Cây cối có biết đau hay không? Câu hỏi này là một trong những vấn đề gây tranh luận trong nhiều thế kỷ, từ tôn giáo, tín ngưỡng, và ngay cả cộng đồng khoa học. Chúng ta từng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng cây cối cũng biết cảm nhận đau đớn, dựa trên các tín hiệu chúng tạo ra khi không may bị tổn thương và nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng.
Nhưng mới đây, một nghiên cứu đã phản bác lại quan điểm này, cho rằng các tín hiệu thực vật tạo ra khi bị tổn thương thực chất không thể so sánh với hệ thần kinh của các loài động vật, và nó đang gây ra nhiều tranh cãi.
Phản biện lại khả năng cảm nhận đau đớn của thực vật
Trong vài thập kỷ gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy phản ứng hóa sinh của thực vật phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chúng có thể cảm nhận và phản ứng lại âm thanh xung quanh, từ tiếng vo ve của các loài cây lấy mật thụ phấn, đến tiếng nhai rau ráu của "kẻ thù" là các loài động vật ăn cỏ. Chúng có thể giao tiếp với nhau, có thể bị tê liệt dẫn đến ngưng phát triển. Và thậm chí xét trên vài góc độ, cây cối còn có ký ức nữa.
Nhưng riêng về mặt cảm xúc, đó lại là một lĩnh vực phức tạp. Từ trước thập niên 2000, đã có những tranh cãi nổ ra về mối liên hệ giữa việc phản ứng với tác động của môi trường và khả năng tiếp nhận cảm xúc - một hình thức phản ứng giống như hệ thần kinh của động vật. Và theo nghiên cứu mới, việc so sánh những phản ứng của cây cối với hệ thần kinh của động vật là không thỏa đáng.
"Điều nguy hiểm nhất trong các nghiên cứu "nhân hóa thực vật" là nó khiến tính khách quan giảm đi," - Lincoln Taiz, chuyên gia sinh học từ ĐH California, Santa Cruz chia sẻ.
"Động vật và thực vật tiến hóa theo những con đường khác nhau. Não bộ là những cơ quan phải đánh đổi, và việc thực vật có một hệ thần kinh phát triển đến mức cảm nhận được đau đớn hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho chúng."
Để nói rõ ràng hơn thì chỉ động vật mới có hệ thần kinh dạng lưới, cho phép xử lý các kích thích và tạo ra phản ứng. Còn thực vật, chưa từng có nghiên cứu nào cho thấy cây cối có thứ giống chất xám và hệ thần kinh ngoại biên cả.
Thực vật có phản ứng với môi trường bên ngoài, nhưng để so sánh với động vật thì là quá tùy tiện
Bên cạnh đó, các chuyên gia trước kia cho rằng thực vật có thể phát ra tín hiệu giữa từng cá thể, qua đó thể hiện khả năng giao tiếp giữa chúng và gợi mở câu chuyện so sánh với các loài động vật.
"Theo giả thuyết này, các loài thực vật có sự phối hợp giữa từng tế bào và mô riêng lẻ, giống như cách từng cá thể loài ong giải quyết vấn đề trong tổ,"- trích báo cáo nghiên cứu.
"Tuy nhiên, cơ chế này có vấn đề," bởi ong là loài vật sống theo bầy đàn và có xã hội quy củ, nhưng về cơ bản chúng vẫn có cơ thể tự do di chuyển, không giống như các tế bào trong cơ thể thực vật.
Giả thuyết nhận được nhiều chú ý nhất là việc cây cối có khả năng ý thức được như động vật, khiến cho giới chuyên gia dành hàng thế kỷ để tìm hiểu. Tuy nhiên với nghiên cứu mới, giả thuyết rễ cây có những phản ứng tương tự như hệ thần kinh và não bộ ở người có thể đã đi quá xa, nhất là khi nhiều loài là động vật hẳn hoi còn không thể đặt ra giả thuyết như vậy.
"Động vật còn chưa chắc đã có ý thức, vậy thì cơ sự nào khiến họ tự tin rằng cây cối làm được, trong khi không hề có hệ thần kinh trong đó," - Taiz chia sẻ.
Theo Taiz, các nhà nghiên cứu trước kia đã quá vội vàng và chủ quan khi đưa ra kết luận về khả năng cảm nhận của thực vật.
"Hiện tại, vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa thể trả lời," - Taiz cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Trends In Plant Science.