Nghiên cứu trên 400 học sinh lớp 5, giáo sư nổi tiếng chỉ ra 1 hành vi dạy con sai lầm

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 09:14 13/05/2023

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học đã dành gần 10 năm nghiên cứu và đưa ra kết luận khiến nhiều cha mẹ giật mình.

Các bậc cha mẹ hiện nay thường đề cao giáo dục khen ngợi và khuyến khích để thúc đẩy con cái, chẳng hạn "Con tuyệt vời quá!", "Con thật thông minh", "Con là một thiên tài nhí"… Khen ngợi có thể nâng cao sự tự tin, nhưng khen ngợi cũng cần có kỹ năng, bởi nếu thực hiện sai cách có thể cản trở sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Có câu chuyện từng được chia sẻ thế này: Ở bãi biển nọ, một nhóm trẻ em đang chơi với cát. Có cậu bé làm một chiếc bể bơi bằng cát đơn giản, mẹ và bà đứng bên cạnh cứ khen liên tục: "Wow, con thật là thiên tài. Chỉ có con mới làm được một chiếc bể bơi đẹp như vậy. Thật tuyệt vời".

Một đứa trẻ bên cạnh có vẻ phật ý, nói thẳng: "Con thấy chẳng có gì là thiên tài cả, rõ ràng bể bơi này con cũng làm được mà" và nhận được nhiều sự đồng tình từ các bạn khác. Lúc này, cậu bé được khen nổi cơn giận dữ, hét lớn: "Con là người giỏi nhất, con là người giỏi nhất!", vừa hét vừa dùng chân đá vào lâu đài cát của người khác, khung cảnh trở nên rất lộn xộn. Bà mẹ liền kéo con đi nhưng không quên phán một câu: "Những đứa trẻ đó không có học thức, đừng chơi với chúng".

Nghiên cứu trên 400 học sinh lớp 5, giáo sư nổi tiếng chỉ ra 1 hành vi dạy con sai lầm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Có thể thấy, cậu bé này là nạn nhân của sự khen ngợi sai sự thật, khen ngợi sáo rỗng và thái quá khiến trẻ không thể định vị bản thân một cách hợp lý. Trẻ chỉ biết rằng thế giới xoay quanh mình và mình là người mạnh nhất.

Thế hệ cũ, cha mẹ thường theo đuổi lối giáo dục thương cho roi cho vọt, không việc gì mà đòn roi không giải quyết được. Hiện nay, giáo dục đánh mắng dần dần bị loại bỏ và việc đánh giá cao con cái được sử dụng nhiều hơn. Nhưng khen làm sao để con tiến bộ thay vì tự cao thì không phải cha mẹ nào cũng nắm được.

Thí nghiệm về lời khen từ giáo sư nổi tiếng

Carol Dweck, nhà tâm lý học đến từ Đại học Stanford đã dành gần 10 năm nghiên cứu và đưa ra kết luận: Những đứa trẻ thường được khen ngợi là thông minh thường dễ rơi vào Tư duy cố định (Tin rằng trí thông minh là di truyền và hữu hạn), trong khi những đứa trẻ thường được khen ngợi vì chăm chỉ có nhiều khả năng Tư duy tăng trưởng (Tin rằng quyết tâm có thể vượt thử thách).

Chìa khóa để chúng ta khen ngợi con cái cũng nằm ở việc chúng ta truyền cho con mình tư duy cố định hay tư duy tăng trưởng. Ví dụ: Khi khen một đứa trẻ là "tuyệt vời, thông minh và tài giỏi", điều chúng ta dạy cho đứa trẻ là một tư duy cố định, nghĩa khác của nó là đứa trẻ được điểm cao vì nó thông minh, chơi piano bởi vì trẻ có năng khiếu.

Những ảnh hưởng của tư duy cố định và tư duy phát triển đối với sự phát triển của trẻ em là gì?

Giáo sư Carol Dweck đã nghiên cứu về tác động của lời khen đối với trẻ em, bằng cách tiến hành nghiên cứu trên 400 học sinh lớp 5 tại 20 trường học ở New York. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu chỉ gọi mỗi lần một em trong lớp và tiến hành kiểm tra IQ vòng 1. Đề bài là một câu đố đơn giản và tất cả các em đều có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ cho trẻ biết điểm và kèm theo một lời khen ngợi. Những đứa trẻ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Một nhóm trẻ nhận được lời khen về chỉ số IQ, chẳng hạn như: "Con rất giỏi giải đố, thật thông minh" và nhóm kia thì khen "Con vô cùng chăm chỉ nên kết quả rất tốt".

Ở vòng thi thứ hai, có 2 đề thi có độ khó khác nhau để các em có thể thoải mái lựa chọn. Nhóm được khen nỗ lực đến 90% em chọn bài khó hơn. Ngược lại, những đứa trẻ được khen thông minh đa số chọn đề dễ. Có thể thấy rằng những đứa trẻ cho rằng mình thông minh lại không thích đối mặt với thử thách.

Dweck đã viết trong báo cáo nghiên cứu: "Khi chúng ta khen trẻ thông minh, chúng ta đang nói với chúng rằng để luôn thông minh, đừng mạo hiểm phạm sai lầm". Đây là điều mà những đứa trẻ "thông minh" trong thí nghiệm đã làm: Tránh nguy cơ có thể dẫn đến thất bại để luôn trông thông minh.

Trong thí nghiệm thứ ba và thứ tư được tiến hành sau đó, mặc dù các chủ đề sau cũng đơn giản như chủ đề đầu tiên, nhưng điểm số của những đứa trẻ được khen ngợi vì đã nỗ lực tăng khoảng 30% so với lần đầu tiên. Những đứa trẻ được khen thông minh thấy điểm số giảm khoảng 20% so với lần đầu.

Theo nghiên cứu của Dweck, ông khuyên rằng nếu bạn muốn khích lệ con mình thì hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh. Nếu tập trung vào sự thông minh, bạn sẽ vô tình tạo ra kiểu tư duy cố định cho con trẻ, làm cho chúng trở nên "miễn cưỡng" khi phải chấp nhận rủi ro và dễ tổn thương khi thất bại. Khen trẻ thông minh, những đứa trẻ đó sẽ nghĩ rằng tài năng và trí thông minh là chìa khóa thành công, từ đó đánh giá thấp tầm quan trọng của sự chăm chỉ.

3 phương pháp khen trẻ hiệu quả

Nên khen trẻ như thế nào để không sáo rỗng, không mơ hồ? Có 3 phương pháp sau:

Trước hết, hãy khen ngợi hành vi cụ thể của trẻ và đừng lạm dụng những từ như "tuyệt vời, thực sự tuyệt vời". Khen ngợi con là điều cần thiết, nhưng chỉ khen khi thấy con có tiến bộ, không nên lúc nào cũng nói wow, con giỏi lắm… Ví dụ, nếu hôm nay trẻ đọc sách một mình 30 phút, nhiều hơn hôm qua 10 phút, chúng ta có thể khen ngợi trẻ một cách chi tiết như sau: "Hôm nay con đọc sách 30 phút, nhiều hơn hôm qua 10 phút, tốt lắm!".

Thứ hai, khen ngợi sự cố gắng, dũng cảm vượt khó của trẻ chứ không phải thông minh, tài năng. Cũng giống như kết quả thực nghiệm của giáo sư Dweck, nếu trẻ được khen ngợi về trí thông minh và tài năng, để giữ danh hiệu thông minh, trẻ sẽ trở nên rụt rè, sợ hãi trước thử thách và thất bại, từ đó sẽ tìm đủ mọi lý do để trốn tránh. Nhưng khen ngợi sự cố gắng và dũng cảm sẽ khiến trẻ làm việc chăm chỉ hơn và dũng cảm hơn khi gặp vấn đề.

Cuối cùng, hãy khen ngợi quá trình học tập cụ thể chứ không phải điểm số và kết quả. Nhiều bậc cha mẹ thích đặt mục tiêu điểm cho con cái như một phần thưởng. Bằng cách này, cả cha mẹ và con cái đều tập trung vào điểm số và thứ hạng hơn là quá trình học tập của trẻ.

Vậy khen thế nào cho hay hơn? Khi con trở về với một bảng điểm đẹp đẽ, chúng ta có thể nói với con: "Học kỳ này, con đã đọc to tiếng Anh mỗi ngày, luyện nghe tiếng Anh và chăm chỉ hoàn thành bài tập cô giáo giao. Đây là kết quả của sự cố gắng của con, rất tốt!".

Khen ngợi nên là biểu hiện của ý định thực sự của cha mẹ, bạn phải thực sự cảm thấy rằng đứa trẻ đã làm tốt điều gì đó thì bạn mới có thể khen ngợi, chứ không phải vì lợi ích của việc khen ngợi.

Đứa trẻ nào cũng cần được động viên đúng mức để nâng cao sự tự tin, nhưng đừng khen ngợi quá mức. Ngay từ nhỏ, để trẻ không sợ khó khăn, thất bại, cần cho con biết rằng thành công có được nhờ sự cần cù, chăm chỉ của bản thân và vận mệnh của trẻ luôn nằm trong tay của chính trẻ!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày