Mỗi mùa hè, hòn đảo Alicudi xa xôi tại Ý thu hút một lượng nhỏ du khách muốn rời xa nhịp sống hiện đại. Trên hòn đảo núi lửa rộng chỉ 2 dặm vuông (5,18 km2) này, không có ô tô hay đường sá, du khách chỉ có thể di chuyển trên các lối mòn bằng lừa. Dù tín hiệu điện thoại di động đã phủ sóng hầu hết khu vực, nhiều ngôi nhà tại đây vẫn không có điện và nước sinh hoạt.
Hòn đảo Alicudi chỉ có khoảng 100 cư dân sinh sống, nhưng vào mùa đông, con số này giảm mạnh. Phần lớn thời gian trong năm, cuộc sống trên đảo không hề yên bình như vẻ bề ngoài.
Do không có bệnh viện, người dân phải đi phà hoặc, trong trường hợp khẩn cấp, dùng trực thăng để đến nơi điều trị y tế. Theo nhiếp ảnh gia người Ý Camilla Marrese, người từng đến Alicudi trong đại dịch Covid-19 để ghi lại cuộc sống tại đây, trường học trên đảo đã phải đóng cửa vì không đủ học sinh.
Trên đảo có 2 cửa hàng tạp hóa và 1 quán bar để mọi người giao lưu, nhưng quán bar này chỉ hoạt động 3 tháng mỗi năm, cô cho biết thêm.
“Vào những thời điểm còn lại trong năm, sự kiện giao lưu lớn nhất trên đảo là khi mọi người kéo xuống bến tàu mỗi lần thuyền cập bến - họ đến chỉ để xem ai đến và ai rời đi”, Marrese chia sẻ với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua Zoom. Đối tác và cộng sự của cô, Gabriele Chiapparini, bổ sung: “Có những ngôi nhà cách bến tàu tới 2 giờ đi bộ, nên người dân ở đó thường dùng ống nhòm để quan sát”.
Với mong muốn ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi về hòn đảo và cuộc sống của cư dân nơi đây vào mùa đông, Marrese và Chiapparini đã dành 2 tháng khám phá Alicudi, chụp lại cảnh sắc thiên nhiên và kết thân với người dân trên đảo.
Alicudi được cho là có người sinh sống từ thế kỷ 17 trước Công nguyên. Tuy nhiên, các làn sóng di cư, cả rời đảo lẫn đến đảo, đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu dân số nơi đây trong những thập kỷ gần đây. Nhiều người dân đã rời đảo đến đất liền Ý hoặc thậm chí xa hơn, đặc biệt là Úc. Marrese mô tả cộng đồng hiện tại trên đảo như “nhiều hòn đảo nhỏ trong cùng một hòn đảo” - bao gồm những cư dân lâu đời (mà một số người vui vẻ tự gọi mình là “thổ dân”) và những người từ khắp châu Âu chuyển đến để tìm kiếm một cuộc sống yên bình.
“Chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người chọn sống trên hòn đảo này vì họ cảm thấy mệt mỏi trước những vấn đề của thế giới hiện nay: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cách chúng ta canh tác nông sản và cả những bất cập trong hệ thống kinh tế”, Chiapparini cho biết.
Tuy nhiên, cả hai vẫn cảm nhận được một tinh thần cộng đồng đặc biệt, dù trên đảo không có nhiều nơi gặp gỡ hay không gian sinh hoạt chung cho người dân.
“Tất cả các ngôi nhà trên đảo đều nằm rải rác, nên rất khó để hình thành một cộng đồng gắn kết. Dù vậy, người dân ở đây có một cảm giác thuộc về rất mạnh mẽ; họ đều biết nhau và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghĩ mối quan hệ giữa họ rất khăng khít. Tuy nhiên, đây cũng giống như một xã hội thu nhỏ, nơi có cả điều tốt lẫn điều xấu, vì vẫn tồn tại những mâu thuẫn không đáng có và đôi khi là những hành động trả đũa nhỏ nhặt”, Marrese chia sẻ.
Marrese ví cuộc sống của người dân trên đảo giống như sống trong một khu chung cư: “Bạn có thể không thích hàng xóm của mình, nhưng khi bão đến, mọi người vẫn cùng nhau xuống bờ biển để kéo thuyền của nhau lên và hỗ trợ lẫn nhau.”
Theo các nhiếp ảnh gia, vì dân cư trên đảo thường xuyên thay đổi theo mùa, người dân nơi đây đã quen với việc nhanh chóng xây dựng niềm tin và dễ dàng thuyết phục người khác đồng ý chụp ảnh.
“Họ rất quen với việc nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ bền chặt và xây dựng những kết nối xã hội sâu sắc. Đồng thời, họ cũng đã quen với việc chứng kiến người khác rời đi, chấp nhận sự thay đổi liên tục và đối mặt với thực tế rằng không phải điều gì cũng tồn tại mãi mãi”.
Những bức chân dung trong cuốn sách của Camilla Marrese và Gabriele Chiapparini khắc họa hình ảnh người dân trên đảo giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hoặc đứng trên bờ biển dưới bầu trời xám xịt. Để tôn trọng quyền riêng tư, tên của các nhân vật thường không được nhắc đến, và một số bức ảnh còn che khuất khuôn mặt của họ.
Điều này càng làm tăng thêm vẻ bí ẩn của hòn đảo, vốn đã giàu có về các truyền thuyết địa phương. Thực tế, cuốn sách của Camilla Marrese và Gabriele Chiapparini thậm chí không nhắc rõ tên địa danh, nhưng bất kỳ ai quen thuộc với địa hình và các câu chuyện thần thoại được đề cập đều dễ dàng nhận ra đó chính là Alicudi. (Đây là một hòn đảo nằm tách biệt trong quần đảo Aeolian, thuộc biển Tyrrhenian phía bắc Sicily. Gần đây, Alicudi từng thu hút sự chú ý khi bị đàn dê “xâm chiếm,” với số lượng dê nhiều gấp khoảng 6 lần dân cư trên đảo).
Alicudi còn nổi tiếng với một câu chuyện kỳ lạ trong lịch sử: việc sản xuất bánh mì chứa chất gây ảo giác một cách tình cờ.
Cho đến những năm 1950, người dân trên đảo thường ăn bánh mì bị nhiễm nấm ergot, một loại nấm trên lúa mạch đen, vốn là thành phần chính tạo ra LSD (chất gây ảo giác mạnh). Qua nhiều thế hệ, họ vô tình tiêu thụ loại bánh mì làm từ “lúa mạch điên” hoặc “lúa mạch sừng”. Điều này có thể là nguồn gốc của nhiều truyền thuyết trên đảo, như câu chuyện về những người phụ nữ bay lượn trên bầu trời (được gọi là “maiara,” nghĩa là “phù thủy” trong phương ngữ Aeolian).
“Có rất nhiều truyền thuyết đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Thực ra, các truyền thuyết đó có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm ảo giác mà toàn bộ cư dân trên đảo từng trải qua, do họ ăn loại bánh mì này mỗi ngày”, Marrese chia sẻ.
Marrese và Chiapparini cũng tìm hiểu thêm về các khía cạnh văn hóa khác của hòn đảo, như lễ rước tượng Thánh Bartolo được tổ chức hàng năm và những nghề truyền thống như dệt vải hay thu hoạch bạch hoa. Họ cố gắng khắc họa Alicudi một cách cân bằng, không lý tưởng hóa như một “thiên đường” nhưng cũng không bi quan như một “địa ngục,” dù hòn đảo phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế. Dù vậy, ngay cả lượng du khách ít ỏi cũng đã mang lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống nơi đây.
Các nhiếp ảnh gia chia sẻ rằng nhiều cư dân trên đảo đã rời những khu vực cao hơn để chuyển xuống sinh sống gần biển. Hiện nay, phần lớn thanh niên trên đảo làm việc trong ngành xây dựng, chủ yếu sửa chữa hoặc xây dựng nhà cửa để cho thuê vào mùa hè.
“Cuộc sống ở đây từng rất, rất nghèo. Cho đến nửa sau thế kỷ trước, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt cá… rồi điện được đưa đến (vào những năm 1990), du lịch bắt đầu phát triển và tiền bạc cũng theo đó mà đến - mọi thứ thay đổi một cách chóng mặt”, Marrese chia sẻ.
Ngoài việc chụp các bức chân dung thông thường, Chiapparini và Marrese còn tập trung ghi lại vẻ đẹp của chính hòn đảo Alicudi. Với địa hình gồ ghề, những vách đá tựa như tác phẩm điêu khắc và các sườn núi dốc đứng, Alicudi trở thành một trong những “nhân vật chính” của cuốn sách.
Họ đặc biệt chú ý đến cách địa hình độc đáo này ảnh hưởng đến cuộc sống và tính cách của người dân trên đảo. “Tôi nghĩ rằng sống trên đảo giúp con người phát triển cả về thể chất lẫn tâm lý”, Marrese chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh việc cư dân ở đây có thể dễ dàng di chuyển trong đêm tối nhờ quen thuộc với địa hình khắc nghiệt.
“Sống theo cách này đã thấm sâu vào con người họ và định hình lối sống của họ… họ gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu của mặt trời mọc và lặn,” Marrese chia sẻ.
Trải nghiệm tại Alicudi cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ với Chiapparini và Marrese. Cả hai đều cảm thấy sự kết nối sâu sắc với hòn đảo, vẫn giữ liên lạc với nhiều cư dân và nhận ra giá trị của lối sống đơn giản nơi đây.
“Mùa hè vừa rồi, chúng tôi đã quay lại hòn đảo, và khi ở đó, tôi thường tự hỏi: ‘Tại sao mình không sống ở đây?’ Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng, thực ra, mình không thực sự muốn định cư ở đó. Dù vậy, có một mối liên kết rất sâu sắc mà chúng tôi sẽ luôn mang theo”, Marrese kể.
“Điều chúng tôi nhận ra là, không chỉ có một cách sống duy nhất - có rất nhiều cách sống khác nhau,” cô nói thêm. “Chúng có thể có ưu và nhược điểm, rất khác biệt với cách sống của bạn. Nhưng người dân trên đảo chấp nhận điều đó và vẫn sống rất ổn”.
Nguồn: CNN