Tại các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của Israel, các bác sĩ đang tìm hiểu đối tượng nào dễ bị nhiễm COVID-19 nặng nhất dù đã tiêm vaccine, Reuters đưa tin.
Tại Israel lúc này, khoảng 300 người trong số 600 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã được tiêm hai liều vaccine Pfizer. Đây được gọi là những ca nhiễm COVID-19 đột phá - nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vaccine. Nhiễm COVID-19 đột phá được nhận định là hiếm gặp khi nó chỉ xảy ra ở 300 người trong số 5,4 triệu người được tiêm chủng đầy đủ ở Israel.
Những ca nhiễm đột phá này đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận toàn cầu về việc liệu các quốc gia tiêm chủng hàng đầu có nên tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường hay không và nếu tiêm thì tiêm cho những đối tượng nào.
Israel đã bắt đầu cung cấp liều vaccine tăng cường cho những người từ 60 tuổi trở lên vào tháng 7, và kể từ đó, nước này đã mở rộng phạm vi tiêm liều tăng cường.
Mỹ, trích dẫn dữ liệu từ Israel và các nghiên cứu khác, mới đây cũng cho biết họ sẽ cung cấp liều vaccine tăng cường cho tất cả người Mỹ bắt đầu từ tháng 9.
Các quốc gia khác như Pháp và Đức cho đến nay chỉ tuyên bố tiêm mũi tăng cường cho người già và những người có hệ miễn dịch kém. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh cũng cho biết Anh dự kiến tiêm vaccine tăng cường cho nhóm đối tượng nhất định vào tháng 9.
ĐỐI TƯỢNG DỄ NHIỄM COVID-19 ĐỘT PHÁ NẶNG Ở ISRAEL
Trong số 300 ca nhiễm COVID-19 đột phá kể trên ở Israel, phần lớn đã được tiêm hai liều vaccine COVID-19 cách đây ít nhất năm tháng.
Phần lớn trong số họ cũng trên 60 tuổi và mắc bệnh mãn tính làm trầm trọng thêm bệnh COVID-19. Các bệnh mãn tính này bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh phổi, ung thư và các bệnh viêm được điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, theo cuộc phỏng vấn của Reuters với 11 bác sĩ, chuyên gia y tế và quan chức Israel.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Beilinson ở Petah Tikva, Israel ngày 18 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: REUTERS / Ammar Awad)
Noa Eliakim-Raz, trưởng khoa COVID-19 tại Trung tâm Y tế Rabin ở thành phố Petach Tikva, Israel, cho biết: "Các bệnh nhân COVID-19 được tiêm phòng đều lớn tuổi, không khỏe, thường nằm liệt giường trước khi bị nhiễm COVID-19, bất động và cần được điều dưỡng chăm sóc".
Ngược lại, "những bệnh nhân COVID-19 không được tiêm chủng mà chúng tôi thấy là những người trẻ, khỏe mạnh, đang làm việc và tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng", cô Noa nói. "Đột nhiên, họ phải thở oxy".
Một thống kê khác ở Israel cũng có kết quả tương tự.
Trong số 3 triệu người Israel đã được tiêm vaccine COVID-19 bởi Clalit - đơn vị cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất Israel - 600 người đã mắc COVID-19 nặng kể từ tháng 6. Khoảng 75% trong số đó trên 70 tuổi và mắc bệnh ít nhất 5 tháng sau khi tiêm liều thứ hai, theo Ran Balicer, Giám đốc sáng tạo của Clalit. Gần như tất cả 600 người này đều mắc bệnh mãn tính.
Balicer nói: "Chúng tôi hầu như không thấy những người trẻ tuổi được tiêm phòng mắc bệnh nặng".
Hồi đầu tuần, Bộ Y tế Israel công bố một báo cáo cho thấy hiệu quả chống lại bệnh nặng của vaccine Pfizer dường như đã giảm từ hơn 90% xuống còn 55% ở những người từ 65 tuổi trở lên được tiêm mũi vaccine thứ hai trong tháng 1.
Các chuyên gia về dịch bệnh cho biết không rõ những con số này có ý nghĩa như thế nào, nhưng đồng ý rằng nó liên quan đến các bằng chứng khác cho thấy khả năng bảo vệ tổng thể của vaccine chống lại nhiễm COVID-19 đang suy yếu theo thời gian.
DỮ LIỆU TƯƠNG TỰ Ở CÁC QUỐC GIA KHÁC
Các quan chức y tế ở Anh và Mỹ, hai quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ nhiễm biến thể Delta tăng đột biến, đã báo cáo xu hướng tương tự.
Ở Anh, khoảng 35% số người nhập viện với biến thể Delta trong những tuần gần đây đã được tiêm hai liều vaccine COVID-19. Các bác sĩ nước này mô tả những đặc điểm tương tự ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đột phá bị bệnh nặng.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 trong Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Lake Charles Memorial vào ngày 10 tháng 8 năm 2021 ở Lake Charles, Louisiana, Mỹ.
Tom Wingfield, giảng viên lâm sàng tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết: "Ở những người bị nhiễm COVID-19 nặng, vì tuổi tác, vì các bệnh mãn tính của họ, họ có thể là những người mà vaccine không hoàn toàn có hiệu quả như các nhóm tuổi khác".
Biến thể Delta đã thúc đẩy một sự gia tăng số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 mới ở Mỹ, đặc biệt là ở các bang nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp. Trong số những bệnh nhân được tiêm chủng bị nhiễm COVID-19, có bằng chứng về việc những người lớn tuổi bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Gần 3/4 số ca nhiễm đột phá ở Mỹ dẫn đến nhập viện hoặc tử vong là những người từ 65 tuổi trở lên, theo dữ liệu của chính phủ.
Ở Texas, 92% trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá dẫn đến tử vong là ở những người trên 60 tuổi và 75% có bệnh nền, theo phát ngôn viên của sở y tế công cộng địa phương.
LIỀU VACCINE COVID-19 TĂNG CƯỜNG
Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường của họ dựa trên lo ngại rằng theo thời gian, vaccine sẽ giảm khả năng bảo vệ đối với nguy cơ bệnh nặng, kể cả ở những người trẻ tuổi.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bà Rochelle Walensky, cho biết hôm thứ 4: "Chúng tôi đang theo dõi các quốc gia khác một cách cẩn thận và (chúng tôi) lo ngại rằng Mỹ sẽ đối mặt với những gì Israel đang chứng kiến, điều này đang làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm COVID-19 theo thời gian" ở những người được tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia giàu có hoãn tiêm mũi tăng cường trong khi phần lớn thế giới vẫn chưa tiếp cận được với những liều vaccine COVID đầu tiên.
Cụ ông người Israel 102 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 liều thứ ba tại Trung tâm Y tế Sourasky (Bệnh viện Ichilov) ở Tel Aviv, Israel ngày 1 tháng 8 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Nir Elias
Biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, đã trở thành biến thể thống trị của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm đại dịch vốn đã giết chết hơn 4,4 triệu người.
Tại Israel, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng từ dưới 10 người trong tháng 6 lên khoảng 8.000 người kể từ khi biến thể Delta xuất hiện. Khoảng một nửa số ca mắc - phần lớn ở mức độ nhẹ đến trung bình - là những người đã được tiêm chủng.
Những người được tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên ở Israel có nguy cơ cao, bao gồm cả những người từ 60 tuổi trở lên. Phản ứng miễn dịch của một số người có thể đã suy yếu khi Delta tấn công Israel. Nhưng đối với những người khác có bệnh nền, vaccine có thể không phát huy tác dụng.
Dror Mevorach, người đứng đầu khoa COVID-19 tại bệnh viện Hadassah ở Jerusalem, Israel, cho biết: "Ở một số người, vaccine không kích hoạt phản ứng miễn dịch, người được tiêm không có kháng thể do bệnh nền hoặc do họ được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch".
Dữ liệu ban đầu ở Israel cho thấy các mũi vaccine tăng cường được thực hiện trong vài tuần qua đang làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 ở người lớn tuổi so với những người chỉ tiêm hai liều.
Ngay cả khi không có liều tăng cường, các bác sĩ Israel nói rằng những bệnh nhân được tiêm chủng có xu hướng hồi phục nhanh hơn.
Yael Haviv-Yadid, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv, Israel, cho biết: "Những bệnh nhân được tiêm vaccine mà tôi điều trị thường rời khỏi ICU trong khoảng ba ngày. Những bệnh nhân không được tiêm chủng phải mất một hoặc hai tuần cho đến khi ổn định".
Alex Rozov, trưởng khoa COVID-19 tại Trung tâm Y tế Barzilai ở thành phố Ashkelon, Israel, cho biết ngay cả khi vaccine không phòng ngừa nguy cơ nhiễm COVID-19, nó có thể làm giảm mức độ bệnh.
"Chúng tôi nhận thấy những bệnh nhân được tiêm vaccine sẽ có quá trình mắc bệnh nhẹ nhàng hơn - việc điều trị cũng hiệu quả hơn".
Nguồn: Reuters