Con người có thể đạt được những thành tựu vĩ đại là nhờ vào sự phát triển của khoa học. Nhưng đôi khi, khoa học cũng khiến chúng ta phải tỏ ra nghi ngờ vì những phát minh nhìn qua thì rõ ràng là "vô thưởng vô phạt". Chẳng hạn như ngôi nhà trong ảnh dưới đây.
Bạn có thể thấy đây là một ngôi nhà trông rất bình thường, thậm chí có phần xấu tàn tệ. Chỉ có điều nó không hề bình thường, mà là một ngôi nhà tí hon, bé đến mức một con bọ cũng không thể chui vừa.
Cụ thể, các nhà khoa học tại Viện Femto-ST (Pháp) đã sử dụng hệ thống robot nano mới để tạo ra ngôi nhà siêu nhỏ, có kích cỡ chỉ tính bằng micron (1 micron = 1/triệu mét). Họ xây nó trên một sợi cáp có độ dày chỉ ngang... tóc người - khoảng 75 micron.
Điểm đặc biệt ở đây là dù ngôi nhà chỉ dài 20 micron, nhưng lại có khá nhiều chi tiết: cửa đi, cửa sổ, và hẳn một mái nhà.
Được biết, đây là một hệ thống robot mới được tạo ra, mang tên μRobotex. Nó kết hợp khá nhiều công nghệ: bao gồm robot siêu nhỏ, thiết bị phóng tia ion, và một máy bơm gas. Các chuyên gia đã kết hợp hệ thống với nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật để tạo ra ngôi nhà này.
Tia ion sẽ đóng vai trò như một chiếc kéo, cho phép cắt và tạo hình cho ngôi nhà. Sau đó là một quá trình mang tên "phún xạ" (sputtering), giúp bề mặt vật liệu như kim loại hoặc polymer gấp lại, tạo thành tường nhà. Cuối cùng, hệ thống bơm gas sẽ giúp cố định mọi khớp nối với nhau.
"Đây là một thế hệ phòng thí nghiệm nano mới, trong đó việc cắt, tạo hình, lắp ghép... với quy mô micro và nano đều có thể được thực hiện trên một bề mặt siêu nhỏ." - trích trong báo cáo của nhóm nghiên cứu.
Hệ thống robot này có thể thao tác với độ chính xác lên tới 2 nanomet.
Nhưng mục đích của ngôi nhà này là gì, khi thậm chí một con rệp cũng chẳng thể ở bên trong đó? Nghe thì có vẻ... rảnh, nhưng hóa ra thành công lần này lại có tiềm năng cực kỳ lớn.
"Thí nghiệm này cho thấy chúng ta có thể đưa các công cụ tới được những nơi tưởng như không thể chạm đến trong cơ thể người - chẳng hạn như mạch máu. Nhờ vậy, mọi chứng bệnh có thể được chẩn đoán ngay từ cấp độ phân tử."
Với kết luận như vậy, hẳn là khoa học đã bớt "rảnh" rồi phải không?