Những ngày bên cạnh đoàn lô tô của chị Minh Thư từ Tân Lập cho đến Kiến Tường (tỉnh Long An), tôi bị cuốn vào sự khắc khoải trong những câu chuyện mà chị Ngọc Linh tâm sự, dù rằng lúc nào chị cũng cười khi nhớ về chuyện xưa để nói bằng cái giọng lạc quan trầm ấm của một cô đào hát 46 tuổi chấp nhận những đau buồn suốt bề dày cuộc đời mình: "Vì tổn thương nào rồi cũng sẽ trôi qua thôi".
Cậu bé không cha mẹ, hào hứng chạy theo các gánh lô tô miền quê
Ba mẹ ly dị khi chị được 2 tuổi, thằng bé ngây ngô ngày ấy tất nhiên không hiểu được cuộc đời vắng bóng mẹ cha sẽ buồn tủi như thế nào. Mọi thứ cứ tự nhiên đến, chị và em gái lớn lên bên ông bà nội. Chị thích hát nhạc trữ tình, ca cải lương vì các cô của chị thường hát cho chị nghe. Chị ê a theo, rồi tập luyến láy, và rồi chị hát rất hay. Mỗi khi có gánh lô tô nào ghé đến vùng quê nghèo của mình, chị lại chạy tót ra đó ngồi, chỉ chờ nghe những cô đào hát cất tiếng ca.
Nhà nghèo, lại biết mình mang danh phận của một đứa nam không ra nam, nữ không ra nữ, chị không thể mưu sinh bằng nghề gì để tránh cái nhìn soi mói của xã hội. Chị đi làm thợ hớt tóc nhưng vẫn nuôi mộng hát ca. Rồi một lần có đoàn lô tô mang tên C.N ghé đến vùng quê, chị hiểu rằng chỉ có những người mang thân phận "thân sâu hồn bướm" kia, mới có thể là chốn dung thân cho chính mình, bao dung và chấp nhận mình.
Chị biết rằng chỉ có những gánh lô tô mới là nơi có thể dang rộng vòng tay đón mình.
Rồi chị bỏ nghề tóc để theo nghề hát, và được hai vợ chồng chủ đoàn hát cho đi theo. Dịu dàng và xinh xắn cùng giọng hát trữ tình đầy cảm xúc, cái tên Ngọc Linh cũng từ đó được người ta nhắc đến như một "ngôi sao" của đoàn C.N.
Đã có một thời, người ta nhắc đến cái tên Ngọc Linh như một "ngôi sao" của đoàn lô tô C.N.
Dù thời gian đang dần hủy hoại nhan sắc nhưng giọng hát của chị vẫn đầy cảm xúc như 20 năm trước.
16 năm đi hát cho đoàn C.N, chị Linh đem lòng yêu người con trai của vợ chồng chủ đoàn. Kể về quãng thời gian ấy, chị bảo cuộc sống ở đoàn có chút cực, thiếu thốn nhưng vui.
"Hồi ấy không có nước sinh hoạt, phải kéo nước từ giếng, mà mình pê đê đâu có làm nổi, may có chồng mình nó phụ" – chị Linh kể về người đàn ông gắn bó với mình suốt gần 10 năm ấy.
"Cuối cùng người ta cũng phải lấy vợ, chứ bên cạnh một đứa pê đê thì được gì"
Tưởng như cuộc tình dài sẽ có hồi kết đẹp, nhưng rồi cũng như bao người đàn ông khác, anh ngả lòng trước một người phụ nữ rồi được sự ủng hộ của ba mẹ để lấy vợ, sinh con. Dù yêu người chồng không danh phận ấy rất nhiều, nhưng nghĩ cho hạnh phúc của anh, nghĩ về cái ơn của cô chú chủ đoàn đã dành sân khấu cho mình suốt mười mấy năm đi hát, chị Linh chấp nhận buông tay.
Những người chuyển giới luôn là những người khó tìm được tình yêu cho chính mình.
"Đến cuối cùng thì người ta cũng bỏ mình để lấy vợ, chứ ở bên một đứa như mình thì được gì? Mình biết số phận mình là vậy, cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc phải dừng thôi, ai lại chọn pê đê…", chị Linh cười méo xệch.
Chị nói, phận "bóng gió", "pê đê" như chị, tìm được người yêu đã khó, tìm được người gắn bó với mình cả đời, càng khó hơn. Có lẽ chị nói đúng, gay sẽ yêu gay, les thì yêu les, nhưng những người chuyển giới đứng giữa lằn ranh sẽ khó tìm được tình yêu. "Nếu anh ấy gay, anh ấy yêu trai, nếu ảnh thẳng, ảnh yêu hẳn một cô gái chứ làm gì phải yêu một thằng con trai trong thân xác con gái như mình".
Sau nỗi đau ấy, chị rời đoàn hát và tìm đến những sân khấu lô tô khác nhau để biểu diễn...
Cho đến khi gặp những người chị em tốt bụng ở đoàn lô tô của chị Minh Thư, chị Linh đã dừng bến, xem như đây là gia đình của mình.
Nhìn cảnh người đầu ắp tay gối gần 10 năm trời giờ bên một người phụ nữ khác, chị Linh nói chị buồn, buồn chứ, nhưng không thiết phải thể hiện. "Chị vẫn lên sân khấu hát bình thường, vì chỉ khi đứng trên sân khấu mới khỏa lấp được nỗi buồn đó, nhưng rồi khi bước xuống, lau lớp phấn, cởi bỏ bộ tóc giả, nhìn mình trước gương, chị lại khóc…".
Chị rời đoàn C.N từ đó, theo hát cho nhiều đoàn lô tô khác nhau cho đến khi gặp những người chị em tốt bụng, hài hước ở đoàn lô tô Minh Thư, chị quyết xem đây là gia đình của mình cho đến cuối đời.
Hỏi chị có ghét, có hận người đàn ông đó không, chị lắc đầu: "Không đâu, vì người ta đã quá tốt với mình rồi. Người ta đến với mình bằng tình thương chứ không phải sự lợi dụng. Em nghĩ đi, người ta là con chủ đoàn mà, quen mình cũng có được gì đâu, vậy mà vẫn thương, vẫn quý. Sao mình oán hận người ta được?".
"Chỉ có khi bước lên sân khấu, nỗi buồn của chị mới được khỏa lấp...
... nhưng rồi khi bước xuống, lau lớp phấn, cởi bỏ bộ tóc giả, nhìn mình trước gương, chị lại khóc".
Đến giờ, thỉnh thoảng cô chú chủ đoàn mời về hát, chị Linh vẫn nhận lời. Người đàn ông ấy đã có 2 con, và cô vợ đôi khi thấy chị Linh lại nhớ chuyện cũ của chồng, lại ghen. Chị Linh kể, có lần chị tức quá nói thẳng: "Tui không ghen với hạnh phúc của cô thì thôi, tự dưng cô đi ghen ngược tui!"
Phải trải qua những ngày dài chờ đợi đêm diễn, mới thấy cái khát khao được lên sân khấu của chị Linh lớn biết nhường nào. Những buổi sáng nhàn nhã lặp đi lặp lại với chừng ấy công việc: may vá đồ diễn, làm vài ly cafe, rít một điếu thuốc, ăn cơm với đoàn và chiều tà ngồi ngước lên bầu trời nhìn mây đoán gió, cầu trời phật thương đừng làm mưa ướt khán đài, ngập phòng, mất điện…
Đêm diễn đầu tiên ở Kiến Tường, chị chuẩn bị vài ba bộ đồ, 2 bộ tóc giả, cứ xong một bài diễn, chị sẽ thay, chị hát nhạc trữ tình, rồi đến cải lương, rồi lại diễn kịch. Trong vở kịch, chị cao hứng hát luôn mấy câu vọng cổ, nghe buồn đến nao lòng….
Chị rất thích cắt may quần áo trong căn phòng nhỏ của mình. Cả ngày dài trôi qua chị chỉ chờ đêm xuống để sân khấu lên đèn.
Ngày chia tay các chị cũng là lúc người ta đã thôi bàn tán về bộ phim Lô Tô. Cũng như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", mọi người rồi sẽ quay về với những thứ gần gũi với họ hơn, là sân khấu và những đêm nhạc sôi động thị thành. Đó vốn cũng là quy luật bất biến.
Hôm nay, đoàn của họ đã chuyển bến về Tiền Giang, trời không còn mưa nhưng khách vẫn lưa thưa như các bến trước. Các chị cũng lo, cũng buồn, vậy đó mà họ vẫn cứ sống đời an yên, vui vẻ bên nhau, và làm nghệ thuật một cách nghiêm túc trên sân khấu xiêu vẹo nhưng là cả một khát khao của chính mình.