Trung Quốc
Theo gtelocalize.com, Tết âm lịch là một trong những dịp lễ trọng đại nhất tại Trung Quốc. Người dân được nghỉ khoảng một tuần để trở về quê hương, đoàn tụ bên gia đình.
Vào ngày đầu năm mới, phong tục tặng phong bì đỏ (hồng bao) được duy trì, thường do người lớn tuổi tặng cho trẻ em hoặc người chưa lập gia đình. Phong tục này xuất phát từ truyền thống tặng tiền xu nhằm xua đuổi tà ma. Bên cạnh đó, múa lân, múa rồng, đốt pháo và bắn pháo hoa là những hoạt động phổ biến để chào đón năm mới.
Người dân ở Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) cũng tổ chức đón Tết âm lịch với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc.
Hàn Quốc
Tết âm lịch ở Hàn Quốc, hay còn gọi là Seollal, là dịp lễ quốc gia kéo dài ba ngày để kỷ niệm ngày đầu tiên theo lịch truyền thống Hàn Quốc. Trong dịp này, người dân thường mặc hanbok, viếng thăm người thân, thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, và thưởng thức những món ăn truyền thống. Các trò chơi dân gian cũng là một phần quan trọng trong không khí vui tươi của lễ hội.
Tương tự Việt Nam và Trung Quốc, trẻ em Hàn Quốc nhận tiền lì xì từ người lớn sau khi cúi chào theo nghi lễ truyền thống.
Malaysia
Với cộng đồng người Hoa chiếm tỷ lệ đáng kể, Tết âm lịch cũng là một trong những dịp lễ lớn tại Malaysia. Các hoạt động như múa lân, múa sư tử, và đặc biệt là màn bắn pháo hoa rực rỡ tại tháp đôi Petronas, đã trở thành điểm nhấn của ngày lễ này.
Campuchia
Ở Campuchia, người dân tổ chức lễ hội Chol Chnam Thamy, còn được biết đến như Tết năm mới theo lịch Khmer truyền thống. Họ tin rằng mỗi năm có một vị thần được phái xuống để chăm sóc con người, và khi năm mới bắt đầu, một vị thần khác sẽ tiếp quản nhiệm vụ này.
Thái Lan
Người Thái Lan ăn Tết âm lịch trong ba ngày và gọi dịp này là lễ hội Songkran, diễn ra từ ngày 13/4 đến 15/4. Một phong tục đặc trưng trong lễ hội này là té nước – người trẻ té nước vào người lớn tuổi để bày tỏ lòng kính trọng, trong khi người già mong muốn thế hệ trẻ bỏ qua những lời trách mắng thường ngày.
Phong tục té nước không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn cả du khách quốc tế, tạo nên không khí sôi động với những chậu nước, súng nước và bóng nước đầy màu sắc. Những ai bị té nước nhiều nhất được xem là người sẽ gặp nhiều may mắn trong năm.
Singapore
Singapore, với đa số người Hoa trong dân cư, đón Tết âm lịch mang đậm nét văn hóa Trung Quốc. Ngày lễ này thường diễn ra đồng thời với Tết âm lịch tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch.
Người dân trang trí nhà cửa, đường phố với sắc đỏ truyền thống, tạo nên không gian rực rỡ. Các lễ hội nổi bật kéo dài cả tháng, bao gồm Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, và Lễ hội đường phố Chingay.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, Tết âm lịch lớn nhất được gọi là lễ hội Holi, còn được xem như lễ hội mùa xuân quan trọng nhất. Holi đánh dấu sự kết thúc của mùa đông khắc nghiệt và đón chào mùa xuân, tượng trưng cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Phong tục trong lễ hội Holi khá độc đáo, mọi người sử dụng bột màu và nước để tô lên mặt, quần áo của nhau, bất kể quen hay lạ. Lễ hội không chỉ thu hút người dân trong nước mà còn tạo ấn tượng mạnh với du khách quốc tế.
Bhutan
Ở Bhutan, dịp Tết âm lịch được gọi là Losar, kéo dài 15 ngày, với ba ngày đầu tiên được coi là quan trọng nhất. Đây là thời điểm để các thành viên trong gia đình trở về nhà, cùng nhau dọn dẹp, bày biện mâm cơm và mâm trái cây để cúng tổ tiên.
Người dân Bhutan tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban phước lành trong năm cũ, đồng thời cầu chúc cho một năm mới ấm no và hạnh phúc.