SCMP đưa tin, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19 sẽ bị tiêu diệt rất nhanh dưới ánh Mặt trời, theo như lời công bố của một quan chức cấp cao tại Mỹ ngày 23/4.
Cụ thể, William Bryan - cố vấn khoa học và công nghệ cho Bộ An ninh nội địa trả lời phóng viên, rằng các nhà khoa học trực thuộc chính phủ đã phát hiện ra tia cực tím trong ánh Mặt trời có khả năng tiêu diệt virus corona chủng mới. Kết quả này mang đến hy vọng rằng khả năng lây lan của dịch bệnh sẽ bị kìm hãm trong mùa hè tới.
"Quan sát nổi bật nhất cho đến thời điểm hiện tại, là việc ánh sáng Mặt trời mang có hiệu quả tiêu diệt virus rất mạnh, cả trong không khí lẫn trên bề mặt vật chất." - ông cho biết.
"Chúng tôi cũng thấy các hiệu ứng tương tự đối với 2 yếu tố nhiệt độ và độ ẩm. Trong đó, môi trường nóng hoặc ẩm, hoặc cả hai để không phải là điều kiện thuận lợi cho virus này."
Trong buổi họp báo, Bryan chỉ chia sẻ một bản tóm tắt những gì đã tìm ra. Trong đó, thời gian bán hủy của virus (khoảng thời gian để virus giảm xuống phân nửa) trên các bề mặt nhẵn như nắm cửa, mặt bàn kim loại... là 18 tiếng sau khi tiếp xúc với nhiệt độ 21 - 24 độ C, và độ ẩm 20%. Tuy nhiên nếu độ ẩm tăng lên 80%, quãng thời gian ấy bị rút ngắn xuống còn 6h, và nếu thêm ánh sáng Mặt trời thì chỉ còn 2 phút.
Bryan cho biết cũng trong nghiên cứu lần này, các chuyên gia nhận thấy cồn isoproyl có khả năng diệt virus mạnh hơn cả thuốc tẩy.
Tuy nhiên, nghiên cứu này hiện vẫn chưa được công bố, khiến các chuyên gia độc lập khó nhận xét về tính hiệu quả của phương pháp này. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng nhận định kết quả này phải được phân tích một cách cẩn thận, dù vẫn đề cập đến khả năng dịch bệnh được đẩy lui trong mùa hè như trong tuyên bố trước kia.
"Tôi đã từng nhắc đến việc virus sẽ biến mất nhờ ánh sáng và nhiệt độ của mùa hè," - ông chia sẻ với phóng viên. Tổng thống cũng đề xuất các nhà khoa học nên cân nhắc nghiên cứu áp dụng kết quả này trong việc chữa trị, như để ánh sáng hoặc... chất khử trùng vào trong cơ thể người bệnh.
"Liệu có cách nào để chúng là làm điều tương tự với người bệnh dưới dạng chất tiêm, giống như tẩy sạch cơ thể? Nó rất thú vị để thử."
Trên thực tế, các nhà khoa học từ lâu đã xác định được tia cực tím có tính năng diệt khuẩn, bởi bức xạ nhiệt có thể tác động đến vật chất di truyền của virus lẫn vi khuẩn, chặn khả năng sinh sôi của chúng. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất là mật độ và bước sóng nào của tia cực tím được sử dụng trong phòng thí nghiệm, và liệu nó có mô phỏng đúng những gì ánh sáng tự nhiên mang tới hay không.