Cha mẹ là những người thầy đầu tiên trên chặng đường trưởng thành của con cái. Sự có mặt của cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giống như ngọn hải đăng dẫn con đến với thành công trong tương lai. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có những thói quen tiêu cực thì con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về nhiều khía cạnh như cảm xúc, trí tuệ hay tâm lý.
Nhiều nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra mối liên hệ giữa những tác động của cha mẹ đối với trí thông minh của trẻ em. Theo đó, có 4 thói quen tưởng vô hại của các bậc phụ huynh đang ảnh hưởng cực kỳ xấu đến IQ của con cái.
1. Quát nạt con
Ông Martin, Phó Giáo sư tại Bệnh viện Harvard từng thực hiện một nghiên cứu và kết quả cho thấy sự "bạo lực bằng lời nói" của cha mẹ có thể gây tổn hại đến cấu trúc não bộ của trẻ. Theo đó, người ta phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị cha mẹ "tấn công" bằng lời nói trong một thời gian dài có thể có chỉ số IQ về ngôn ngữ thấp hơn người bình thường. Bởi việc nghe những lời nói quát nạt, tiêu cực lâu dài sẽ khiến “vùng wernicke” trong não - bộ phận chịu trách nhiệm về khả năng hiểu ngôn ngữ của con người bị suy giảm.
2. Ngắt lời con
Hành vi tiếp theo của nhiều cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sự thông minh của trẻ, đó chính là ngắt lời con. Theo các chuyên gia Harvard, hành vi này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thậm chí là cả sự tiếp thu của trẻ.
Không những vậy, việc cha mẹ thường xuyên ngắt lời con có thể tác động xấu đến khả năng tư duy và sự tập trung của trẻ. Cụ thể, các chuyên gia chỉ ra sự tập trung có liên quan đến trạng thái vỏ myelin trong não. Vỏ myelin bình thường có các sợi thần kinh mịn và gọn gàng, có thể giữ được sự tập trung của trẻ trong hơn 15 phút. Nếu cha mẹ không chú ý và làm gián đoạn quá trình tập trung của con thì về lâu dài, vỏ myelin sẽ dần bị tổn thương, các sợi thần kinh sẽ không hoạt động bình thường. Kết quả là thời gian trẻ có thể tập trung ngày càng ngắn lại.
3. Khiến con nản chí
Để phát triển toàn diện, việc chủ động khám phá sự vật hiện tượng xung quanh là điều vô cùng quan trọng đối với trẻ em. Nếu một đứa trẻ có sự tò mò về những thứ xảy ra quanh nó, bậc làm cha mẹ nên để con tự do làm điều mình thích. Bạn không nên dùng kinh nghiệm của bản thân để khiến con nản lòng hay vội vàng giải thích hiện tượng, sự vật làm mai một bản năng khám phá và tìm tòi của con trẻ.
Trí tưởng tượng của trẻ em là vô tận và đầy màu sắc. Một khi cha mẹ vội vàng định hình một sự vật, hiện tượng nào đó theo cách tiêu cực hay "chặn đứng" sự tò mò của con, thì lâu dài sẽ khiến trí tưởng tượng của trẻ bị hạn chế.
4. Kỳ vọng thái quá
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công, nhưng đôi khi họ lại vô tình đặt lên vai con những kỳ vọng hão huyền. Nhiều bậc cha mẹ thích đặt ra mục tiêu nằm ngoài khả năng của con, mà không biết rằng đó là những gánh nặng, áp lực vô hình chứ không phải động lực lớn lao.
Theo thời gian, khi một đứa trẻ phải chịu quá nhiều áp lực và không thể thực hiện được mong muốn của cha mẹ, chúng sẽ phát sinh những ngờ vực về khả năng của bản thân, tự gieo dắt các suy nghĩ tiêu cực cho chính mình. Điều này có thể khiến trẻ mất đi sự tự tin vốn có, dễ nản chí và thiếu nỗ lực trong cuộc sống.
Do đó, các bậc cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng lớn lao, thiếu thực tế lên con mình. Thay vào đó, bạn cần giúp con xác định những mục tiêu ngắn hạn, vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời góp phần định hướng giúp trẻ tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho bản thân, chứ không sống vì giấc mơ của cha mẹ.
Theo Sina