"Nghịch tử" dùng ghế phang vào đầu mẹ mình làm bất tỉnh: Sẽ phải chịu hình phạt gì?

LS Phạm Thanh Hữu, Theo Tổ Quốc 11:20 28/04/2020
Chia sẻ

"Nghịch tử" dùng ghế phang vào đầu mẹ mình gây tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông hùng hổ, tay bê một chiếc ghế dài lao từ trong nhà ra ngoài đánh vào đầu một bà cụ cao tuổi. Do bất ngờ bị đánh mạnh vào vùng đầu, cụ bà đã nằm bất động ngay tại chỗ trước cửa nhà.

Toàn bộ sự việc đã được một người đàn ông quay video lại. Người phụ nữ và cháu bé nhỏ tuổi chỉ biết đứng gào khóc can ngăn nhưng bất lực. Điều đáng nói, người đàn ông quay clip này không có bất cứ hành động can ngăn nào mà còn buông những lời lẽ thô thiển, hùa theo người đàn ông hành hung bà cụ.

Theo tìm hiểu được biết, cả người đánh cụ bà và người quay clip đều là con trai cụ bà. Ngay sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động bất hiếu của 2 người con trai.

Nghịch tử dùng ghế phang vào đầu mẹ mình làm bất tỉnh: Sẽ phải chịu hình phạt gì? - Ảnh 1.

Trần Văn Tam dùng ghế gỗ dài đánh thẳng vào vùng đầu nạn nhân hơn 60 tuổi là mẹ ruột của Tam khi người này bị nhắc nhở thường xuyên uống rượu. (Ảnh cắt từ clip).

Nhiều người đang thắc mắc, liệu "nghịch tử" này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; bởi vậy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh để làm rõ về vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, trong trường hợp này người con trai đánh mẹ và người con trai kia hùa theo, kích động đánh mẹ mình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, mức phạt như thế nào phụ thuộc vào thương tích của nạn nhân, chủ ý đánh mẹ mình của "nghịch tử" này và các yếu tố khác có liên quan. Bởi vậy, chúng ta cần phải chờ đợi kết quả chính thức từ cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, vì nạn nhân chính là mẹ của "nghịch tử" nên trong trường hợp nạn nhân bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì nghịch tử vẫn cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điểm d khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên thì hình phạt sẽ nặng hơn mức nêu trên.

Nếu "nghịch tử" này bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người con còn lại hùa theo, kích động "nghịch tử" đánh mẹ mình sẽ mang vai trò là đồng phạm theo khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

PV: Nếu nạn nhân may mắn không bị thương tích thì các "nghịch tử" này có gánh lấy chế tài gì hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trong trường hợp nạn nhân không bị thương tích, các "nghịch tử" này sẽ bị xử phạt hành chính từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

...

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;


PV:
Vâng, xin cảm ơn luật sư.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày