Tưởng chừng như ý nhị, vô tư nhưng lại đau đớn vô cùng.
Nó không biến mất đi hoàn toàn, mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Và sự thô lỗ thì vẫn còn đó y nguyên.
Có những suy nghĩ chưa lớn, hay nói thẳng ra là sự vô tâm núp bóng dưới tên của những trò đùa. Và một trong những trò đùa thiển cận và vô tâm nhất đến với người đồng tính lại rơi vào ngày vốn để tôn vinh phụ nữ.
Với nhiều bạn LGBT, đặc biệt các bạn đồng tính nam, những ngày như mùng 8/3 hay 20/10 đã trở thành cơn ác mộng hay nỗi sợ hãi. Họ sợ phải nghe những câu nói như:
"Ê, tặng hoa cho cả thằng A đi mày, ngày của nó kìa!"
"Mày thích quà gì hả B? Để mai tụi tao mua tặng luôn."
"Thằng N đứng tránh qua 1 bên đi? ngày của mày luôn mà."
"Bạn trai mua quà cho mày chưa thằng kia?"
Nếu không phải là một lời nói thì sẽ là hành động; kiểu như những trò chơi "nào các bạn nam nữ đứng thành 2 bên nào rồi tặng hoa nhau nào", ở dưới sẽ có những tiếng tủm tỉm cười, những cái nhìn đầy ác ý mà ai cũng hiểu khi chàng trai đồng tính xấu số là nạn nhân của những trò đùa đang lủi thủi bước ra sau nhóm con trai.
Đó không phải là trò đùa mà là sự xúc phạm. Và trên thực tế, nó cũng là một dạng bạo hành tinh thần khi năm này qua năm khác, những câu chuyện như vậy vẫn không chấm dứt.
Năm 2010, cậu thanh niên 18 tuổi Tyler Clementi đã nhảy lầu tự tử sau khi những người bạn cùng phòng quay lại cảnh cậu hôn nhau với bạn trai. 2 năm sau đó, cô bé Alyssa Morgan đã phải treo cổ tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ vì bị bạn bè trêu chọc là một người song tính.
Đã có những cậu bé, cô bé phải quyên sinh vì bị bạn bè trêu chọc, bạo hành khi tuổi đời còn rất nhỏ. Đã có nước mắt và nỗi đau không bao giờ có thể lành. Người ta tưởng rằng chỉ có những trò đánh đập, hành hung mới là bạo hành nhưng thực tế, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn rất nhiều.
Và khi người ta không biết làm sao để giãi bày bản thân, để người khác có niềm tin vào mình; người ta chỉ có một con đường để thoát khỏi những tổn thương tinh thần như vậy: cái chết.
Không một cô gái nào muốn bị "bodyshaming" là béo, vì trong mắt họ, một chút béo như vậy cũng khiến họ đẹp hơn, tự tin được là chính bản thân.
Một chàng trai đồng tính không có nghĩa anh ấy là nữ giới. Những kẻ trêu đùa, họ cứ nghĩ đó là những thứ để vui vẻ nhưng đôi khi sự "hài hước" được lặp đi lặp lại và ngày càng quá đà trở thành một sự xúc phạm thật sự. Liệu có một chàng trai dị tính nào thấy vui vẻ khi bị trêu là con gái không?
Những người đồng tính, đôi khi họ không đòi hỏi những lòng tốt hay sự chấp nhận quá thật tâm từ xã hội. Nhưng ít nhất, hãy là một lòng tốt có hiểu biết. Khi người ta không phân biệt được xu hướng tính dục và bản dạng giới là gì thì những câu chuyện đó sẽ mãi không còn hồi kết.
Chỉ hy vọng mọi người hiểu được 2 điều:
20/10 hay 8/3 là ngày Phụ nữ, bản dạng giới (gender identity) và xu hướng tính dục (sexual orientation) là 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn. Khi nào có một ngày gọi là ngày LGBT thì hãy chúc tụng chúng tôi thoải mái.
Việc đòi hỏi sự công bằng không có nghĩa là "ờ, chúng mày trêu được trai dị tính thì sao tao không trêu được chúng mày?". Đôi khi ranh giới giữa lời đùa cợt và bạo hành tinh thần nó mong manh tới nỗi, người ta cứ nghĩ rằng ai cũng sẽ vui trước những lời đùa cợt như vậy.
Bạn có thể không chấp nhận những người đồng tính, nhưng ít nhất, đừng đứng về phía của những kẻ bạo hành.