Là người đồng hành cùng OBV suốt 11 năm, chị Nguyễn Yên Thảo - Giám đốc Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc cho biết xuất phát từ việc nhận thấy tại Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều bé gái bị xâm hại tình dục. Thậm chí có bé bị chính người ông, người bố máu mủ ruột rà của mình xâm hại…, OBV ra đời nhằm giúp các bé đã từng gặp “tai nạn” trong những năm tháng đầu đời có một nơi ở an toàn để ổn định tâm lý, đồng thời ngôi nhà cũng tìm đến những bạn nhỏ đang sống trong các môi trường chưa được an toàn (có nguy cơ bị xâm hại) có được nơi cư trú tốt hơn.
Mỗi khi tiếp nhận thông tin về trường hợp bị xâm hại (hoặc có nguy cơ) từ nhiều nguồn khác nhau, OBV sẽ đi xác minh thực tế nhiều lần trước khi ngồi lại để đánh giá về tính chất, phương thức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.
Ban đầu, việc đi giải cứu tại gia rất khó khăn khi người dân chưa tin tưởng, gia đình những trẻ gặp tai nạn chưa thể “mở lòng” để gửi gắm đứa trẻ đến OBV, chị Thảo cùng các thành viên vẫn kiên trì bám trụ, đồng thời hi vọng rằng “nếu hôm nay mình gieo hạt, mai sau nhất định sẽ nảy mầm”. Và thực tế sau bao nhiêu lần không thành công, đến nay, OBV được mọi người biết đến nhiều hơn, trở thành mái nhà an toàn cho rất nhiều trẻ em gái đến để làm lại cuộc đời.
Trong quá trình duy trì và phát triển OBV, đã không ít lần bản thân chị Thảo hay các tình nguyện viên của nhà mắc phải những sai lầm. Thậm chí gây tổn thương cho chính những đứa trẻ mà OBV đang nuôi dưỡng khiến chị Thảo phải nhìn lại mình, nhìn lại cách dạy trẻ mà nhà đang áp dụng.
“Điều mà chị sợ nhất là vô tình làm tổn thương một em bé nào đó. Bởi chỉ cần một lần mình sai với trẻ, các em sẽ nhớ mãi và khó tha thứ cho mình. Dù rằng các em vẫn biết rằng mình đối xử tốt với các em. Có nhiều bé sau khi ra khỏi OBV lại không muốn nhận đã từng sinh sống tại đây. Bởi vì các em sợ, nếu thừa nhận có nghĩa là các em từng là một đứa trẻ bị xâm hại. Không phải đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ đó, người hiểu thì sẽ khác, nhưng nếu không hiểu sẽ nhìn tụi nhỏ bằng ánh mắt khác”, chị Thảo tâm sự.
Điều mà chị sợ nhất là vô tình làm tổn thương một em bé nào đó. Bởi chỉ cần một lần mình sai với trẻ, các em sẽ nhớ mãi và khó tha thứ cho mình.
Cho nên với mỗi bé khi đến với OBV, chị Thảo đều nói với con rằng những việc con vừa trải qua, nó chỉ qua là một tai nạn. Bởi tai nạn là điều mà chúng ta không hề mong muốn nó xảy ra. Các con được phép buồn, nhưng buồn một chút rồi thôi, riêng tuyệt đối không phải xấu hổ bởi điều đó chỉ là tai nạn, các bé cần phải vượt qua điều này.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, có lúc OBV từng đứng trước quyết định đóng cửa nhưng vì các bé, vì những đứa trẻ không còn nơi nào để về, OBV lại dang rộng vòng tay giúp đỡ các em.
Ở OBV, các em không những được nuôi dưỡng, học tập, vui chơi mà còn được nhà tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ của mình. Có nhiều em sau khi rời khỏi OBV đã có cho mình một chỗ đứng riêng, tự tạo dựng hạnh phúc...
Có thể nói trong suốt quá trình thành lập cho đến hiện tại, OBV đã trở thành mái nhà chung, nơi được những đứa trẻ không may gặp “tai nạn” gửi gắm niềm tin, hi vọng. Mặc dù nhà OBV không thể nhận nuôi nhiều trẻ nhưng tin rằng OBV là một điều đặc biệt với những đứa trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ.
Bởi chị Nguyễn Yên Thảo và những người gắn bó với OBV tin rằng một khi OBV còn tồn tại, được mọi người biết tới sẽ giúp những đứa trẻ không may gặp tai nạn biết được trên đời này vẫn có một ngôi nhà dành cho các em. Ở đó có rất nhiều em nhỏ khác có hoàn cảnh tương tự mình, điều này sẽ giúp các em cảm thấy an ủi hơn khi vừa trải qua nỗi đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần.
Một khi OBV còn tồn tại, được mọi người biết tới sẽ giúp những đứa trẻ không may gặp tai nạn biết được trên đời này vẫn có một ngôi nhà dành cho các em.